Ông là người xã Hiến Trưng (nay là thôn Thế Trưng, thuộc xã Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường). Sách Nam Việt Thần kì hội lục chép ông vào danh sách các công thần võ tướng các đời, trong tổng số có 25 người ở mục "Thượng lệ".
Nguyễn Văn Nhượng xuất thân làm chức Đông Kinh phán quan dưới triều vua Lí Cao Tông (1176 - 1210). Các đạo sắc phong thần ở Đền Đức ông và nơi di tích thờ ông làng Văn Trưng đều ghi chức quan Phán phủ - chức quan thứ hai sau chức Tri phủ - đời Lí ở Kinh thành Thăng Long.
Tháng Giêng năm Quý Mão, niên hiệu Trinh Phù (1183), vua nước Ai Lao không sang dâng cống theo lễ thường, Lí Cao Tông cử tướng Ngô Lí Tín (về sau được phong chức Thái phó) làm Đốc tướng cất quân đi chinh phạt. Quân Ai Lao thua chạy, ông bắt được tù binh đến trên trăm người và một cỗ voi chiến. Vua Ai Lao tự nhận nộp lệ cống, nguyện làm bề tôi như cũ.
Ngày thắng trận, ca khúc khải hoàn, ông được thưởng công cao, ban chức tước - lại cho chỉ huy một đội quân mã, một cỗ voi to, áo gấm màu trắng trở về ơn vua, lộc nước, phúc nhà nhiều thêm. Trên đường trở về quê hương, do về thương nặng ngoài mặt trận, ông mất ở bãi dâu cửa sông Tam Đái trên đường rẽ vào làng Bảo Trưng. Chỗ ấy, cây cối xanh tươi rậm rạp, xóm làng đông đúc, là một nơi khí thiêng tụ hội. Do vậy nhân dân mới dựng lăng mộ, xây miếu đền bốn mùa cúng tế. Hàng năm, vào tháng Hai, quan phủ Tam Đái cùng quan huyện Bạch Hạc (nay là huyện Vĩnh Tường) cùng các hiệu quan tu sửa hai lễ vật là 2 con trâu tiến hành tế xuân, gọi là "quốc tế". Đến triều đình Tây Sơn chỉ có phong sắc, vì tình hình việc quân bận rộn nên bỏ tế lễ. Các đời vua sau, công việc tế lễ vào mùa xuân lại được tiếp tục, nhưng chuyển hợp tế vào tháng Ba, là tháng Quý xuân. Nay còn giữ được 13 đạo sắc phong phần" từ triều Lê đến triều Nguyễn. Hiện nay cả 4 làng có âm "Trưng" của xã Tứ Trưng đều thờ ông. Làng Văn Trưng thờ ở đền Đức ông. Làng Hiến Trưng thờ ở đình. Làng Lăng Trưng thờ ở đình. Làng Bảo Trưng (nay thuộc xã Phú Đa) xây lăng mộ.
Nguồn: Danh nhân Vĩnh phúc
(Sở VT-TT&DL Vĩnh Phúc xuất bản năm 1999)