Sign In

Hướng đến nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn

19/03/2025
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Xác định nâng cao thu nhập, gia tăng phúc lợi cho người dân nông thôn vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh chủ động triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; xây dựng lộ trình thực hiện các nhiệm vụ để tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống người dân khu vực nông thôn.

Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, kịp thời các chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian qua, tỉnh đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền tham mưu, đề xuất ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu hay Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ… Nhờ đó, nhận thức của hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn được nâng lên; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư, nâng cấp; kinh tế nông nghiệp phát triển, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đẩy mạnh; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn ổn định; vai trò chủ thể của nông dân ngày càng được phát huy, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

 
Mô hình nuôi cá tại xã Liên Châu, huyện Yên Lạc mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nhất quán mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển nông nghiệp hiện đại, chuyên canh sản xuất tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cơ giới hóa nông nghiệp; phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, chống chịu được dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng các vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ, khuyến khích sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ như: Hỗ trợ cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025; hỗ trợ sản xuất trồng trọt hữu cơ và theo hướng hữu cơ, hỗ trợ sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP… Năm 2024, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 21 mô hình sản xuất trồng trọt hữu cơ và theo hướng hữu cơ; 1.543,8 ha rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP. Đối với sản xuất chăn nuôi, cơ cấu chăn nuôi của tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng chăn nuôi tập trung như vùng chăn nuôi bò sữa tại các xã thuộc huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo; chăn nuôi lợn tại các xã thuộc huyện Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm tại các xã thuộc huyện Tam Dương, Tam Đảo… Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 28 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn; một số mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi với các hộ dân trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, lợn, gia cầm…

Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực, tăng đầu tư thực hiện phát triển nông thôn hiện đại, văn minh; phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã cứng hóa 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện, 100% đường trục thôn và đường liên thôn với tổng chiều dài gần 2.500 km; tỷ lệ đường ngõ xóm được cứng hóa đạt 98,5% với tổng chiều dài hơn 1.230 km, đường trục chính nội đồng được cứng hóa 85% với tổng chiều dài hơn 1.000 km. Hệ thống thủy lợi thường xuyên được cải tạo, nâng cấp với tỉ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu chủ động đạt hơn 96%; 100% địa phương được cấp điện lưới quốc gia, tỉ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 82,5%; 100% xã có nhà văn hóa; 71,7% số trường học khu vực nông thôn đạt chuẩn Quốc gia…

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diện mạo nông thôn Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới theo hướng khang trang hiện đại; nhiều công trình hạ tầng nông thôn đã được xây mới, nâng cấp bảo đảm đạt chuẩn; đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên; công tác môi trường có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh trật tự xã hội được giữ vững.Giai đoạn 2022 - 2024, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh đạt trung bình  2,4%/năm (gần đạt mục tiêu Nghị quyết số 19 đến năm 2030 đạt từ 2,5 - 2,7%/năm); tốc độ tăng năng suất lao động ngành nông nghiệp đạt 6,7%/năm (vượt mục tiêu Nghị quyết số 19 đến năm 2030 đạt 5,5 - 6%/năm). Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 63 triệu đồng/người/năm, tăng 1,3 lần so với năm 2020; tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 0,45% (đạt mục tiêu Nghị quyết số 19 đến năm 2030, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,3 - 5%). Hiện nay, tỷ lệ giống lúa chất lượng được gieo trồng hằng năm trên địa bàn tỉnh đạt 77%, các địa phương đã chuyển đổi được 587,4 ha diện tích trồng lúa bấp bênh, năng suất thấp sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như chuối, bưởi, thanh long, rau củ các loại… Việc chuyển đổi cây trồng phù hợp góp phần nâng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác cao hơn so với trồng lúa từ 50-180 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế trung bình tăng từ 6 - 8 triệu đồng/ha.

Mặc dù bộ mặt nông thôn đã thay đổi nhiều, thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân được cải thiện đáng kể, song trên thực tế, đất đai manh mún, sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ, phân tán khiến khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Ngoài ra, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sơ chế, bảo quản sau thu hoạch và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chưa nhiều. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn ít. Số lượng các cơ sở được chứng nhận áp dụng các quy trình, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: VietGAP, HACCP, ISO... đã được mở rộng nhưng  tỷ lệ còn thấp so với tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản chưa nhiều, quy mô còn nhỏ. Thị trường tiêu thụ một số mặt hàng nông sản và giá cả không ổn định.

Để hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tạo động lực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh tiếp tục xây dựng lộ trình, đề ra các giải pháp đột phá, tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về chất lượng, vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp; đổi mới, phát triển và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, trang trại theo hướng chú trọng việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; thực hiện chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn; huy động các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, tiếp tục triển khai và đề xuất các cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học; chú trọng xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất nông sản an toàn tập trung quy mô lớn gắn với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đồng thời, đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh, các sản phẩm thế mạnh của địa phương, khuyến khích ưu tiên tiêu dùng hàng hóa được sản xuất trong tỉnh, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của người dân theo hướng bền vững…
Phùng Hải
 

   
   
   

Số lượt truy cập: 89.299.210

EMC Đã kết nối EMC