Sáng 11/3, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị phổ biến Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 và giới thiệu một số văn bản về sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2025 đã khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 sẽ tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ "điểm nghẽn về thể chế, chính sách" nhằm thực hiện được ngay các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; “cấp nào giải quyết hiệu quả hơn thì giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp đó”. Trong đó, Luật quy định rõ về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp; về mô hình tổ chức chính quyền địa phương; cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND các cấp; tổ chức đơn vị hành chính, thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính...
Tại hội nghị, các đại biểu được phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 và được giới thiệu một số văn bản về sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Hội nghị cũng dành thời gian trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương.
Hội nghị nhằm quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tổ chức chính quyền địa phương; kịp thời thể chế hóa các yêu cầu về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Hồng Yến