Buổi chiều, các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ.
10 giờ 40 phút: Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch HĐND tỉnh quán triệt một số nội dung thảo luận tổ và thảo luận tại kỳ họp.

Đồng chí yêu cầu các đại biểu dành thời gian nghiên cứu, đưa ra những đánh giá cụ thể, làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, nhất là đối với những chỉ tiêu chưa đạt hoặc đạt thấp; tiếp tục tham mưu, đề xuất các giải pháp hay trong giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri, đổi mới hoạt động của các cơ quan tư pháp… Đối với các nội dung chuyên đề, đại biểu cần tập trung làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, đánh giá tính khả thi của các dự thảo Nghị quyết.
10 giờ 38 phút: Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan tặng hoa chúc mừng ông Phạm Quang Nguyên trúng cử chức danh Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XVII.

10 giờ 15 phút: Các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành bỏ phiếu bầu Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo kết quả kiểm phiếu được công bố tại kỳ họp, ông Phạm Quang Nguyên đã trúng cử chức danh Phó Chủ tịch HĐND tỉnh với tỷ lệ phiếu bầu đạt trên 98%.

Tiếp đó, ông Vũ Giang Hậu, Chánh văn phòng HĐND tỉnh đã thông qua dự thảo Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
10 giờ: Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan điều hành chương trình bầu Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đã trực tiếp trình bày Tờ trình về việc giới thiệu nhân sự bầu Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo đó, ông Phạm Quang Nguyên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII được Đảng Đoàn HĐND tỉnh giới thiệu để bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tại hội trường, 100% đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết về việc bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đối với ông Phạm Quang Nguyên.
8 giờ 10 phút: Trưởng các Ban: Kinh tế - Ngân sách, Pháp chế, Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh trình bày Báo cáo thẩm tra đối với các báo cáo và các nội dung chuyên đề thuộc lĩnh vực được phân công.

8 giờ 35 phút: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước trình bày các Tờ trình đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 303, đoạn từ KM7+00 đến KM9+00; đường tỉnh 310C, đoạn từ quốc lộ 2C đến quốc lộ 2B; mở rộng cầu Bến Gạo qua sông Phó Đáy trên đường tỉnh 305; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bê tông hóa mặt bờ kênh chính tả ngạn đoạn từ cầu Vân Tập đến cầu ga Yên Bình và đoạn từ cụm điều tiết An Cát đi cầu Phương Trù; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường từ Trung tâm y tế huyện Lập Thạch đến đê tả sông Lô;phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc nối từ đường vành đại 4 đi đê tả sông Hồng; điều chỉnh nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn dự án đường trục Đông - Tây, đoạn nối từ đường vành đai 3 với đường vành đai 4 được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 18 của HĐND tỉnh; phê duyệt danh mục các dự án cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ để thực hiện các công trình dự án năm 2021 trên địa bàn tỉnh và cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh.

8 giờ 10 phút: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Việt Văn trình bày các báo cáo, tờ trình đề nghị HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết thông qua phương án phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; phân bổ chi tiết các khoản chi thường xuyên trong dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2021; phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nguồn ngân sách địa phương, điều chỉnh kế hoạch vốn và phân khai chi tiết nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2021; đề nghị bãi bỏ tiêu chí dự án trọng điểm nhóm C trong Nghị quyết 155 của HĐND tỉnh; cho tiếp tục thực hiện Nghị quyết 05 và giao UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm C; quy định mức chi thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên tỉnh; quy định mức các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; quy định về mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh; thông qua Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyến số tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; một số chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức, thu hút trọng dụng tài năng và chính sách đặt hàng, hợp tác chuyên gia tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025.

8 giờ 05 phút: Ông Nguyễn Trung Hải - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri trước, sau kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVI.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri trước, sau kỳ họp thứ 20, Thường trực HĐND tỉnh đã gửi đến UBND tỉnh 27 kiến nghị, trong đó có 21 kiến nghị thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách, 4 kiến nghị thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội và 2 kiến nghị thuộc lĩnh vực pháp chế. Đến nay, có 7 kiến nghị đã giải quyết xong; 9 kiến nghị đã được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, đang thực hiện theo kế hoạch nhưng chưa có kết quả; 11 kiến nghị đang tiếp tục giải quyết.
7 giờ 55 phút: Ông Nguyễn Tuấn Khanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trình bày Thông báo tóm tắt của Ủy ban MTTQ tỉnh về hoạt động của Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân 6 tháng đầu năm 2021.

7 giờ 45 phút: Ông Trần Văn Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XV trình bày báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

7 giờ 25 phút: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Việt Văn trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021.

Báo cáo cho thấy, mặc dù từ đầu năm đến nay đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội song với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng trưởng cao nhất so với vùng đồng bằng Sông Hồng và cao thứ 3 toàn quốc, cũng là mức tăng cao nhất của tỉnh trong 10 năm trở lại đây. Thu ngân sách trên địa bàn đến ngày 21/6 đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh thu hút 177,66 triệu USD vốn FDI với 15 dự án đầu tư mới và 13 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn; thu hút vốn đầu tư DDI đạt trên 7.509 tỷ đồng, đạt 136,5% kế hoạch năm.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời, đời sống nhân dân được bảo đảm.
Về nhiệm vụ những tháng cuối năm, báo cáo nêu dự báo tình hình thế giới, trong nước sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện.
7 giờ 15 phút: Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định: Thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực đầy trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội với tinh thần thực hiện nhất quán chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ “không để ai bị bỏ lại phía sau” và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, khó khăn cần được khắc phục là: Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như đất đai, quy hoạch, tiến độ thực hiện các công trình giao thông, xây dựng hạ tầng lớn, trọng điểm của tỉnh, công trình kiến trúc là điểm nhấn đô thị của tỉnh còn chậm; thực hiện kế hoạch đầu tư công còn vướng mắc, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt thấp; nhiều vấn đề tại cơ sở chưa được giải quyết triệt để, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh nông thôn, khiếu kiện, khiếu nại kéo dài...
Với nhiều nội dung quan trọng, thời gian tổ chức kỳ họp chỉ trong 2 ngày, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan có nội dung báo cáo tại kỳ họp chỉ trình bày báo cáo, tờ trình tóm tắt, dành nhiều thời gian cho thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường và thực hiện các nội dung khác. Các đại biểu trong quá trình thảo luận cần căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và trên cơ sở dự báo tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong thời gian tới để có ý kiến đóng góp sát, đúng, giúp HĐND tỉnh có cơ sở quyết định thông qua các nghị quyết bảo đảm chất lượng, khả thi, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã năm 2021 của tỉnh.
Sáng 30/7, kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII chính thức khai mạc dưới sự chủ tọa của các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Trung Hải, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; Thường trực UBND tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII.
PV