Để thu hút đầu tư, thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn thiếu, khó tuyển và khó giữ chân người lao động.
Công ty TNHH Haesung Vina là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc có mặt tại Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên từ năm 2011. Công ty chuyên sản xuất thiết bị quang học tiên tiến, linh kiện quang điện tử, các sản phẩm camera, camera cho điện thoại thông minh; các loại linh kiện camera, thiết bị tự động lấy nét cho camera và sản xuất lens...
Ông Lee Jong Young, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Haesung Vina cho biết: Được sự quan tâm của tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Haesung Vina ngày càng phát triển, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động với mức lương bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Hiện không chỉ Haesung Vina mà nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đều có nhu cầu tuyển dụng lao động. Đặc biệt, theo dự báo những tháng cuối năm 2025, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sẽ có nhiều khởi sắc, đơn hàng tăng nên các doanh nghiệp rất mong muốn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, tháo gỡ các khó khăn trong tuyển dụng lao động và nhà ở xã hội cho người lao động, nhất là lao động có tay nghề cao.

Công ty cổ phần giầy Phúc Yên đang tạo việc làm cho gần 1.300 lao động
Cũng quan tâm đến công tác tuyển dụng, giữ chân người lao động, ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giầy Phúc Yên cho biết: Những năm qua, cùng với tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm các đơn hàng mới, công ty luôn quan tâm đến người lao động, nhất là thực hiện tốt các chế độ, chính sách dành cho người lao động để giữ chân người lao động. Trong năm 2025, công ty đặt mục gia công, xuất khẩu trên 1 triệu đôi giầy sang thị trường Mỹ và các nước EU. Với tín hiệu tích cực, công ty đang đẩy mạnh sản xuất tại cả 5 phân xưởng. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là việc giữ chân và tuyển dụng lao động vì người lao động, nhất là lao động trẻ có nhiều sự lựa chọn và hay nhảy việc. Ngoài ra, ngành dệt may được đánh giá là một trong những ngành nghề có thu nhập thấp hơn so với các ngành khác, đơn hàng không ổn định...
Không chỉ có 2 doanh nghiệp trên, theo dự báo của các ngành chức năng, từ năm 2025 trở đi, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến cần tuyển 20.000 - 25.000 lao động mỗi năm để đáp ứng nhu cầu phát triển các khu, cụm công nghiệp. Nhu cầu này tập trung vào 3 nhóm ngành chính: điện tử, thiết bị điện; dệt may, da giày; cơ khí, sản xuất kim loại.
Trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp về nguồn cung lao động của tỉnh trong thời gian tới tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp cuối tháng 3 vừa qua, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết: Hiện tỉnh Vĩnh Phúc có 9/17 khu công nghiệp và 13/16 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút hơn 1.100 dự án đầu tư, tạo việc làm cho hơn 150.000 lao động. Về nguồn cung lao động, tỉnh có hơn 613.000 lao động độ tuổi từ 15 trở lên, chiếm gần 34% dân số, trong đó hơn 98% đã có việc làm. Sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp kéo theo nhu cầu tuyển dụng tăng nhanh, từ mức 10.900 lao động năm 2020 đến gần 20.000 người năm 2024. Tuy nhiên, thách thức lớn đặt ra đối với tỉnh là đào tạo đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Về nguyên nhân nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp dệt may, da giầy khó tuyển và giữ chân người lao động là do mức lương các doanh nghiệp trả cho người lao động còn thấp. Hơn nữa, tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong vùng có các tỉnh, thành có ngành công nghiệp phát triển nên nguồn cung khó khăn và lao động thường xuyên có sự dịch chuyển giữa các địa phương. Để bảo đảm nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp, thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương mở rộng nguồn cung cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức kết nối, đào tạo nghề, bảo đảm nguồn cung cho các doanh nghiệp, nhất là nguồn lao động có tay nghề cao.
Thanh Nga