Sign In

Danh nhân - Nguyễn Duy Thì (1572 - 1652)

13/11/2018
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Người xã Yên Lãng, nay là thôn hợp Lễ, xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên. Năm 27 tuổi, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Quang Hưng, đời vua Lê Thế Tông (1598). Ông giữ các chức: Hàn lâm viện Hiếu lí, Hiến sát sứ Thanh Hoá, Hộ khoa ở Đô cấp sự trung; Thiêm đô Ngự sử, Phó Đô ngự sử ở Ngự sử đài, Tả Thị lang bộ Lại, kiêm chức Tư nghiệp (hiệu phó) trường Quốc Tử Giám, Thượng thư bộ Công, kiêm Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, kiêm Hàn lâm Viện Thị độc, Thượng thư bộ Binh, Tế tửu Quốc Tử Giám, Thượng thư bộ Lại, luôn coi công việc của cả sáu bộ (Chưởng lục bộ sự), tước Quốc công, đặt là Tuyền Quốc công, Thượng tin quốc, Thượng trật. 

Ngoài những trọng trách trong triều đình, nội chính trong phủ chúa, ông còn là vị tướng thân chinh có nhiều công lao dẹp Mạc Kính Khoan dư đảng của triều Mạc, đối địch triều đình. Trong trận chiến năm 1618, ông đảm nhận chức quan Đốc thị ở cánh quân tiến theo con đường thuộc địa phận huyện Đại Từ và Châu Vũ Nhai thuộc tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn.

Ngày 19 tháng Chín niên hiệu Khánh Đức năm thứ 3 (1651), ông được đặc ân của vua Lê Thần Tông (phục vị), gia phong chức Thái tế, ban tên "thụy" từ lúc đương thời (dương thụy) đặt là Hoành Độ.

Ông mất ngày 16 tháng Chín năm Nhâm Thìn (1652), thọ 81 tuổi.

Công lao của Nguyễn Duy Thì với triều đình Lê - Trịnh nói riêng, với quốc gia Đại Việt nói chung rất lớn lao. Nhà sử học Phan Huy Chú đã xếp ông vào hàng 38 vị phù tá có công lao tài đức của nhà Lê Trung Hưng. Ngoài quan chức triều đình, Nguyên Duy Thì còn là một nhà giáo dục có nhiều công lao với đất nước. Ông được cử làm phó chủ khảo hai khoa thi Đình và Khoa Quý Sửu, niên hiệu Hoằng Định, đời vua Lê Kính Tông (1613); khoa Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hòa, đời vua Lê Thần Tông (1630).

Nguyễn Duy Thì đồng thời là nhà văn, nhà thơ. Tác phẩm hiện còn: Bài kí Độ Mạt tự bi (bia chùa Độ Mạt thôn Đặc Đạt xã Hà Mạt huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Bia ghi việc vị Đô Nguyên soái Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An Vương (Trịnh Tùng) vào tháng Tư năm Hoằng Định thứ 4 (160) cho phép giao dải đất phù sa bản xã cho nhà chùa làm ruộng hương hỏa, cho phép miễn thuế. Bài kí Tĩnh Lự thiền tự bi (bia chùa Tính Lự thôn Yên Phong xã Lãng Ngâm huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Ông còn hai bài thơ cận thể được nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) chép trong sách Toàn Việt thi lục, là những bài thơ cảm tác trên đường đi sứ năm Bính Ngọ (1605).

Nguồn: Danh nhân Vĩnh Phúc
(Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc xuất bản 1999)

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 9 bản ghi

Số lượt truy cập: 89.300.527

EMC Đã kết nối EMC