Sign In

Xây dựng hệ thống chính trị, chuẩn bị lực lượng kháng chiến chống Pháp xâm lược (từ tháng 9 - 1945 đến năm 1950)

19/12/2014
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong bối cảnh chung của cả nước, chính quyền cách mạng từ tỉnh, huyện đến xã ở hai tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên đứng trước những khó khăn hết sức trầm trọng về kinh tế - xã hội. Nạn đói năm 1945 vẫn đang đe dọa. Tiếp đó là nạn vỡ đê, gây ngập lụt 2/3 đất đai trong toàn tỉnh làm thiệt hại  lớn đến mùa màng, tài sản của nhân dân. Vụ mùa năm 1945 gần như mất trắng.  ùng lúc đó, 5.000 quân Tưởng núp dưới danh nghĩa Đồng minh kéo vào tước vũ khí quân đội Nhật đóng quân tại thị xã Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phủ Lỗ và một vài nơi khác. Chúng lôi kéo bọn Việt Nam Quốc dân Đảng phản động về Vĩnh Yên, giúp bọn này chiếm giữ ba nơi: Bạch Hạc, thị xã Vĩnh Yên, Tam Lộng. Riêng ở Tam Lộng, Đỗ Đình Đạo cầm đầu, tổ chức lực lượng vũ trang “Quốc dân binh”; chúng ra sức khủng bố nhân dân, khủng bố cơ sở Đảng của ta, khiêu khích, bắt cóc cán bộ, gây phẫn nộ trong nhân dân.

Tất cả những khó khăn, trở ngại đó là một thách thức lớn đối với chính quyền non trẻ của hai tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Yên, Phúc Yên nhận thức rõ nhiệm vụ cấp bách lúc này là phải kịp thời củng cố, giữ vững chính quyền cách mạng, đủ sức đối phó với thù trong, giặc ngoài, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, bảo vệ và phát huy thành quả cách mạng đã giành được.
Hơn một năm sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công (từ tháng 9 - 1945 đến tháng 12 - 1946), dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Đảng bộ hai tỉnh, nhân dân đã vượt qua nạn đói, khắc phục nạn dốt, xây dựng nền móng vững chắc cho chế độ mới, từng bước đánh bại âm mưu và hành động phá hoại của quân Tưởng cùng bè lũ tay sai, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước. Ngoài ra, các Đảng bộ còn tranh thủ, tận dụng thời gian địch chưa chiếm đóng địa phương (từ tháng 12 – 1946 đến tháng 12 - 1949) vừa xây dựng lực lượng, vừa kháng chiến kiến quốc, bước đầu chống địch càn quét, bảo vệ quê hương.
Về xây dựng lực lượng, để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ quê hương sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng bộ rất chú trọng đến công tác củng cố, phát triển Đảng, củng cố mặt trận và các đoàn thể quần chúng nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và tăng cường sức mạnh của quần chúng cách mạng trong tình hình mới.
Các Đảng bộ tiến hành củng cố và phát triển đội ngũ để nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Tháng 5 - 1946, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Yên họp thông qua phương hướng nhiệm vụ xây dựng Đảng và kiện toàn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm bảy đồng chí, do đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh làm Bí thư. Cũng trong năm 1946, Ban Cán sự tỉnh Phúc Yên được kiện toàn và chuyển thành Ban Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh làm Bí thư. Ở cấp huyện, một số Ban Huyện ủy được thành lập, các huyện đều được tăng cường cán bộ Đảng phụ trách. Các Đảng bộ đã xây dựng thêm nhiều Chi bộ độc lập, Chi bộ ghép làm hạt nhân lãnh đạo phong trào. Cuối năm 1946, tổng số đảng viên của hai tỉnh lên tới 723 đồng chí, tăng gấp nhiều lần số đảng viên so với hồi mới giành chính quyền. Phát huy kết quả đạt được, các Đảng bộ chủ trương phát triển Đảng rộng khắp với mục tiêu: “Mỗi xã một Chi bộ, mỗi thôn một tiểu tổ”. Đồng thời chú ý phát triển Đảng đi đôi với giáo dục chính trị tư tưởng, nhận thức cho cán bộ, đảng viên thông qua nhiều hình thức giới thiệu rộng rãi tài liệu, sách báo của Đảng kết hợp với các đợt vận động, chỉnh huấn trong Đảng như “kiểm điểm theo thư của Hồ Chủ tịch gửi các đồng chí Bắc bộ ngày 1 - 3 - 1947”.
Kết quả, sau ba năm đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng (1947 - 1949), số lượng đảng viên trong hai Đảng bộ đều tăng lên đáng kể. Tính đến cuối năm 1949, Đảng bộ Vĩnh Yên có 12.492 đảng viên, tăng 5.617 đồng chí so với năm 1948; Đảng bộ Phúc Yên có 6.266 đảng viên, tăng 3.519 đồng chí so với năm 19482. Các tổ chức cơ sở Đảng đã phát triển đến từng thôn, bản, xã, xí nghiệp, đơn vị và các cơ quan trong tỉnh, làm cho Đảng thực sự ăn sâu bén rễ trong nhân dân, gắn bó mật thiết với quần chúng.
Công tác xây dựng, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân được các Đảng bộ quan tâm. Từ đầu năm 1947, thực hiện chủ trương của Chính phủ, tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên lần lượt thống nhất Ủy ban Kháng chiến với Ủy ban Hành chính thành Ủy ban Kháng chiến Hành chính từ tỉnh đến cơ sở và sắp xếp lại quy mô các xã để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc kháng chiến. Năm 1949, hai tỉnh đã triển khai bầu cử Hội đồng nhân dân xã khóa II. Tiếp theo, mặc dù trong điều kiện bắt đầu phải đối phó với những cuộc càn quét, đánh chiếm của địch, hai tỉnh vẫn tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và kiện toàn các cơ quan, các ngành chuyên môn.
Cùng với việc củng cố chính quyền là côngtác mặt trận và xây dựng các đoàn thể quần chúng. Trong những năm đầu kháng chiến, Mặt trận Việt Minh hai tỉnh đều phát triển mạnh. Đến năm 1949, Mặt trận Việt Minh tỉnh Vĩnh Yên đã nâng tổng số hội viên lên 171.879 người, tăng 7.391 người so với năm 1948. Hội viên Việt Minh ở Phúc Yên năm 1948 chỉ có 61.000 người, đến năm 1949 tăng lên 93.108 người. Năm 1947, để tập hợp những người còn đứng ngoài tổ chức Mặt trận Việt Minh, Vĩnh Yên và Phúc Yên xây dựng, phát triển Mặt trận Liên Việt và các tổ chức chính trị khác như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp Phụ nữ. Đến năm 1948, hệ thống tổ chức của Liên Việt được hình thành từ tỉnh đến xã. Tháng 12 - 1949, hai tỉnh hoàn thành việc thống nhất Mặt trận Việt Minh và Liên Việt, đánh dấu một bước tiến mới về tăng cường khối đoàn kết toàn dân để tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến kiến quốc.
Bên cạnh việc tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, mặt trận, công tác xây dựng lực lượng vũ trang được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ quê hương. Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, các cơ quan quân sự từ tỉnh, huyện đến xã được thành lập. Các đơn vị du kích tập trung cũng lần lượt ra đời ở tỉnh và huyện. Tính đến tháng 8 - 1947, mỗi huyện có một trung đội du kích tập trung. Từ lực lượng du kích của các huyện, hai tỉnh tuyển chọn để xây dựng các đơn vị chủ lực của tỉnh. Phúc Yên xây dựng hai đội du kích tập trung là đại đội Hoàng Văn Thụ và đại đội Lý Chính Thắng cùng với trung đội Lý Thường Kiệt. Đến tháng 3 - 1948, do trang bị và cấp dưỡng thiếu thốn, tỉnh Phúc Yên phải giải thể đại đội Lý Chính Thắng và trung đội Lý Thường Kiệt. Một   số cán bộ, chiến sĩ của hai đơn vị này được đưa về các xã làm nhiệm vụ xây dựng lực lượng dân quân du kích. Số còn lại nhập với đại đội Hoàng Văn Thụ thành một đại đội mạnh gồm 240 người. Đến cuối năm 1948, Phúc Yên xây dựng thêm đại đội Trần Quốc Tuấn nhằm tăng cường lực lượng du kích tập trung, đề phòng địch tấn công.
Tháng 10 - 1948, tỉnh Vĩnh Yên thành lập tiểu đoàn cảnh vệ với tổng số 400 người, chia thành hai đại đội. Vĩnh Yên còn thành lập bảy trung đội du kích tập trung (tỉnh hai trung đội và mỗi huyện một trung đội). Ngoài việc xây dựng lực lượng du kích tập trung ở tỉnh và huyện, hai tỉnh còn rất chú trọng xây dựng lực lượng dân quân du kích ở các xã. Riêng về du kích, năm 1947, tỉnh Phúc Yên có 2.838 người, tỉnh Vĩnh Yên có 4.041 người; năm 1948, tỉnh Phúc Yên tăng lên 3.858 người, tỉnh Vĩnh Yên 9.742 người...
Năm 1949, với chủ trương đẩy mạnh cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới, việc xây dựng lực lượng vũ trang càng được chú ý hơn. Quán triệt Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (ban hành tháng 8 - 1949) về việc “Xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân du kích”, hai tỉnh đã khẩn trương xây dựng những đơn vị bộ đội địa phương tỉnh và huyện để thay thế cho các đại đội độc lập (quân chủ lực) được lệnh rút về xây dựng các binh đoàn lớn. Đến cuối năm 1949, Vĩnh Yên đã có 1 tiểu đoàn, 1 đại đội dự bị của tỉnh và 5 đại đội bộ đội địa phương huyện. Tỉnh Phúc Yên xây dựng 3 đại đội ở tỉnh và 1 trung đội dự bị. Ngoài ra Phúc Yên còn thành lập 2 đại đội bộ đội địa phương cho 4 huyện.
Lực lượng dân quân du kích cũng phát triển khá mạnh. Riêng tỉnh Vĩnh Yên, đến cuối năm 1949 đã có 15.947 đội viên, 35 xã trong tỉnh có dân quân du kích quy mô một đại đội, 6 xã có du kích tập trung. Lực lượng dân quân du kích đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc cùng nhân dân thực hiện thắng lợi hai cuộc vận động lớn do Đảng phát động là “tiêu thổ kháng chiến” và “xây dựng làng chiến đấu”.
Về xây dựng làng kháng chiến, tính đến năm 1948, tỉnh Vĩnh Yên xây dựng được 112 làng kháng chiến, có đầy đủ hầm tránh máy bay, hầm bí mật và hầm cất giấu tài sản, đáp ứng được yêu cầu phòng thủ chiến đấu tại chỗ khi địch càn quét. Đến tháng 6 - 1948, tỉnh Phúc Yên đã xây dựng được hơn 20 làng kháng chiến, còn các làng khác đều được rào kín và bố trí chông, mìn, cạm bẫy.
Kết hợp với xây dựng làng kháng chiến, Đảng bộ Vĩnh Yên đã chú ý lấy vùng núi Sáng, xây dựng nơi đây thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến của toàn tỉnh. Trong thời kỳ Vĩnh Phúc bị địch tạm chiếm (1949 - 1954), đất căn cứ được mở rộng ra gần hết huyện Lập Thạch, xã Ngọc Thanh (huyện Kim Anh cũ, nay thuộc thị xã Phúc Yên) trở thành địa bàn tập kết những đơn vị chủ lực lớn của tỉnh, hậu phương an toàn của nhiều cơ quan Trung ương, nhiều kho tàng, bệnh viện của tỉnh cùng với hàng vạn đồng bào từ các tỉnh có chiến sự di cư tới... Sau hơn hai năm xâm lược, quân Pháp đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của quân và dân ta, thất bại lớn nhất của địch là cuộc tấn công lên Việt Bắc (Thu Đông năm 1947) đã làm phá sản hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc chúng phải đánh lâu dài với ta. Quân và dân Vĩnh Phúc đã có nhiều đóng góp trên mặt trận sông Lô, bắn chìm một ca nô và một tàu chiến LCT của địch tại bến Khoan Bộ (Phương Khoan, Lập Thạch) ngày 23 - 10 - 1947.
Ngày 13 - 7 - 1949, quân Pháp mở chiến dịch đánh chiếm Bắc Ninh, Bắc Giang, đồng thời cho một cánh quân đánh chiếm phía nam hai huyện Đông Anh và Đa Phúc, làm bàn đạp tấn công hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Sau khi chiếm được các vị trí Núi Đôi, Phù Lỗ, Văn Thượng, Lực Canh, ngày 18 - 8 - 1949, thực dân Pháp tập hợp 3.000 quân mở chiến dịch Canigu đánh chiếm toàn bộ tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên. Với ưu thế về quân sự, địch tiến công một cách nhanh chóng và chiếm được các vị trí then chốt như thị xã Phúc Yên, Hương Canh, thị xã Vĩnh Yên. Sau đó, chúng tổ chức những cuộc càn quét khốc liệt dọc quốc lộ 2, đi đến đâu chúng cũng đốt phá, bắn giết nhân dân ta man rợ. Quân và dân ta đã giáng trả những đòn chí mạng. Trong khoảng 52 ngày (từ ngày 13 – 7 đến ngày 5 - 9 - 1949), quân dân Phúc Yên đã đánh 138 trận, diệt 371 tên địch, làm bị thương 36 tên; quân và dân Vĩnh Yên đã tiêu diệt và làm bị thương 600 tên, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự.
Có được kết quả ấy là do các địa phương biết phát huy sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân, giăng thành thế trận bao vây, tiêu diệt địch. Thắng lợi của quân dân Phúc Yên, Vĩnh Yên trong thời gian này rất xứng đáng với lời khen ngợi của Hồ Chủ tịch: “Trung du là phòng tuyến vững chắc của ta, nghĩa địa mênh mông của địch”. Tuy nhiên, trong quá trình chỉ đạo chiến đấu, do thiếu kinh nghiệm, một số cấp ủy Đảng địa phương đã mắc phải các thiếu sót như: bố trí lực lượng chưa sát với thực tế, có nơi huyện ủy, huyện đội không tổ chức được lực lượng chiến đấu... Kẻ thù đã lợi dụng những thiếu sót đó để mở rộng phạm vi chiếm đóng. Mặt khác, trước thế mạnh của địch, ta cũng phải tạm thời rút lui ở một số nơi để bảo toàn lực lượng. Vì vậy, đến cuối tháng 11 - 1949, địch đã chiếm được một số vị trí chiến lược trên địa bàn Vĩnh Yên, Phúc Yên.
Cùng với quá trình tiếp tục đánh chiếm, mở rộng phạm vi chiếm đóng, thực dân Pháp ra sức thực hiện chính sách bình định những vùng đã chiếm. Từ tháng 7 - 1949 đến tháng 5 - 1950, chúng đã lập được hàng trăm ban tề trên địa bàn Vĩnh Yên, Phúc Yên. Chúng dựng lên hệ thống bảo an, hương dũng để bảo vệ bộ máy ngụy quyền và dựa vào ngụy quyền để duy trì, phát triển ngụy quân. Chúng thực hiện nhiều âm mưu thâm độc hòng chia rẽ nội bộ nhân dân, làm suy yếu lực lượng kháng chiến. Tại những vùng tập trung đồng bào Công giáo như Nội Bài, Gia Lô, Đại Bằng, Hữu Bằng, Hy Sinh... địch sử dụng những cha cố phản động để lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc giáo dân, biến một số người thành tay sai, chỉ điểm cho chúng và một số thôn Công giáo thành hang ổ phản động, chống phá sự nghiệp kháng chiến...
Tình hình trên đã gây cho ta không ít khó khăn; cơ sở ở nhiều nơi bị xáo trộn, nhiều cán bộ, đảng viên phải lánh ra vùng tự do, số ít còn lại phải rút vào bí mật. Trước thực tế đó, Tỉnh ủy Vĩnh Yên, Phúc Yên chủ trương chỉ đạo các địa phương chuyển hướng đấu tranh, lấy đấu tranh chính trị, kinh tế là chủ yếu, kết hợp với đấu tranh vũ trang để ổn định tư tưởng nhân dân, phục hồi cơ sở, tạo điều kiện cho hoạt động vũ trang về sau.
Nhìn chung, sự chuyển hướng chỉ đạo đấu tranh của hai tỉnh là kịp thời, sáng suốt. Trong quá trình thực hiện chủ trương đó, nhiều địa phương đã làm tốt, huy động nhiều cán bộ, đảng viên thâm nhập vùng địch hậu để tuyên truyền, vận động và lãnh đạo nhân dân từng bước đấu tranh chống kẻ thù.
Về phía nhân dân, qua giáo dục, vận động, người dân đã dùng các hình thức đấu tranh hợp pháp và không hợp pháp để chống đi phu, nộp phạt, lập tề và buộc địch phải cho nhân dân thu hoạch lúa, hoa màu, chuẩn bị làm chiêm. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn (từ tháng 12 - 1949 đến tháng 2 - 1950), mặc dù địch tiếp tục khủng bố gắt gao, cơ sở kháng chiến vẫn được phục hồi, những hoạt động phá tề, trừ gian liên tục diễn ra và việc sản xuất đảm bảo đời sống của nhân dân cũng thu được những kết quả nhất định. Đây là một bước chuẩn bị điều kiện cho Đảng bộ của tỉnh hợp nhất (tỉnh Vĩnh Phúc) lãnh đạo nhân dân tiếp tục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

   
   
   

Số lượt truy cập: 89.472.534

EMC Đã kết nối EMC