Sign In

Người cựu chiến binh làm giàu từ nuôi ba ba và hươu sao

03/10/2019
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

 

  In trang

Với nghị lực vượt khó, tìm tòi hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình, cựu chiến binh Nguyễn Văn Nghiên, thôn Ngạc Thị, xã Phương Khoan là một điển hình trong phong trào lao động sản xuất giỏi của huyện Sông Lô. Ông thành công với mô hình tổng hợp nuôi ba ba thương phẩm và nuôi hươu sao, cho thu nhập gần 400 triệu đồng/ năm.

Từng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Cam - pu - chia, năm 1981, ông Nghiên xuất ngũ trở về quê hương với mảnh đạn còn găm trong người, là thương binh hạng 4/4. Trong những tháng ngày đó, cuộc sống của ông khó khăn bộn bề. Dù xoay sở đủ cách từ  nuôi gà, lợn, bò... song cái nghèo vẫn đeo bám gia đình ông.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để thoát khỏi cảnh đói nghèo ngay trên chính mảnh đất của quê hương, ông bàn với vợ bắt đầu bằng nghề chăn nuôi vịt. Lứa vịt đầu tiên đã giúp đỡ vợ chồng ông khắc phục những khó khăn ban đầu. Nhưng do chưa có nhà ở nên năm 1983, ông quyết định đổi sang nghề nuôi cá lồng trên Sông Lô với trên 400 con cá trắm.

Những vất vả của vợ chồng ông đã không uổng phí khi mỗi năm thu hoạch trên dưới 1 tấn cá. Mô hình nuôi cá lồng trên sông đầu tiên trên địa bàn tỉnh khi ấy giúp kinh tế gia đình ông Nghiên dần khấm khá, có của ăn của để, mua được xe máy, ti vi, mua được đất làm nhà, an cư lập nghiệp. Ông bắt đầu đào ao thả cá, mở rộng mô hình nuôi cá lồng và dần trở thành điểm cung cấp cá giống ở địa phương. Với ham muốn làm giàu, ông nhanh chóng chuyển sang nghề buôn đồ cổ song không thành công, một thời gian sau thì phá sản.

Quyết tâm làm lại từ đầu, ông trở về quê cùng vợ bắt tay vào đào ao, thả các loại cá: Trắm, chép, trôi, mè... trở thành địa chỉ cung cấp cá giống cho các hộ dân và các cơ sở chăn nuôi thủy sản trong, ngoài tỉnh. Với kinh nghiệm và kiến thức sẵn có, ông sớm tích lũy được nguồn vốn dồi dào. 

 Năm 2006, khi phong trào nuôi cá giống phát triển mạnh và lan rộng, nghề nuôi cá không còn đem lại lợi nhuận cao như trước nữa. Nhờ tìm hiểu trên báo chí, trên mạng và qua các kênh truyền hình, ông nhận thấy nuôi ba ba có nguồn vốn ban đầu thấp lại cho hiệu quả kinh tế cao. Sẵn có ao, hồ, ông quyết định chuyển sang nghề nuôi ba ba. Ông Nghiên đầu tư mua 500 con ba ba giống nuôi trên diện tích 2.000m2, với số tiền 120 triệu đồng. Nuôi ba ba lớn nhanh và ít bị bệnh, đáp ứng được nhu cầu hiện tại của thị trường. Ông quyết định đầu tư xây thêm ao và nhân thêm 300 con giống nữa. Mô hình nuôi ba ba của ông cho hiệu quả rõ rệt, được bà con quanh vùng, thậm chí là cả các tỉnh lân cận tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Với giá bán khoảng 350 nghìn đồng/kg ba ba thương phẩm, trung bình mỗi năm, gia đình ông xuất bán khoảng 1,6 tấn ba ba thịt cho các hộ, nhà hàng trong, ngoài tỉnh và cung cấp trên 10.000 con  ba ba giống.

Thành công với mô hình nuôi ba ba giống và ba ba thương phẩm, ông Nghiên sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp con giống, vốn làm ăn cho các cựu chiến binh quanh vùng để giúp nhau cùng làm giàu. Nhiều năm nghiên cứu về cách nuôi ba ba, ông cũng tự mình sáng tạo ra nhiều phương pháp mới như làm sàn phơi và máng ăn nổi cho ba ba. Những sáng kiến mới của ông đang được gia đình ông, bà con trong xã áp dụng và thu được hiệu quả cao.

Năm 2012, ông Nghiên tiếp tục nuôi thêm hươu sao. Ban đầu ông nuôi 4 con hươu, đến nay, trang trại của gia đình ông Nghiên có khoảng 20 con, chuyên cung cấp hươu giống và hươu thương phẩm. Hươu sao lấy nhung đạt 3 cặp/năm. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Nghiên thu lãi gần 400 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi tổng hợp.

Lệ Quyên

   
   
   
Số bản ghi trên trang  
1-6 / 257 bản ghi

Số lượt truy cập: 91.467.784

EMC Đã kết nối EMC