Sign In

Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (1390 - 1429)

13/11/2018
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Người trang Sơn Đông, nay là thôn Đa Cai, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.

Cuối năm Đinh Dậu 1417, ông vào Lam Sơn tụ nghĩa, do Bình Định Vương xướng xuất, ông được giữ chức quan Tư đồ. Suốt 10 năm kháng chiến chống quân Minh (1418- 1427), ông luôn là người được Bình Định Vương tin tưởng, thường được dự bàn những việc bí mật.

Tháng Bảy năm Ất Tỵ (1425), ông đem quân vào giải phóng xứ Tân Bình - Thuận Hóa, gồm một vùng đất dài rộng suốt từ phía bắc tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Thừa Thiên Huế. Lập căn cứ, tuyển binh lính làm hậu thuẫn cho công cuộc tiến quân ra đồng bằng Bắc bộ, giải phóng Đông Đô.

Tháng Mười năm Bính Ngọ (1426), ông chỉ huy hơn 100 chiến thuyền, bao vây phía bắc thành Đông Quan đánh một trận “khói lửa ngút trời", khiến quân bố phòng của Vương Thông phải bỏ mặt mật trận rút vào thành cố thủ. Thành Đông Quan hoàn toàn bị cô lập với các thành bên ngoài như Điêu Điêu (Gia Lâm), Thị Cầu (Bắc Ninh)... Sau trận này ông được phong chức Thái úy, là chức quan đứng đầu hàng quan võ.

Tháng Chín năm Đinh Mùi (1427), để cô lập thành Đông Quan với viện binh của tướng Minh An Viễn hầu Liễu Thăng sắp tràn vào biên ải,  ông được Bình Định Vương Lê Lợi cử binh cùng với các tướng Tư mã Lê Sát, Lê Lí đánh thành Xương Giang. Ông chỉ huy mặt trận công thành, khoét đất đào đường hầm, mở đường tiến công giặc, lại kết hợp các loại vũ khí chiến thuật như tên lửa, súng lửa, câu liêm, giáo dài, nỏ cứng 4 mặt đánh vào thành, nên chưa đầy 1 giờ thành Xương Giang kiên cố đã bị hạ. Các tướng giặc giữ thành như Kim Dận, Lí Nhậm đều tự sát.

Trong chiến dịch Chi Lăng Xương Giang tháng Chín cùng năm ấy, đón đánh Liễu Thăng, ông cùng Lê Sát phục binh ở Chi Lăng, góp công lao lớn vào chiến dịch, chém Liễu Thăng ở ải Chi Lăng. Sau đó ông lại được Bình Định Vương sai đi chặn đường tiếp tế lương thực của giặc cho đoàn quân của Liễu Thăng. Nhiệm vụ được hoàn thành, ông thực sự đã có công lao to lớn trong toàn bộ chiến dịch - xứng đáng với 4 chữ lớn Khai quốc nguyên huân (công đầu mở nước) được ban tặng. Bởi vậy, trong cuộc hội thề ở phía Nam thành Đông Quan ngày 22 tháng Một năm Đinh Mùi, trong danh sách đoàn do Bình Định Vương Lê Lợi cầm đầu, tên ông được đứng sau liền tên vua, sử sách vẫn ca ngợi về việc này là "đủ để kính trọng như thế".

Đất nước hết bóng giặc ngoại xâm, trở lại thanh bình, ngày mồng 8 tháng Ba năm Mậu Thân (1428) ông được phong chức quan Tả Tướng quốc (Hữu Tướng quốc là Thái tử Tư Tề, con trưởng của nhà vua). Sau đó, ông xin về hưu, trở về quê hương là ấp Đông Sơn, nay đổi là Sơn Đông. Nhưng sau đó, có kẻ vu cho ông mưu phản. Lê Thái Tổ sai người về bắt ông. Ngày 26 tháng Hai năm Kỉ Dậu (1429), thuyền của ông trên đường về Kinh Đô đến bến Đông Hồ thì bị chìm, ông và 42 người "gia thần nội thủ” (có sách chép là "lực sĩ xá nhân") đều chìm - chỉ có 2 người bơi vào bờ là còn sống.

Lê Thái Tổ sau đó ra lệnh tịch thu ruộng đất, bắt giam vợ và con ông làm kẻ hầu người ở. Đến năm Diện Ninh thứ Hai (1455) tức là phải 26 năm sau khi xảy ra vụ “chìm thuyền" ở bến Đông Hồ, vua Lê Nhân Tông xét rõ nỗi oan của ông, mới ra lệnh trả lại ruộng đất, nhà cửa, tha cho những người trong gia tộc còn sống sót. Nhân dân xã Sơn Đông tưởng nhớ người anh hùng nơi quê mình, đã lập đền thờ.

Nguồn: Danh nhân Vĩnh Phúc
(Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc xuất bản 1999)

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 9 bản ghi

Số lượt truy cập: 44.950.293

EMC Đã kết nối EMC