Sign In

Danh tướng - Quảng Trí Quân (906 - 968)

13/11/2018
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Ông người làng Vĩnh Mỗ huyện Yên Lạc, nay thuộc thị trấnYên Lạc. Tên huý là Khắc Khoan, tên chữ là Nguyễn Thái Bình, hiệu là Nguyễn Gia Loan, tự xưng là Quảng Trí Quân: Vốn là người thông minh, khoáng đạt, kiêu dũng anh hùng, xứng đáng là một bậc hào kiệt. 

Nguyễn Khắc Khoan là tướng của triều đình Ngô Quyền, được phân phong ở vùng Tam Đái (xã Vĩnh Mỗ, huyện Yên Lạc), phát triển thành một thế lực phong kiến khá mạnh, lại được trị nhậm ở vùng mà về người về của “Nhất Tam Đái, nhì Khoái Châu”, bởi thế có lực lượng kinh tế và quân sự vững mạnh. Ông đóng đồn quân ở trên núi Biện (Biện Sơn). Ông đã cùng nhân dân sống chan hoà, nghĩa tình thắm thiết. Ông còn dành riêng một ao cá, để hàng năm cứ đến ngày mồng 8 tháng Giêng là mở hội đánh cá, mời các bô lão trong vùng cùng dự yến ẩm. Sáng ngày mồng 9, ông lại sai mổ bò, giết trâu, mời phường múa hát, cùng với nhân dân tưng bừng mở hội mừng xuân. Ông cũng thường khuyến khích chăm sóc nghề nông, luôn luôn dạy dân "Canh tân mĩ tục", (đổi mới tục lệ cho hay, cho đẹp). Nhờ đó mà người dân trong vùng, nhà nhà tự cung tự cấp ấm no, chốn chốn vui cảnh thái bình thịnh trị.

Năm 944, Ngô Vương Quyền mất, Dương Tam Kha em vợ của Ngô Quyền đã cướp ngôi của cháu là Ngô Xương Ngập. Xương Ngập (con cả Ngô Quyền) sợ hãi bỏ trốn. Họ Dương lên ngôi, gọi là Bình Dương Vương, tồn tại được 2 năm (944 - 945). Sau đó các thế lực trong triều giúp con thứ hai của Ngô Quyền là Ngô Xương Văn phế truất Dương Tam Kha lập nên triệu đại Hậu Ngô Vương (945 - 965). Ở ngôi được 11 năm thì mất, không con nối dõi. Con của Xương Văn là Xương Xí kế vị, nhưng vì bất lực trước cục diện các sứ quân nổi lên cát cứ, nên đã lui về giữ vùng Bình Kiều (Triệu Sơn, Thanh Hoá), tự coi mình là một sứ quân.

Trước thời cục rối ren như thế, các hào kiệt 4 phương đều nổi dậy. Nguyễn Khắc Khoan được nhân dân suy tôn, lực lượng của ông ngày càng hùng mạnh, tự xưng là một sứ quân, lãnh đạo quyền chính. Ông đã cùng với Lã Tá Đường, sứ quân chiếm cứ vùng Tế Giang (nay thuộc các huyện Văn Giang, Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), tạo nên sự kết ước bền chặt.

Trong một lần, hai sứ quân cùng đại hội tướng sĩ ở trên sông Tế Giang, quân của Đinh Bộ Lĩnh do 2 tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc cùng phục binh bốn bề nỗi dậy. Sứ quân Lã Tá Đường hy sinh giữa trận tiền. Riêng quân của Quảng Trí Quân chỉ còn 3 người, một ngựa một đao vừa đánh, vừa chạy về đến làng Yên Thư (nay thuộc xã Yên Phương, huyện Yên Lạc) bèn tạm trú trong một cái quán gianh bên đường. Nhân dân địa phương đem lễ vật đến chào đón, ông chiêu mộ được thêm vài trăm quân, rồi quyết chiến với quân Đinh đang ào ào ép đánh.

Quảng Trí Quân lâm vào thề cùng lực kiệt, trước mặt không có viện binh, sau lưng thiếu lương thực tiếp tế, trong lúc vô vọng, ông vẫn cố sức chiến đấu mở vòng vây. Bị trọng thương, ông lui về đến bến đò Sông Loan trước đồn Biện Sơn thì ngã ngựa và mất.

Nhân dân trong làng biết tin, kéo nhau đến lấy đất đắp lên chỉ trong khoảnh khắc đã thành gò. Nay trên gò ấy, có đền thờ ông, gọi là đền Nguyễn Gia Loan (Gia Loan từ), trở thành truyền thuyết xứ Sơn Tây. Nhà sử học Phan Huy Chú xếp ông vào "Dòng chính thống các Đế vương". Đền thờ ông có hàng chữ lớn: Thiên Hạ Anh Hùng và đôi câu đối ca ngợi sự nghiệp của ông

Nguồn: danh nhân Vĩnh phúc
Sở VHTTTT Vĩnh Phúc -1999

 

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 532 bản ghi

Số lượt truy cập: 44.955.853

EMC Đã kết nối EMC