Sign In

Hợp nhất tỉnh và tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi (từ năm 1950 đến tháng 10 - 1954)

19/12/2014
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Từ đầu năm 1950, địch đã chiếm đóng hầu hết các vị trí trọng yếu trên địa bàn Vĩnh Yên - Phúc Yên. Chúng lập hệ thống đồn bốt kiên cố và các ban tề ở khắp các  làng xã. Do vậy, tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên đã hình thành hai vùng tự do và tạm chiếm. Vùng tự do gồm toàn bộ huyện Lập Thạch và phía bắc Tam Dương, do ta kiểm soát; phần còn lại thuộc vùng tạm chiếm, do địch kiểm soát, là nơi kháng chiến diễn ra ác liệt.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, tạo ra địa bàn kháng chiến rộng lớn, có hậu phương vững chắc, làm chỗ dựa cho cuộc đấu tranh vùng địch hậu thắng lợi; căn cứ vào vị trí địa lý và mối quan hệ nhiều mặt của nhân dân hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên trong lịch sử; căn cứ vào đề nghị của Ban Thường vụ Liên khu ủy Việt Bắc và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên, ngày 12 - 2 - 1950, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 03 - TTg về việc hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc. Thực hiện Nghị định của Chính phủ, Hội nghị hợp nhất tỉnh được tiến hành tại thôn Sơn Kịch, xã Hợp Lý (nay là xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch). Tỉnh Vĩnh Phúc ra đời, gồm 9 huyện với tổng diện tích 1.715 km và hơn 50 vạn dân, trong đó có 18.758 đảng viên đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, kịp thời đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cuộc kháng chiến. Thực hiện chủ trương “vừa kháng chiến vừa kiến quốc” của Trung ương, do đặc điểm tình hình cuộc kháng chiến trên địa bàn tỉnh, từ năm 1950, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện song song các nhiệm vụ: vừa chống địch càn quét, bình định, từng bước phát triển chiến tranh du kích và xây dựng căn cứ kháng chiến vùng địch hậu, vừa xây dựng lực lượng kháng chiến, xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của cuộc kháng chiến.

1. Chống địch càn quét, bình định; từng bước phát triển chiến tranh du kích và xây dựng căn cứ kháng chiến trong vùng địch hậu

Ngay sau khi hợp nhất tỉnh, Vĩnh Phúc đã tập trung chỉ đạo chiến dịch tổng phá tề. Chiến dịch diễn ra trong thời gian nửa tháng, từ trung tuần tháng 2 đến đầu tháng 3 - 1950.  Kết quả, toàn tỉnh phá được 50 ban tề, diệt 62 tên tề phản động, bắt 242 tên, làm tan rã bộ máy ngụy quyền ở một số nơi, số còn lại hoang mang dao động, không dám lùng sục, khủng bố như trước. Cán bộ, đảng viên và du kích một số nơi có điều kiện trở lại vùng địch hậu tiếp tục hoạt động.

Song chúng ta cũng phạm một số sai lầm, dẫn đến sau chiến dịch tổng phá tề, địch đã tổ chức lại lực lượng, tái lập các ban tề bị phá, thành lập nhiều ban tề mới, tổ chức đánh phá, trả thù lực lượng kháng chiến của ta. Nhiều quần chúng tích cực bị địch giết hại; nhiều cơ sở bị phá vỡ; một bộ phận lớn cán bộ, đảng viên, bộ đội, du kích không trụ lại được ở vùng địch hậu, phải chuyển ra vùng tự do.

Để khắc phục khó khăn do địch gây ra, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã triệu tập Hội nghị   mở rộng ngày 11 - 4 - 1950. Hội nghị đã đề ra chủ trương đưa cán bộ, đảng viên, bộ đội và dân quân du kích từ vùng tự do về vùng địch hậu. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, cấp ủy các địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể để khôi phục lại cơ sở, tiếp tục chống phá tề một cách thận trọng hơn. Thực dân Pháp tuy chiếm đất đai nhưng không khuất phục được lòng dân. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, mà trực tiếp là Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, lực lượng vũ trang và nhân dân Vĩnh Phúc đã ra sức đấu tranh, đánh mạnh vào cơ sở tề ngụy của địch ở vùng tạm chiếm, giành được những thắng lợi quan trọng. Đến cuối năm 1950, toàn tỉnh đã làm tan rã 120 ban tề ngụy, khôi phục cơ sở kháng chiến ở 364 thôn, trong đó có những thôn Công giáo mà từ lâu lực lượng kháng chiến của ta không đứng chân được. Nhiều phong trào đấu tranh chống nộp thuế, chống bắt lính, đi phu diễn ra, gây cho địch nhiều khó khăn, lúng túng trong việc bình định, chiếm đóng.

Từ năm 1951, nhằm đáp ứng yêu cầu trước những chuyển biến mới của tình hình  trong nước và quốc tế, Đảng ta đã họp Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II, quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc triệu tập Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I, từ ngày 20 - 4 đến ngày 30 - 4 - 1951, tại xã Quang Yên, huyện Lập Thạch (nay là huyện Sông Lô). Đại hội đã thông qua và ra nhiều nghị quyết quan trọng như: củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất, đấu tranh cho hòa bình thế giới, củng cố chính quyền xã, triệt phá ngụy quyền, phòng gian, trừ gian; đẩy mạnh chiến tranh du kích, tăng cường địch vận, chấn chỉnh tổ chức, sửa đổi lề lối làm việc; xây dựng chi bộ, đào tạo cán bộ; tổng động viên thuế nông nghiệp và cải cách ruộng đất; đẩy mạnh tăng gia sản xuất… Thắng lợi của Đại hội Đại biểu toàn quốc và Đại hội Đảng bộ tỉnh đã tạo cho quần chúng niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của cuộc kháng chiến; đồng thời cổ vũ toàn dân hăng hái thi đua giết giặc lập công, đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, cung cấp nhiều hơn cho cuộc kháng chiến để nhanh chóng đi đến thắng lợi.

Sau Đại hội, các hoạt động kháng chiến và kiến quốc trên địa bàn tỉnh được đẩy  mạnh. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng vũ trang càng được quan tâm chú trọng hơn. Đi đôi với công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ chú trọng công tác củng cố, xây dựng chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quần chúng; mở rộng cuộc vận động tăng gia sản xuất cứu đói trong quần chúng nhân dân, động viên các cấp, các ngành thực hiện tự cung tự cấp. Phong trào xây dựng nếp sống mới, văn hóa mới, bài trừ lạc hậu được phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là ở vùng tự do. Hệ thống giáo dục bình dân và hệ thống giáo dục chuyên nghiệp được thiết lập. Nhiều cơ sở y tế đã được xây dựng.

Những thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã tạo tiềm lực to lớn về tinh thần, vật chất để Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước; đồng thời tranh thủ thời cơ phối hợp với chiến trường chính đánh tiêu diệt địch, phát triển chiến tranh và xây dựng khu du kích kháng chiến.

Ngày 14 - 11 - 1951, thực dân Pháp đã huy động một lực lượng quân sự lớn đánh chiếm Hòa Bình, Tu Vũ nhằm gỡ thế bị động và gây lại ảnh hưởng sau những thất bại liên tiếp ở biên giới, trung du và đồng bằng Bắc bộ, đồng thời hòng tái lập Xứ Mường tự trị. Để đối phó với địch, Trung ương Đảng đã quyết định mở chiến dịch Hòa Bình và chỉ thị cho các địa phương hoạt động phối hợp với chiến trường chính. Liên khu ủy Việt Bắc cũng chỉ thị cho tỉnh Vĩnh Phúc “... chuyển hết bộ đội, cán bộ vào hậu địch, phối hợp với chiến dịch Hòa Bình và mặt trận Bắc Ninh, Bắc Giang tiêu hao sinh lực địch, đẩy mạnh du kích chiến tranh, phục hồi cơ sở”. Trên cơ sở phân tích tình hình địch - ta trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã quyết định chuyển hết bộ đội, cán bộ huyện, xã, chi ủy, đảng viên, du kích về hậu địch tác chiến du kích; củng cố, xây dựng cơ sở; thực hiện thu thuế nông nghiệp; đẩy mạnh công tác địch - ngụy vận, vận động nhân dân đấu tranh không nuôi hương dũng, không nộp phạt, không đi phu, đi lính.

Thực hiện chủ trương trên, sau hai đợt hoạt động phối hợp với chiến dịch Hòa Bình, quân dân Vĩnh Phúc đã giành được những thắng lợi quan trọng, diệt phá 22 vị trí, tháp canh; tiêu diệt 1.200 tên địch, làm bị thương 151 tên, bắt sống 334 tên và gần 500 lính bảo an, hương dũng ra hàng; giải tán ban tề ở 26 xã thuộc huyện Đa Phúc, tây Đông Anh, Yên Lãng, Bình Xuyên và ven sông huyện Yên Lạc; khôi phục một số cơ sở Đảng, mở rộng cơ sở quần chúng ở 72 thôn; vận chuyển được 2.885 tấn thóc ra vùng tự do... Trong đó, thắng lợi lớn nhất là ta đã mở rộng được các khu du kích đầu tiên ở 19 xã thuộc các huyện Bình Xuyên (các xã: Tam Dân, Tiền Phong, Thanh Lãng, Phú Xuân và thôn Bảo Đức, xã Đạo Đức); huyện Yên Lạc (các xã Nguyệt Đức, Trung Kiên); huyện Yên Lãng (các xã: Quyết Tiến, Bắc Ái, Kim Chung, Tiền Phong, Hiệp Lực); huyện Đông Anh (các xã: Nam Hồng, Thành Công); huyện Kim Anh (các xã: Mai Đình, Phú Cường, Bộ Lĩnh); huyện Đa Phúc (các xã: Lạc Long, Dũng Tiến). Việc mở được các khu du kích có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi một mặt làm thu hẹp và chọc thủng vùng chiếm đóng mà địch thiết lập từ năm 1949; mặt khác giúp tăng cường thế và lực của ta, từ chỗ bị bao vây uy hiếp, nay đã tạo được chỗ đứng trong địch hậu, làm bàn đạp cho việc đẩy mạnh chiến tranh du kích phát triển…

Sau thất bại ở mặt trận Hòa Bình và trong các vùng tạm chiếm, thực dân Pháp đã tổ chức những chiến dịch càn quét lớn trên một chiến tuyến dài từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh, trọng tâm là các xã khu du kích và bãi sậy huyện Yên Lãng, đánh phá ta cả về ba mặt chính trị, quân sự và kinh tế, gây cho ta nhiều khó khăn, thiệt hại. Trước tình hình đó, để bảo toàn lực lượng, Tỉnh ủy chủ trương: “... Tạm thời chuyển hướng, hạ thấp khẩu hiệu đấu tranh để dân đi làm đồng sản xuất, đấu tranh để duy trì cơ sở... nơi nào gần vị trí địch khủng bố mạnh thì... lấy đấu tranh chính trị, kinh tế là chính, cần thiết cho cử đại biểu liên lạc với địch, những nơi khác kiên quyết đấu tranh bằng mọi mặt, tất cả nhằm mục đích giữ vững cơ sở”. Song những chủ trương trên của Tỉnh ủy đã không được quán triệt đầy đủ, kịp thời đến cơ sở, dẫn tới tình trạng “một số nơi thủ tiêu đấu tranh, cán bộ, đảng viên hoang mang dao động, nảy sinh tư tưởng hoạt động theo mùa, thoát ly hậu địch, để địch tự do đánh phá”.

Tháng 5 - 1952, để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới, Tỉnh ủy chủ trương mở đợt củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang. Qua chỉnh huấn, cán bộ, chiến sĩ, bộ đội tỉnh, huyện đã khắc phục được tư tưởng mệt mỏi; tinh thần đoàn kết quân dân được nâng cao, đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ mới trong đợt hoạt động hè năm 1952.

Tháng 7 - 1952, Tỉnh ủy quyết định mở đợt hoạt động mùa hè, bắt đầu từ ngày 15 - 7 và kết thúc vào cuối tháng 9 - 1952 nhằm phục hồi cơ sở, phát triển chiến tranh du kích, chống phá âm mưu mới của địch. Qua gần ba tháng hoạt động, quân dân Vĩnh Phúc đã giành được thắng lợi to lớn, diệt phá 12 tháp canh, tiêu diệt 362 tên địch, làm bị thương 150 tên, bắt sống 101 tên, gọi hàng 64 ngụy binh, giải tán 200 hương dũng. Với thắng lợi đó, ta đã chặn đứng âm mưu bình định khu du kích của địch, mở rộng được cơ sở ở nhiều nơi; khu du kích của ta không những được khôi phục, củng cố như cũ mà còn được mở rộng thêm ở ba xã: Quyết Tiến (Yên Lãng), Liên Châu và Thống Nhất (Yên Lạc).

Sau hơn ba năm, cuộc kháng chiến ở Vĩnh Phúc đã chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ đấu tranh vũ trang là chủ yếu. Thu đông năm 1952, tranh thủ thời cơ lực lượng cơ động trong tỉnh của địch bị điều đi tham chiến ở mặt trận Tây Bắc, để đẩy mạnh chiến tranh du kích, phá tan âm mưu bình định của địch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ra Chỉ thị (ngày 6 - 11 - 1952): “Đẩy mạnh hoạt động thực hiện nhiệm vụ Thu Đông năm 1952”. Đồng thời, để tăng cường chỉ đạo được chặt chẽ và nhanh chóng, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc quyết định chuyển một bộ phận lãnh đạo của Tỉnh ủy, tỉnh đội vào hậu địch công tác. Tỉnh ủy còn tổ chức “Ban thống nhất chỉ đạo chống càn từng vùng”, mỗi vùng phân công một đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách. Đồng chí Bí thư Kim Ngọc và đồng  chí Lê Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh thay nhau vào vùng địch hậu trực tiếp chỉ đạo. Đây là một quyết định hết sức quan trọng, đánh dấu sự thay đổi căn bản về công tác chỉ đạo kháng chiến của Đảng bộ Vĩnh Phúc.

Sau gần hai tháng hoạt động (tháng 11 và 12 - 1952), quân dân Vĩnh Phúc đã tiêu diệt 20 vị trí địch, diệt 911 tên, làm bị thương 295 tên, bắt sống 471 tên, vận động cho 400 lính ngụy ra hàng, củng cố được khu du kích và mở rộng cơ sở vùng bị tạm chiếm, nhất là ở hai huyện Vĩnh Tường và Đông Anh. Cùng với những hoạt động đó, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc còn huy động gần 1 vạn người với trên 66 vạn ngày công lên đường hoàn thành mọi nhiệm vụ, phục vụ chiến dịch Tây Bắc. Đoàn dân công Vĩnh Phúc được xếp hàng đầu trong Liên khu Việt Bắc về thành tích phục vụ.

Trên đà những thắng lợi mới giành được, từ ngày 14 đến ngày 21 - 1 - 1953, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc họp đề ra phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng hậu địch, đó là: xây dựng khu du kích từ tây Yên Lãng qua Bình Xuyên, nối liền với Yên Lạc, Vĩnh Tường thành khu liên hoàn gồm 30 xã; phát triển và củng cố cơ sở vùng bị tạm chiếm...; bảo vệ sông, máng, đê điều sản xuất.

Hội nghị Tỉnh ủy đã quyết định lấy xây dựng khu du kích là công tác chính trong toàn bộ kế hoạch hoạt động sau lưng địch. Tỉnh ủy cũng nhận định: Hệ thống phòng ngự của địch trên đê sông Hồng với 21 vị trí, chia cắt các xã trong khu du kích là trở ngại lớn hơn khi ta phát triển vào vùng Vĩnh Tường, Yên Lạc. Thực tiễn cho thấy, quân cơ động và các cứ điểm là hai yếu tố cơ bản để địch tổ chức càn quét. Vì vậy Tỉnh ủy chủ trương: “Phải nhổ các vị trí đó, làm mất chỗ dựa của địch, mở rộng khu du kích”.

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, quân dân Vĩnh Phúc đã bước vào đợt hoạt động vũ trang bằng những trận đánh chống càn, mở màn cho những thắng lợi liên tiếp ở Hiệp Lực (Yên Lạc), Cao Đại, Minh Đức (Vĩnh Tường), Hồng Châu, Liên Châu, Trung Kiên Hà (Yên Lạc). Tiếp theo là các trận đánh tiêu diệt hàng lớn, then chốt, kiên cố trong hệ thống đê sông Hồng như Thùng Mạch, Cổ Nha, khiến cho cả hệ thống phòng ngự của địch trên tuyến đê sông Hồng bị lung lay, có nguy cơ tan rã.

Sau sáu tháng hoạt động vũ trang (từ tháng 1 đến tháng 6 - 1953), quân dân Vĩnh Phúc đã đánh 235 trận, tiêu diệt 1.124 tên địch, nhổ và bức rút hàng chục vị trí của địch. Khu du kích được mở rộng ra tới 35 xã, 201 thôn, giải phóng 13 vạn dân. Tại các thôn, xã vùng du kích, bộ máy chính quyền của địch đã bị xóa bỏ, chính quyền ta - Ủy ban Kháng chiến Hành chính được đề cao và công khai hoạt động, đời sống của nhân dân có điều kiện được đảm bảo.

Thành công của việc xây dựng và mở rộng khu du kích đã mang lại những chuyển biến căn bản cho vùng địch hậu Vĩnh Phúc. Phạm vi chiếm đóng của địch bị thu hẹp, thế và lực của ta mạnh lên, địa bàn chống càn được mở rộng và có thế liên hoàn. Thành công này còn tạo ra những điều kiện mới để tỉnh xây dựng, củng cố vùng du kích, đưa chiến tranh du kích vùng tạm chiếm phát triển lên một bước mới.

2. Xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của cuộc kháng chiến

Để tiến hành kháng chiến thắng lợi, cuối năm 1951, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II họp đã đề ra nhiệm vụ lớn cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong giai đoạn mới, trong đó xây dựng, củng cố hậu phương được xác định là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đầu năm 1952, Trung ương Đảng lại đề ra những nhiệm vụ cụ thể, với trọng tâm công tác là sản xuất, tiết kiệm. Ngày 17 - 3 - 1952, Trung ương Đảng và Chính phủ đã tổ chức phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân cả nước hăng hái tham gia cuộc vận động.

Quán triệt chủ trương của Đảng và lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Đảng bộ Vĩnh Phúc đã đề ra những biện pháp thích hợp cho từng vùng nhằm phát động một cuộc vận động sản xuất và tiết kiệm sôi nổi, sâu rộng trong quần chúng nhân dân toàn tỉnh. Ở vùng tự do, chính quyền các cấp đã chỉ đạo sát sao nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ nông dân về nông cụ, vật chất phục vụ sản xuất. Ở vùng tạm chiếm và vùng du kích, do thường xuyên bị địch càn quét, bình định nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, Tỉnh ủy đã đề ra nhiệm vụ lấn phá vành đai trắng để sản xuất và đấu tranh bảo vệ đê điều, kênh máng, coi đó là nhiệm vụ quan trọng như nhiệm vụ kháng chiến. Kết quả, từ tháng 7 - 1952 đến tháng 6 - 1953, nhân dân nhiều nơi trong tỉnh đã trở về quê cũ lấn vành đai, cày cấy được 6.142 mẫu ruộng trên tổng số 50.000 mẫu vành đai, có nơi gần như xóa hẳn vành đai trắng như xã Tân Minh và một số xã khác của huyện Đa Phúc. Thành tích đó đã phá vỡ một phần kế hoạch lập vành đai trắng của địch, góp phần phát triển sản xuất và mở rộng lực lượng cán bộ, bộ đội và dân quân du kích vào vùng sau lưng địch hoạt động.

Song song với cuộc đấu tranh lấn phá vành đai là cuộc đấu tranh bảo vệ đê điều, kênh máng. Phong trào bắt đầu nổ ra từ cuộc đấu tranh đòi sửa cống suốt ba ngày liền của nhân dân huyện Tam Dương, buộc địch phải cung cấp vật liệu xây dựng lại cống. Tiếp đó, các cuộc đấu tranh đòi sửa những quãng đê xung yếu trên triền sông Hồng, sông Cà Lồ bùng lên. Đặc biệt là cuộc đấu tranh kè đê Thanh Điềm đã trở thành một cuộc đấu tranh chính trị rộng lớn, huy động nhân dân của năm huyện tham gia. Ngày 14 - 5 - 1953, kè đê Thanh Điềm và 14 quãng đê xung yếu cần sửa chữa khác đều hoàn thành. Tại đê Thanh Điềm, trong niềm hân hoan phấn khởi, hơn 5.000 nhân dân địch hậu Vĩnh Phúc mít tinh trọng thể mừng thắng lợi và chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày sinh của Người.

Thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ đê điều, kênh máng đã làm thất bại âm mưu gây ngập lụt, phá hoại sản xuất của địch, nhân dân phấn khởi, hăng hái đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo đời sống và góp sức cho kháng chiến. Từ năm 1951 đến năm 1953, nhân dân Vĩnh Phúc đã đóng góp cho Nhà nước hàng vạn tấn thóc thuế nông nghiệp. Đặc biệt là thuế nông nghiệp vụ chiêm năm 1953, toàn tỉnh đã nhập kho Nhà nước trên 4.552 tấn thóc, đạt 121,8% chỉ tiêu trên giao, vượt thời gian quy định 30 ngày. Vĩnh Phúc đã được Bộ Tài chính tuyên dương là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về thành tích đóng thuế nông nghiệp vụ chiêm năm 1953.

Về sản xuất tiểu thủ công nghiệp, để khắc phục khó khăn do địch gây ra, Vĩnh Phúc đã tăng cường đấu tranh kinh tế với địch, chú trọng xây dựng mậu dịch quốc doanh, thu mua sản phẩm và cung cấp nguyên vật liệu cho các cơ sở sản xuất, mở các luồng hàng mới trao đổi với các tỉnh thuộc khu III và liên khu Việt Bắc. Do vậy, đến năm 1953, tình hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở Vĩnh Phúc đã có bước phát triển mới, đặc biệt, nghề sản xuất nông cụ đã làm ra trên 2 vạn mũi cày, cơ bản cung cấp đủ công cụ cho nông dân sản xuất.

Về văn hóa - xã hội, trong điều kiện chiến tranh gian khổ, Đảng bộ tỉnh vẫn thường xuyên chăm lo phát triển giáo dục, y tế nhằm đào tạo cán bộ, nâng cao trình độ dân  trí, sức khỏe cho nhân dân, phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.

Về xây dựng Đảng, quán triệt Nghị quyết của Trung ương Đảng, từ tháng 4 - 1952,  Tỉnh ủy Vĩnh Phúc quyết định mở đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng bộ. Nội dung chủ yếu của đợt sinh hoạt này là Đảng viên tự kiểm điểm theo ba tiêu chuẩn: tham gia sinh hoạt, chịu sự phân công và đóng Đảng phí. Khi các khu du kích trong tỉnh hình thành, Tỉnh ủy đã ra nghị quyết củng cố chi bộ ở các xã vùng du kích. Từ tháng 7 đến tháng 9 - 1952, Đảng bộ tỉnh tiến hành bầu lại 7 ban huyện ủy và 21 ban chi ủy. Ngày 20 - 9 - 1952, Đảng bộ Vĩnh Phúc mở lớp chấn chỉnh Đảng đầu tiên trong thời gian hơn hai tháng cho 140 đồng chí. Sang năm 1953, mở tiếp lớp cho hơn 600 cán bộ, đảng viên thuộc các ban, ngành trong tỉnh và một số cán bộ hậu địch. Kết quả lớn nhất của công tác chấn chỉnh Đảng là nhận thức của cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt, nhất là nhận thức về đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng, khắc phục được tư tưởng cầu an, sợ chết, ngại khổ và tư tưởng hữu khuynh, xa rời lập trường giai cấp.

Cùng với công tác chấn chỉnh Đảng, thực hiện chủ trương chấn chỉnh biên chế của Trung ương nhằm mục đích làm gọn nhẹ bộ máy, nâng cao hiệu suất công tác và giảm bớt chi tiêu công quỹ quốc gia, Vĩnh Phúc đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức các cơ quan chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở hai cấp tỉnh, huyện.

Về xây dựng lực lượng vũ trang, để nâng cao sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang trước yêu cầu của tình hình mới, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5 - 1952 quy định về chế độ cấp ủy Đảng trong bộ đội chủ lực, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã chỉ thị cho các Bí thư huyện ủy, Bí thư chi bộ xã kiêm chính trị viên huyện đội, xã đội; ở tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chịu trách nhiệm làm chính trị viên tỉnh đội. Đồng thời, bước vào mùa hè năm 1952, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tiến hành tổ chức chỉnh huấn chính trị cho lực lượng vũ trang, chủ yếu là bộ đội tỉnh và huyện. Qua chỉnh huấn, chất lượng bộ đội và dân quân du kích đã nâng lên rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ mới.

Tiếp tục thực hiện chính sách bồi dưỡng sức dân, đẩy mạnh kháng chiến của Đảng, năm 1953, Đảng bộ Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác giảm tô, giảm tức và tạm cấp, tạm giao ruộng đất. Phong trào nhân dân đòi giảm tô, giảm tức diễn ra đều khắp ở vùng tự do và vùng tạm chiếm. Về tạm cấp, tạm giao ruộng đất, tính trong bốn năm (1950 - 1953), Vĩnh Phúc (chưa có số liệu của huyện Lập Thạch và Tam Dương) đã tạm cấp, tạm giao 39.125 mẫu ruộng cho 18.534 gia đình gồm 67.335 nhân khẩu.

Về thực hiện chính sách ruộng đất, Tỉnh ủy đã quyết định mở một đợt tuyên truyền và học tập chính sách phát động quần chúng giảm tô sâu rộng ở vùng tự do thuộc các huyện Lập Thạch, Tam Dương và Đa Phúc. Đầu năm 1954, Tỉnh ủy quyết định chọn 10 xã ở huyện Lập Thạch, tiến hành phát động quần chúng giảm tô. Đây là đợt đầu tiên ở Vĩnh Phúc và là đợt thứ tư trong toàn quốc. Từ ngày 3 - 3 đến ngày 2 - 6 - 1954, Lập Thạch đã hoàn thành công tác phát động quần chúng nông dân đấu tranh buộc địa chủ, phú nông giảm tô theo đúng quy định của Chính phủ.

Những việc làm trên thực sự góp phần cải thiện đời sống nhân dân, động viên nhân dân ngày càng tích cực đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Từ thu đông năm 1952, Vĩnh Phúc đã huy động 25 đợt dân công với 27.369 người phục vụ chiến dịch Tây Bắc và chiến dịch Xuân Hè năm 1953. Với những thành tích trên, hàng trăm chiến sĩ dân công được tặng thưởng Huân chương chiến sĩ, 500 chiến sĩ được các cấp từ Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần đến các tỉnh có công trường tặng Bằng khen, quân dân Vĩnh Phúc đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì.

3. Tích cực chống càn, phối hợp với chiến cuộc Đông Xuân năm 1953 - 1954, đánh thắng thực dân Pháp, giải phóng quê hương

Bước sang năm 1953, thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động chiến lược, hệ thống phòng ngự của chúng có nguy cơ bị phá vỡ từng mảng. Song nhờ đế quốc Mỹ tiếp sức, từ giữa năm 1953, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện kế hoạch Nava, tập trung mọi cố gắng đẩy mạnh chiến tranh hòng tìm ra một “lối thoát vinh dự” bằng thắng lợi quân sự. Với kế hoạch này, cả Pháp lẫn Mỹ đều hy vọng trong vòng 18 tháng sẽ giành lại thế chủ động chiến lược và chuyển bại thành thắng. Nava tuyên bố không chấp nhận một sự rút lui nào.

Thực hiện kế hoạch Nava, tại Vĩnh Phúc, thực dân Pháp tập trung năm binh đoàn cơ động với hàng trăm xe cơ giới, có máy bay và đại bác yểm trợ mở cuộc càn quét quy mô lớn kéo dài từ ngày 9 - 10 đến tháng 12 - 1953, đánh phá ác liệt toàn bộ vùng địch hậu Vĩnh Phúc. Trong suốt cuộc càn quét này, địch đã đánh phá ta cả về ba mặt: quân sự, chính trị và kinh tế. Chúng dùng chính sách khủng bố điển hình, ra sức đốt phá nhà cửa, vơ vét của cải của nhân dân, đồng thời ráo riết bắt lính, dồn dân vùng tự do vào vùng tạm chiếm, ra sức tìm, phá cơ sở chính trị của tỉnh, bắt giết bộ đội, cán bộ, du kích và nhân dân.

Để đối phó với những thủ đoạn mới của địch, quán triệt chủ trương tác chiến Đông

Xuân năm 1953 - 1954 của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của công tác chống càn, coi đó là hoạt động chủ yếu của vùng sau lưng địch, luôn kiểm tra sự chuẩn bị của các địa phương và tăng cường lực lượng, lãnh đạo nhân dân đấu tranh, kiên quyết giữ vững các khu du kích và cơ sở chính trị trong vùng tạm chiếm. Nhờ chuẩn bị tích cực về tư tưởng và tổ chức, khi địch càn quét, các lực lượng vũ trang đã cùng nhân dân trong tỉnh hiệp đồng chặt chẽ, chống trả quyết liệt và lập công xuất sắc. Sau gần 100 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân dân Vĩnh Phúc đã tiêu diệt được 1.589 tên, bắt sống 80 tên, phá hủy 112 xe cơ giới (có 16 xe tăng), thu 155 súng các loại. Với thắng lợi này, ta đã phá được âm mưu bình định và củng cố vùng chiếm đóng của địch, giữ được khu du kích.

Bước sang năm 1954, trên chiến trường toàn quốc, bộ đội tiến công địch ở nhiều hướng, buộc địch phải phân tán lực lượng ra chiếm đóng ở nhiều nơi khác. Ý định tập trung lực lượng cơ động ở đồng bằng Bắc bộ của kế hoạch Nava hoàn toàn bị phá sản. Ở chiến trường Vĩnh Phúc, tình hình địch có nhiều thay đổi. Đại bộ phận quân cơ động của chúng rút khỏi Vĩnh Phúc để bổ sung cho các chiến trường khác.

Trên cơ sở nắm vững tình hình, thực hiện nhiệm vụ “Đẩy mạnh hoạt động vũ trang phối hợp với chiến trường toàn quốc” do Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng đề ra (họp từ ngày 9 đến ngày 19 - 1 - 1954), Tỉnh ủy Vĩnh Phúc quyết định “mở rộng cuộc tấn công địch sâu vào vùng tạm chiếm, thu hút địch vào trong, tạo điều kiện thuận lợi cho việc củng cố các khu du kích”. Với phương châm tác chiến là: “chủ động phá càn, đẩy mạnh tập kích, phục kích, biệt kích... vừa tác chiến vừa củng cố bộ đội”.

Trong khi quân dân Vĩnh Phúc đang mở rộng cuộc tấn công vào vùng địch hậu thì ở mặt trận chính, sau nhiều ngày đêm chuẩn bị, ngày 13 - 3 - 1954, quân ta nổ súng tiến công địch ở Điện Biên Phủ, mở đầu cho cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân năm 1953 - 1954.  Để “chia lửa” với chiến trường chính, chấp hành chỉ thị của Liên  khu ủy Việt Bắc, trong khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra ác liệt, Đảng bộ Vĩnh Phúc đã tổ chức lực lượng chiến đấu ở khắp các địa phương trong tỉnh, đồng thời huy động tối đa sức người, sức của phục vụ chiến dịch lịch sử này với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Vĩnh Phúc đã huy động một lực lượng lớn sức người, sức của ra mặt trận. Để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ, lực lượng dân công được tổ chức chặt chẽ, một số lớn cán bộ, đảng viên có năng lực được cử đi lãnh đạo dân công phục vụ chiến trường. Có những tập thể và cá nhân đã chiến đấu kiên cường, anh dũng, ngày đêm vượt suối, băng đèo đưa hàng tới đích. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh vì thắng lợi của chiến dịch.

Với những đóng góp to lớn cho chiến dịch, đoàn dân công Vĩnh Phúc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ đã được tặng thưởng 95 Huân chương, 1.041 Bằng khen, 1 Cờ thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 2 cờ của Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương.

Thi đua với bộ đội và chiến dịch dân công ngoài mặt trận, từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 - 1954, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh các mặt hoạt động; vừa chống càn vừa tấn công tiêu diệt các vị trí nằm sâu trong lòng địch, kết hợp với tăng cường ngụy vận và chống bắt lính. Kết quả, từ tháng 1 đến tháng 5 - 1954, quân dân Vĩnh Phúc đã phá tan 13 vị trí địch, tiêu diệt 2.626 tên, kêu gọi 540 lính ngụy ra hàng, mở thêm nhiều thôn, xã du kích ở vùng Vĩnh Tường, nam Tam Dương.

Ngày 7 - 5 - 1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hoàn toàn bị tiêu diệt, làm nức lòng nhân dân cả nước và bạn bè khắp năm châu, đồng thời làm sụp đổ tinh thần của địch. Nắm bắt thời cơ thuận lợi, theo Chỉ thị của Trung ương và Liên khu ủy Việt Bắc, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khẩn trương mở luôn đợt hoạt động hè, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai. Tỉnh đã phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực thành lập Ban Chỉ huy mặt trận Vĩnh Phúc để chỉ đạo đợt hoạt động này.

Sau một thời gian chuẩn bị, đợt tấn công quân sự mùa hè chính thức mở màn vào đầu tháng 7. Trong những ngày đầu ra quân, trên cả ba tuyến chiếm đóng của địch, bộ đội ta tập kích tiêu diệt các vị trí Man Để, Vật Cách (Yên Lạc), Vân Tập, Thanh Giã (Tam Dương), Ngọc Bảo (Bình Xuyên). Mặt khác, ta phá cầu, đánh mìn trên đường số 2 quanh thị xã Vĩnh Yên. Lúc này, địch càng dao động, đối phó yếu ớt. Lợi dụng tình hình đó, ta tiếp tục tấn công tiêu diệt những vị trí kiên cố như Minh Tân, Hy Sinh (Yên Lạc), Sơn Tang (Vĩnh Tường), bao vây dinh lũy của bọn Quốc dân Đảng ở Thổ Tang (Vĩnh Tường)...

Từ ngày 13 - 7, quân dân Vĩnh Phúc tiếp tục tấn công, tiêu diệt các vị trí Thượng Lạp (Vĩnh Tường), diệt bọn phản động ở  Bá Cầu và giải phóng vùng Nhân Nghĩa, Lương Câu, Ái Liên, An Lão (Bình Xuyên); bao vây chặn địch ở Thạch Đà, Yên Nhân (Yên Lãng), Đại Độ (Đông Anh), Quảng Cư, Phú Thịnh (Vĩnh Tường)... Đồng thời, nhân lúc địch hoang mang, Tỉnh ủy nhanh chóng phát động cuộc đấu tranh chính trị rộng lớn nhằm làm tan rã hàng ngũ giặc, hỗ trợ cho tác chiến giành thắng lợi. Tỉnh ủy đã tập trung 30 cán bộ huyện, tổ chức thành bốn đội địch vận xuống các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương để chỉ đạo cuộc đấu tranh. Kết quả, ngày nào cũng có binh lính địch ra hàng hoặc bỏ trốn, có nơi ra hàng từng tốp như 26 tên ở Toa Đen (Vĩnh Tường), 19 tên ở Xuân Phương (Kim Anh), hoặc ra hàng toàn bộ như bọn lính địa phương ở Định Trung và Bồ Sao...

Ngày 17 - 7 - 1954, kết thúc đợt hoạt động quân sự mùa hè, quân dân Vĩnh Phúc đã giành thắng lợi hết sức to lớn: loại khỏi vòng chiến đấu 1.824 tên địch, trong đó 404 tên bị diệt, 1.020 tên bị bắt sống và 400 tên ra hàng. Vĩnh Phúc đã giải phóng gần như hoàn toàn hai huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc và một phần phía bắc huyện Bình Xuyên, Tam Dương; phá tan hệ thống chiếm đóng của địch ở bốn huyện địch hậu thuộc tỉnh Vĩnh Yên cũ.

Ngày 20 - 7 - 1954, Hiệp định Genève được ký kết, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã mở đợt tấn công địch vận nhằm tranh thủ phá khối ngụy quân, ngụy quyền của địch trước khi ngừng bắn. Kết quả, trong bảy ngày (từ ngày 21 đến 27 - 7 - 1954), toàn tỉnh đã vận động được 735 binh lính địch ra hàng. Khối ngụy quân địch bị tan vỡ đáng kể. Theo tinh thần của Hiệp định Genève và Hội nghị Trung Giã, kể từ ngày 27 - 7 - 1954, giặc Pháp phải lần lượt rút quân. Trên đất Vĩnh Phúc, đến ngày 8 - 10 - 1954, phải rút hết. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Vĩnh Phúc đã thắng lợi hoàn toàn.

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân Vĩnh Phúc đã đóng góp xứng đáng sức người, sức của để làm nên chiến thắng.

Về sản xuất, toàn tỉnh đã phá hoang và đưa vào sản xuất 16.420 mẫu ruộng vành đai trắng, đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, hàng trăm tấn thực phẩm phục vụ kháng chiến. Tỉnh đã huy động được 15 triệu ngày công tiêu thổ kháng chiến, xây dựng làng chiến đấu, đóng góp 45.700 dân công, với gần 1 triệu ngày công phục vụ từ chiến dịch Hòa Bình đến chiến dịch Điện Biện Phủ. Huy động 24.350 người tham gia dân quân du kích, 28.500 thanh niên lên đường nhập ngũ, chiến đấu trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Về chiến đấu, quân dân Vĩnh Phúc đã phối hợp với bộ đội chủ lực đánh địch 6.122 trận lớn, nhỏ, trong đó có những trận đánh nổi tiếng đã đi vào lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam như trận Khoan Bộ (Lập Thạch) trên sông Lô năm 1947, trận Xuân Trạch (Lập Thạch), Thằn Lằn (thị xã Phúc Yên) tháng 12 - 1950, trận Núi Đinh (Vĩnh Yên) tháng 1 - 1951. Trong chín năm kháng chiến, quân và dân Vĩnh Phúc đã tiêu diệt 15.875 tên địch, làm bị thương 3.957 tên, bắt sống 6.590 tên, bức hàng 1.070 tên, địch - ngụy vận 8.768 tên, phá hủy 209 tháp canh, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng...

Với những đóng góp to lớn đó, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc được Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng 4.191 Huân chương, 14.768 Huy chương các loại và hàng nghìn Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân, bao gồm:

- 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì

- 5 Huân chương Quân công hạng Ba

- 340 Huân chương Chiến công

- 581 Huân chương Chiến sĩ các loại

- 4.133 Huy chương Chiến thắng các loại

- 1.126 Huân chương Kháng chiến các loại

- 10.635 Huy chương Kháng chiến các loại.

Đến nay, Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 69 tập thể và 7 cá nhân từng lập công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; 7 cá nhân là: Trần Cừ (Đức Bác - Lập Thạch), Chu Văn Khâm (Thượng Trưng - Vĩnh Tường), Nguyễn Văn Nhạc, Phan Văn Trác, Phùng Thị Toại (Liên Châu - Yên Lạc), Lưu Quý An (Tiền Phong - Mê Linh) và Văn Danh Trong (Đại Tự - Yên Lạc).

 

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-1 / 1 bản ghi

Số lượt truy cập: 89.454.457

EMC Đã kết nối EMC