Sign In

Thành công từ tư duy dám nghĩ, dám làm

11/10/2024
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đa dạng hình thức phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, góp phần lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Sinh và lớn lên ở vùng đồi núi, ông Trần Văn Ba, thôn Bản Long, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo luôn trăn trở làm thế nào để làm giàu từ kinh tế đồi rừng. Được sự giúp đỡ của cán bộ Trung tâm Phát triển Lâm nông nghiệp Vĩnh Phúc, ông Ba đã liên kết trồng 5ha rừng sản xuất các giống cây trồng mới là bạch đàn mô và keo tai tượng. Nhờ có nguồn giống cây tốt kết hợp với quy trình chăm sóc khoa học, diện tích rừng của gia đình ông Ba đều sinh trưởng, phát triển tốt. Qua các lớp tập huấn, tham quan các mô hình, nhận thấy để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, ông Ba đã kết hợp trồng cây dược liệu như ba kích tím, sâm đất dưới tán cây lâm nghiệp.
 

Ông Trần Văn Ba (áo hồng) sẽ tiếp tục liên kết, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu dưới tán cây rừng

Theo ông Ba, việc phát triển kinh tế đồi rừng và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc không chỉ làm giàu, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm mà còn góp phần xây dựng quê hương. Trong thời gian tới, gia đình ông sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trồng rừng, bảo vệ rừng kết hợp với trồng cây dược liệu quý. Đồng thời, luôn sẵn sàng hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân vươn lên làm giàu.

Cũng quyết tâm làm giàu trên đồng đất quê hương, nhất là trước thực trạng nông dân còn bỏ hoang nhiều diện tích đất, năm 2018, anh Lâm Văn Trung, dân tộc Sán Dìu ở xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên đã cùng với một số hộ nông dân trên địa bàn xã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lải, quy mô 40ha, chuyên xuất rau, củ, quả an toàn, cung cấp cho các bếp ăn trường học, khu công nghiệp và các cửa hàng thực phẩm sạch.

Trong quá trình sản xuấtacshowpj tác xã đã đẩy mạnh thực hành sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chí của bộ tiêu chuẩn VietGAP. Sự nỗ lực của ban quản trị và mỗi xã viên đã giúp Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lải có thị trường tiêu thụ nông sản ổn định. Hiện hợp tác xã cung ứng cho hơn 30 bếp ăn trường học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và thành phố Hà Nội, với sản lượng thu mua đạt tối thiểu 25 tấn/ha/tháng.

Đặc biệt, cùng với sản xuất nông sản an toàn, được sự giúp đỡ của các cấp, ngành địa phương, Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lải còn xây dựng mô hình trải nghiệm nông nghiệp sinh thái với diện tích khoảng 35ha. Nhờ cải tạo, quy hoạch được vườn cây, ao cá, hồ sen...mỗi năm, mô hình đón tiếp hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng.

 
 
Các loại rau, củ, quả của Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lải luôn được thị trường đón nhận
 
Anh Lâm Văn Trung, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lải cho biết: Quá trình kết hợp sản xuất nông nghiệp an toàn với phát triển du lịch sinh thái  đã mở ra một hướng đi mới cho lĩnh vực du lịch, dịch vụ của tỉnh. Để tiếp tục là điểm tham quan, nghỉ dưỡng lý tưởng, Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lải sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng các dịch vụ của mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp.

Ông Ba và anh Trung chỉ là 2 trong số hàng trăm nông dân dân tộc thiểu  số trên địa bàn tỉnh dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu từ sản xuất nông, lâm nghiệp. Thời gian tới, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ, khuyến khích các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình. Qua đây, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống người nông dân; giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển toàn diện, bền vững để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập, phát triển.

 
Đức Thiện
 

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 532 bản ghi
EMC Đã kết nối EMC