
Đã lâu tôi
mới có dịp trở lại Tiến Thịnh - vùng quê có làng nghề nổi
tiếng đã tồn tại bao đời nay. Tiến Thịnh hiện ra trong mắt
tôi với rất nhiều thay đổi. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên
san sát; trường học; trạm xá được xây dựng khang trang đáp ứng
nhu cầu học tập và khám chữa bệnh của nhân dân, đường làng ngõ
xóm được trải bê tông rộng rãi, sạch sẽ.
Đã từ lâu,
người dân Tiến Thịnh với khối óc thông minh và bàn tay khéo
léo đã làm ra những sản phẩm mang đậm hương vị của quê nhà như
bánh, kẹo, bánh đa nem, hương… Chính những sản phẩm này đã
mang lại ấm no cho người dân nơi đây, đồng thời làm nên sức
sống cho làng nghề Tiến Thịnh. Không ai biết làng nghề Tiến
Thịnh có từ khi nào, theo những người lớn tuổi trong làng thì
làng nghề có từ rất lâu, từ xa xưa và được lưu truyền cho đến
ngày nay. Người dân nơi đây tự hào có một làng nghề được nhiều
người biết đến với những sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên
thị trường.
Theo ông
Đàm Trung Bắc - Chủ tịch UBNN xã Tiến Thịnh thì hiện nay toàn
xã có hơn 1200 hộ (chiếm 65% dân số toàn xã) có nghề phụ,
trong đó tập trung chủ yếu ở 3 thôn: Trung Hà, Yên Thị và Thọ
Lão. Thọ Lão có truyền thống làm hương, Trung Hà có tiếng với
nghề làm bánh đa nem và mì gạo còn Yên Thị được nhiều người
biết đến bởi nghề làm kẹo, bánh.
Người ta
vẫn quen gọi những sản phẩm của làng nghề Tiến Thịnh gắn với
những cái tên của quê hương như: Hương Tiến Thịnh, kẹo Tiến
Thịnh, bánh đa nem Tiến Thịnh … Với bản tính chịu thương chịu
khó, hay lam hay làm người dân nơi đây đã làm giàu ngay trên
mảnh đất quê hương. Các sản phẩm của làng nghề Tiến Thịnh đã
có mặt trên khắp thị trường cả nước. Trong đó nhiều sản phẩm
được người tiêu dùng đánh giá cao như mặt hàng kẹo. Từ những
ngày đầu chỉ có một số ít những loại kẹo như: kẹo lạc, kẹo
rồi, kẹo bột, thì đến nay người dân nơi đây đã sản xuất được
nhiều loại khác như: kẹo chanh, kẹo gôm, kẹo cốm, kẹo dừa… đặc
biệt khoảng chục năm nay trở lại đây do nhu cầu của thị trường
mà các sản phẩm cũng đã đa dạng và phong phú hơn với chất
lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cả phải chăng.
Theo những
người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề thì để làm ra được
những sản phẩm đạt yêu cầu phải trải qua nhiều khâu. Người làm
nghề còn cả những bí quyết gia truyền riêng. Với quy trình sản
xuất kẹo gồm những khâu cơ bản sau: trộn đường và nha theo tỷ
lệ thích hợp, sau đó cho hỗn hợp này lên bếp nấu, khi nấu phải
khuấy đều tay để đường và nha quyện vào nhau, đến khi trộn hỗn
hợp đặc sánh thì đổ ra bàn (đã rải bột gạo nghiền cho khỏi
dính) rồi dùng cán cán đều và nặn thành từng tấc kẹo. Chờ các
tấc kẹo khô thì đưa vào máy cắt thành từng cái nhỏ. Sau đó
dùng giấy gói lại là hoàn thành sản phẩm. Tuỳ từng loại kẹo
khác nhau mà người ta cho thêm các phụ gia khác như lạc, bỏng
rang và các hương liệu phẩm màu vào các hỗn hợp trên. Tất cả
các thao tác phải được làm đều và nhanh tay nếu sơ ý sẽ làm
hỏng cả mẻ kẹo .
Giờ đây
các sản phẩm của Tiến Thịnh đã có chỗ đứng vững chắc trên thị
trường. Nhiều đơn đặt hàng ở tận Hà Tây, Hà Nội … thậm trí là
thành phố Hồ Chí Minh được ký kết với nhiều người dân nơi đây.
Nhờ mạnh dạn và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm mà đời sống
của người dân nơi đây đã khởi sắc không ngừng. 95% các trục
đường liên thôn, đường ngõ xóm được đổ bê tông. Công tác giáo
dục ngày càng được quan tâm, đầu tư: 100% các cháu trong độ
tuổi đều được đến trường, 5/7 thôn có nhà mẫu giáo, xã đã phổ
cập xong giáo dục và THCS. Hiện nay thu nhập bình quân đầu
người đạt 3,5 triệu đồng/người/năm. Số hộ khá, giàu chiếm 65%,
số hộ nghèo giảm còn 4,5%, hệ thống điện sinh hoạt đến với
100% gia đình, 90% số hộ được dùng nước sạch, 93% số hộ có
phương tiện nghe nhìn, 93% số hộ có xe máy, bình quân 4 hộ có
1 máy điện thoại.
Tiến Thịnh
hôm nay đang khởi sắc từng ngày. Cơ chế hội nhập của nền kinh
tế là điều kiện tốt để các sản phẩm làng nghề tiến xa hơn trên
thị trường, nhưng cũng là một thách thức đòi hỏi người dân nơi
đây phải năng động, sáng tạo để giữ gìn và phát huy được uy
tín, chất lượng của sản phẩm.
Nguyễn Thanh Tuyến