Sign In

Những hy vọng ở nơi mang tên Trung tâm Hy Vọng

26/05/2010
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Trung tâm Hy Vọng thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch có sức hút kỳ lạ với tôi bởi những mảnh đời của các em thiếu nhi bất hạnh, cùng sự tận tâm, nhiệt huyết, tình yêu thương bao la của tập thể cán bộ, cô nuôi dưỡng ở đây. Nhìn các em nô đùa thoả thích hay say sưa học tập, tôi biết các em đang được bao bọc bởi tình thương yêu. 

Giữa buổi trưa của một ngày đầu tháng 5, dẫn chúng tôi tham quan Trung tâm Hy Vọng, ông Trịnh Đình Vân, Giám đốc Trung tâm vui vẻ nói về công việc, về Trung tâm, về hoàn cảnh éo le của các em ở đây như nói về chính ngôi nhà của mình. Dường như bao nhiêu tình yêu thương, nhiệt huyết ông đều dành cho các em, những đứa trẻ kém may mắn trong xã hội. Nét mặt không giấu nổi niềm vui, ông Vân nói: “Trung tâm Hy Vọng được thành lập năm 2001 do tổ chức phi chính phủ GECA tài trợ. Trung tâm là nơi nương tựa của những trẻ nghèo, bất hạnh, trẻ mồ côi, không nơi nương tựa trên địa bàn huyện. Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 39 em. Các em về đây, dưới mái nhà yêu thương này không chỉ là chuyện “miếng cơm, manh áo” mà còn được học chữ, học làm người, để sau này có thể tự chủ được bản thân và hòa nhập với xã hội. 

Giữa trưa hè, Trần Thị Quỳnh Hương vẫn miệt mài học

Mâm cơm bữa trưa hôm nay của các em chỉ vẻn vẹn một đĩa lạc rang, 1 đĩa đậu kho thịt và đĩa rau muống luộc. Khẩu phần ăn các bữa còn lại thường chỉ có 2 món chính là cá kho và rau. Với khẩu phần ăn như vậy liệu có đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho các em đang tuổi ăn, tuổi lớn. Ông Vân cho biết thêm: Hiện nay, toàn bộ kinh phí hoạt động của Trung tâm, tiền ăn, tiền học phí của các em đều do tổ chức GECA tài trợ, mức hỗ trợ tiền ăn cho các em là 300.000 đồng/em/tháng. Để cải thiện bữa ăn cho các em, cán bộ Trung tâm đã tận dụng một số diện tích đất trống trồng các loại rau xanh, nuôi gà…Cố gắng là vậy nhưng mâm cơm đạm bạc cũng chỉ được cải thiện đôi chút!”. 

       Điều mà ông Vân cùng 2 cán bộ ở đây rất trăn trở là làm sao đảm bảo những điều kiện vật chất tối thiểu cho các em. Đến những chi phí cho sinh hoạt hàng ngày như giày dép, quần áo, xà phòng, kem đánh răng…,Trung tâm cũng phải chi tiêu dè dặt trong mức trợ cấp 500.000 đồng/cháu/năm. Cùng với đó, là việc làm sao giúp các em quên đi mặc cảm của bản thân, chăm sóc và nuôi dưỡng các em trở thành những người có ích cho xã hội. Đây rõ ràng là một trọng trách không hề nhỏ. 

Số phận bất hạnh, mặc cảm, thiệt thòi nhưng các em không mất đi những ước mơ. Em Trần Thị Quỳnh Hương, thôn Viên Luận, xã Đồng Ích mồ côi cha mẹ từ năm học lớp 5, lên lớp 6, Hương được nhận vào Trung tâm. Hương tâm sự: “Sống ở đây, em nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người, nhất là các cô, các chú quản lý Trung tâm. Để đáp lại sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người, em luôn cố gắng, nỗ lực học giỏi đều các môn, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi môn văn cấp huyện và tỉnh. Em mơ ước sau này trở thành 1 giáo viên dạy văn giỏi để truyền lại những kiến của mình cho những trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh như chúng em…” 

Em Nguyễn Văn Nuôi, học sinh lớp 6b, trường THCS thị trấn Lập Thạch vào Trung tâm cách đây 2 năm cho biết: “Ngày em học lớn 2, bố mẹ mất, em sống với ông bà nội. Nhà nghèo, em ngỡ sẽ phải nghỉ học ở nhà phụ giúp ông bà, nhưng rất may em được Trung tâm nhận nuôi dưỡng. Sống ở đây, mọi người thương yêu, giúp đỡ em rất nhiều. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để mai sau trở thành bác sỹ chữa bệnh cho mọi người”. Gặng hỏi vì sao bố mẹ em mất, đôi mắt ngây thơ nhưng trĩu nặng cùng cái lắc đầu của Nuôi khiến lòng tôi se thắt lại. 

Một góc Trung tâm Hy Vọng

  

May mắn hơn Nuôi, Nguyễn Văn Thiệu, xã Như Thụy, huyện Lập Thạch vẫn còn mẹ và người anh trai, nhưng sức khỏe mẹ Thiệu rất yếu, không đủ khả năng nuôi 2 anh em đang tuổi ăn, tuổi học. Cả Thiệu và anh trai buộc phải nghỉ học để phụ giúp mẹ. Trong lúc khó khăn ấy, em được Trung tâm nhận  nuôi dưỡng, được chăm sóc chu đáo và tiếp tục được cắp sách đến trường như các bạn cùng trang lứa. Em ước mơ trở thành cảnh sát, em sẽ cố gắng học chăm chỉ để biến ước mơ thành hiện thực.  

Chị Đặng Thị Ngọc Lan, một trong những cán bộ gắn bó với Trung tâm từ ngày mới thành lập tâm sự với chúng tôi: làm việc ở đây phải có tình thương yêu và cả sự vị tha mới mong muốn xóa tan đi nỗi cô đơn vây quanh các em. Quả thật Trung tâm đang gặp nhiều khó khăn, cuộc sống như một "đại gia đình" của trẻ mồ côi luôn thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần. Nếu ai không có đủ lòng can đảm, sự vị tha và tình thương người chắc không thể đảm nhận được những việc mà 3 anh, chị em đang công tác tại Trung tâm vẫn đang chăm chỉ làm hàng ngày.  

Chị Lan cũng cho biết thêm: Các em ở đây đều có ý thức vươn lên, hằng ngày, sau bữa cơm chiều, các em có học lực tốt lập thành 1 đội đến từng phòng để kiểm tra việc học tập trên lớp và kèm cặp các em yếu hơn. Mỗi tháng, Trung tâm họp một lần để kiểm điểm những em chưa ngoan, vi phạm nội quy ở trường cũng như ở Trung tâm, đồng thời khen thưởng, động viên những em đạt thành tích cao trong học tập. Những em vi phạm phải viết bản cam kết và hứa không tái phạm. 10 năm qua, ngoài học tập, mỗi buổi chiều, các em còn được tập đánh cầu lông, đá cầu, chơi các trò chơi. Đặc biệt, vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu… các em được cán bộ Huyện đoàn Lập Thạch đến tổ chức vui chơi, thi vẽ tranh, thi hát...  

            Chia tay Trung tâm, những mảnh đời trẻ thơ kém may mắn trong xã hội cứ vương vấn trong tôi. Tôi biết các em đang được bù đắp bằng tình thương yêu và các em sẽ là những con người có ích cho xã hội. Trung tâm sẽ luôn là cái nôi vững chắc chắp cánh những ước mơ cho các em, giúp các em hoà nhập cộng đồng. 

Thanh Nga

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 4448 bản ghi
EMC Đã kết nối EMC