Sign In

Những tấm lòng “từ mẫu” tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh

28/10/2024
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân đã khó, đối với những bệnh nhân tâm thần còn khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều lần. Tuy nhiên, với tấm lòng  từ mẫu”, những người thầy thuốc tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã vượt qua những trở ngại, định kiến, đồng cảm và chia sẻ với người bệnh, tạo điểm tựa về tinh thần cũng như điều trị bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, giúp họ sớm bình phục, hòa nhập cộng đồng.
 
Điều trị, chăm sóc cho người bệnh bình thường đã vất vả, đối với những bệnh nhân tâm thần còn vất vả gấp bội. Mỗi bệnh nhân một trạng thái khác nhau, có người trầm tính, ít nói, lại có người hát hò, la hét kích động, khóc cười vô cớ, có bệnh nhân hung hãn, có bệnh nhân luôn muốn dỗ dành như một đứa trẻ... Phần lớn các bệnh nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều bệnh nhân không có người nhà chăm sóc, sinh hoạt hằng ngày phụ thuộc vào các điều dưỡng của bệnh viện. Song, với tình yêu nghề và tấm lòng của người thầy thuốc “lương y như từ mẫu”, cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tâm thần tỉnh hằng ngày vẫn nỗ lực chăm sóc, chữa lành vết thương bệnh tật cho người bệnh.
 
 
Nhân viên y tế Bệnh viện Tâm thần tỉnh luôn gần gũi, hỗ trợ bệnh nhân trong những công việc sinh hoạt thường ngày
 
Gắn bó với bệnh viện ngay từ ngày đầu thành lập, hơn 20 năm qua, dù công việc nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí có khi phải đối diện với nguy hiểm nhưng bác sĩ Lê Thị Thanh, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng chưa bao giờ thấy nản lòng. Trong mắt chị, những bệnh nhân tâm thần rất thiệt thòi và cần sự quan tâm, mỗi một bệnh nhân khỏi bệnh và trở lại hòa nhập cộng đồng hay bệnh nhân có tiến triển, phục hồi tốt hơn chính là động lực để chị thêm yêu và gắn bó với nghề.
 
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Thanh chia sẻ: &39;Việc chăm sóc một bệnh nhân bình thường đã là một thách thức lớn, đối với bệnh nhân mắc bệnh tâm thần thì khó khăn càng nhân lên gấp bội. Các rối loạn tâm thần là những bệnh lý vô cùng phức tạp, việc thăm khám cho người bệnh gặp nhiều khó khăn do thiếu sự hợp tác. Nếu như bệnh nhân thông thường đến khám bệnh đều chủ động cho biết các triệu chứng của mình, thì bệnh nhân tâm thần thường có xu hướng phủ nhận tình trạng bệnh. Do đó, bác sĩ cần phải có kỹ năng quan sát tinh tế, hiểu biết sâu rộng về bệnh lý và tâm lý người bệnh, đồng thời kết hợp với việc thu thập thông tin từ người nhà. Còn khi điều trị những bệnh nhân này, các bác sĩ, điều dưỡng phải luôn đồng hành sát sao bên cạnh bệnh nhân. Đôi khi họ phải đóng vai trò như người thân trong gia đình, có lúc lại như những người bạn để tâm sự, lắng nghe, và kịp thời nắm bắt những thay đổi, diễn biến tâm lý phức tạp của người bệnh.
 
Từ sự đồng cảm, thấu hiểu đối với bệnh nhân, bác sĩ Thanh luôn nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ bằng việc tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn. Cùng với đó, bác sĩ Thanh cũng rèn luyện thêm sự kiên nhẫn, điềm tĩnh khi tiếp xúc với những bệnh nhân đặc biệt này. Trong quá trình làm việc, chị thường chú ý quan sát trạng thái, ánh mắt, cử chỉ của bệnh nhân để tìm cách trò chuyện phù hợp, thấu hiểu thế giới nội tâm của những người không may mắc căn bệnh này. Điều này giúp bệnh nhân cảm thấy tin tưởng, an toàn và thoải mái khi tiếp xúc, xem chị như là người bạn để giãi bày tâm sự. Từ đó, công việc của chị cũng đạt hiệu quả cao hơn.
 
Không chỉ khó khăn, vất vả, công việc của các y, bác sĩ, điều dưỡng tại bệnh viện tâm thần còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trưởng Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần tỉnh Lê Giang Linh cho biết: Người bệnh tâm thần thường bị hạn chế về nhận thức và tư duy, nhiều người khi nhập viện đã không còn khả năng tự chăm sóc bản thân, luôn cần sự hỗ trợ. Vì vậy, hàng ngày, bên cạnh việc điều trị, các nữ bác sĩ, điều dưỡng còn phải đảm nhận vai trò như những người "bảo mẫu", giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân và ăn uống. Thậm chí, có những bệnh nhân vốn hiền lành nhưng khi lên cơn kích động lại trở nên mất kiểm soát, có hành vi đập phá, gào thét, thậm chí tấn công nhân viên y tế. Do đó, mỗi khi thăm khám và điều trị, chúng tôi thường phải làm việc theo nhóm ít nhất hai người, vừa chăm sóc bệnh nhân, vừa theo dõi sát sao tình trạng của họ để kịp thời xử lý các tình huống bất ngờ, bảo đảm an toàn cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế.
 
Để việc điều trị cho người bệnh đạt kết quả cao, Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Bệnh tâm thần cũng như nhiều bệnh lý khác, nếu được phát hiện sớm và điều trị phù hợp thì khả năng hồi phục sẽ rất cao, giảm quá trình mạn tính và tiến triển xấu của bệnh. Vì vậy, trong những năm qua, bệnh viện luôn cập nhật những kiến thức y học tiên tiến trên thế giới, đồng thời đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu công tác khám chữa bệnh, như: Máy chụp cộng hưởng từ (MRI), điện não video, máy điện não vi tính, máy đo lưu huyết não, siêu âm màu, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, máy X - quang... Đồng thời, bệnh viện chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng trong điều trị, chăm sóc cho người bệnh; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ; thường xuyên trao đổi, tham vấn ý kiến của các chuyên gia y tế hàng đầu trong nước về lĩnh vực tâm thần học; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân và người nhà của họ… Nhờ đó 9 tháng đầu năm, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện đạt gần 7.700 lượt người.

Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, không ít bệnh nhân sống trong hoàn cảnh neo đơn, không có người thân chăm sóc. Chính vì vậy, các y, bác sĩ đã trở thành gia đình của họ, chu đáo chăm sóc người bệnh từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc trò chuyện, động viên để bệnh nhân sớm ổn định tâm lý. Bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân, bệnh viện còn tích cực vận động, kết nối với các tổ chức, cá nhân hảo tâm để thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho những hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết. Hàng tuần, bệnh viện còn tổ chức phát những suất ăn miễn phí... Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân tại bệnh viện được các tổ chức, cá nhân triển khai đã đạt gần 700 triệu đồng, góp phần giúp bệnh nhân và người nhà giảm bớt gánh nặng, kiên trì điều trị.
 
Được tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần của những nhân viên y tế nơi đây, mới thấy đó là công việc vô cùng khó khăn, vất vả và đầy rẫy những nguy hiểm mà không phải ai cũng dám làm. Những câu chuyện về bác sĩ, điều dưỡng bị chính bệnh nhân của mình tấn công, mắng chửi khi bệnh nhân lên cơn kích động... là điều không hiếm gặp. Thế nhưng, vượt lên trên những khó khăn, gian lao, vất vả và cả những cảm xúc tiêu cực, những "thiên thần áo trắng" ấy vẫn luôn tận tâm, bằng trái tim nhân hậu, lòng yêu nghề và sự đồng cảm sâu sắc với người bệnh, đã nỗ lực từng giờ, từng ngày để mang đến những tia hy vọng, giúp bệnh nhân chữa lành những vết thương tinh thần. Tình yêu thương và nụ cười của người thầy thuốc nơi đây chính là liều thuốc quý giá giúp bệnh nhân an tâm, nhanh chóng phục hồi để sớm trở về hòa nhập với cộng đồng.
 
Thu Thủy
 
 

   
   
   
EMC Đã kết nối EMC