Lịch sử ngành Bưu điện Việt Nam (BĐVN) trong vòng gần một thế kỷ nay đã luôn gắn liền với lịch sử dân tộc trong sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Dưới sự Lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã dũng cảm đứng lên đấu tranh, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, giành lại độc lập cho dân tộc. Các thế hệ cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện đã luôn trung thành, dũng cảm, tận tụy, sáng tạo... phục vụ cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước. Trong suốt chặng đường lịch sử dân tộc đầy hy sinh, gian khó và vinh quang đó, ngành Bưu điện đã được Đảng và Nhân dân luôn coi trọng, giáo dục và xây dựng để từng bước trưởng thành, tiến lên hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Ghi nhận thành quả đóng góp to lớn đó, Ngành đã được Đảng Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1990); Huân chương Sao Vàng (năm 1995); Huân chương Độc lập hạng nhất (1997); Huân chương Lao động hạng nhất về công tác đền ơn đáp nghĩa; Huân chương Chiến công hạng Nhất về công tác Quốc phòng (1999); 45 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang và 11 tập thể, 7 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cùng nhiều danh hiệu cao quý khác cho các tập thể và cá nhân của ngành Bưu điện.

I. Giai đoạn 1930-1954
Trước năm 1945, BĐVN nằm trong tay thực dân Pháp, hệ thống thông tin bưu điện tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, thị xã, nhiệm vụ chủ yếu phục vụ cho chính sách xâm lược và khai thác thuộc địa, bảo vệ chính quyền thực dân, đồng thời để đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta. Bưu điện thực dân Pháp ở nước ta về bản chất không phải là một xí nghiệp hạch toán kinh doanh với mục đích tài chính đơn thuần mà trước hết là một phương tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu quản lý nhà nước của bộ máy cai trị thực dân và phục vụ khai thác thuộc địa.
Thời kỳ 1930-1945, nhận thức rõ vai trò của thông tin liên lạc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, Đảng ta đã trực tiếp thành lập và lãnh đạo đội quân giao thông cách mạng làm nhiệm vụ đưa đón cán bộ, công văn, tài liệu, chỉ thị của Đảng tới các cấp ủy và chính quyền địa phương trong cả nước. Các Chỉ thị, Nghị quyết của các cấp bộ Đảng đều có nêu vai trò, nhiệm vụ của công tác thông tin liên lạc. Ngày 14-15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Tân Trào ra Nghị quyết thành lập “Ban giao thông chuyên môn”, mở ra thời kỳ chuyển biến mới về tổ chức và hoạt động giao thông liên lạc của Đảng.

Năm 1945, cách mạng Tháng Tám thành công, toàn bộ hệ thống tổ chức Bưu điện của chế độ cũ thuộc về chính quyền cách mạng. Nhiệm vụ của ngành Bưu điện thời kỳ này là phục vụ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược là kháng chiến và kiến quốc.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp 1945-1954, BĐVN đã trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng ngành Bưu điện đã tận dụng được mạng thông tin sẵn có và nghiên cứu, xác lập phù hợp với mỗi tình thế, mỗi bối cảnh, đảm bảo thông tin tối ưu phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ cách mạng, vì vậy mạng lưới thông tin liên lạc luôn được giữ vững. Ngày 15/10 /1947, Trung ương Đảng ra Chỉ thị: “Phải củng cố giao thông liên lạc theo một hệ thống bán công khai hay bí mật, đặt địa điểm liên lạc dự bị, đặt giao thông song hành, thay luôn mật mã và giờ làm việc của cáp điện đài quân sự hoá cơ quan mật mã”. Vì vậy ba phương thức thông tin: Điện thoại, Vô tuyến điện, Đường thư được triển khai triệt để và củng cố vững chắc. Thời kỳ này tồn tại 2 hệ thống: Giao thông liên lạc của Đảng và hệ thống Bưu điện.
Ngày 28/6/1947, Bộ Giao thông công chính đã ban hành Nghị định số 335/NĐ tổ chức lại ngành Bưu điện thành 3 Nha Bưu điện trong cả nước: ở Trung ương có Nha Tổng Giám Đốc, dưới Nha Tổng Giám đốc có 3 Nha Giám đốc ở 3 miền: Nha Giám đốc Bưu điện Bắc Bộ, Nha Giám đốc Bưu điện Trung Bộ (Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế) và Nha Bưu điện miền Nam.
Ngày 02/4/1948, Bộ Giao thông - Công chính ra Nghị định số 33/ND về tổ chức bộ máy Bưu điện Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.
Để tiếp tục hợp lý về mặt tổ chức, ngày 12/6/1951, Chính phủ quyết định sáp nhập ngành Vô tuyến điện hành chính vào ngành Bưu điện. Nha Bưu điện đổi thành Nha Bưu điện - Vô tuyến điện Việt Nam. Hệ thống tổ chức của ngành Bưu điện-Vô tuyến điện được chấn chỉnh lại trên tinh thần tinh giản biên chế, gọn nhẹ, hợp lý từng bộ phận, từng khâu quản lý, khai thác, vận chuyển bưu chính, điện chính và vô tuyến điện để phù hợp trong tình hình mới. Ngày 16/8/1951, Nghị định Bộ Giao thông-Công chính số 235/SHNĐ quy định tổ chức Nha Bưu điện - Vô tuyến điện. Ngày 8/11/1951, Bộ Giao thông - Công chính ra Nghị định số 295/ND về việc tổ chức bộ máy Bưu điện - Vô tuyến điện liên khu, tỉnh và thành phố.
II. Giai đoạn 1954-1975
Từ năm 1954-1975, đất nước bị chia cắt hai miền: miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn sống dưới ách kìm kẹp của chế độ Mỹ - Ngụy. Thời kỳ này, nhiệm vụ của ngành Bưu điện là rất nặng nề: phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc, phục vụ thông tin cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào và Cămpuchia. Suốt trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng gian khổ và ác liệt, vượt qua muôn vàn khó khăn, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngành Bưu điện Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới thông tin ngày một hiện đại hơn, đáp ứng cho sự chỉ đạo chiến đấu, sản xuất của Đảng và các cấp chính quyền, bảo đảm thông tin được thông suốt, góp phần xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
1. Miền Bắc

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong những ngày đầu mới giải phóng, Bưu điện miền Bắc đã thông minh, dũng cảm đấu tranh chống sự phá hoại của địch, tiếp quản và sử dụng tốt các cơ sở Thông tin Bưu điện, hàn gắn các vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển mạng lưới, khai thác các dịch vụ, phục vụ cho việc hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa đồng thời tích cực đấu tranh thực hiện quan hệ thư tín Bắc - Nam. Bưu điện Việt Nam và bộ máy quản lý Ngành tiếp tục phát triển và được chấn chỉnh cho phù hợp từng thời kỳ lịch sử
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, theo Nghị định của Chính phủ số 480/TTg ngày 8/3/1955, Nha Bưu điện-Vô tuyến điện Việt Nam được đổi tên thành Tổng cục Bưu điện Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Bưu điện, bộ máy hoạt động của Tổng cục Bưu điện được tổ chức theo Nghị định số 124/NĐ-BĐ ngày 14/3/1955 thuộc Bộ Giao thông Bưu điện Việt Nam. Hoạt động của Ngành từ quản lý hành chính sự nghiệp chuyển sang hoạt động có kinh doanh. Hình thức tổ chức Bưu điện là một ngành quản lý và kinh doanh toàn miền Bắc với 5 cấp: Tổng cục, Sở, Ty, Phòng, Trạm. Sau khi hành chính cấp khu giải thể, Bưu điện không còn cấp Sở nữa. Tháng 9/1955, ngoài việc đảm bảo công tác thông tin, theo chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng cục Bưu điện được giao thêm nhiệm vụ phát hành báo chí.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Bưu điện hoàn thành nhiệm vụ của mình góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngày 13/5/1961 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 63/CP tách Tổng cục Bưu điện ra khỏi Bộ Giao thông và Bưu điện, đặt thành cơ quan trực thuộc Chính phủ
Ngày 09/2/1962, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 12/CP giao thêm nhiệm vụ quản lý các cơ sở kỹ thuật truyền thanh, phát thanh và sự nghiệp phát triển truyền thanh, phát thanh sang cho Tổng cục Bưu điện.
Ngày 18/2/1962, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra thông báo về việc đổi tên Tổng cục Bưu điện Việt Nam thành Tổng cục Bưu điện - Truyền thanh Việt Nam.
Để phù hợp với tình hình thực tế, ngày 17/6/1965, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 101/CP thành lập Cục Bưu điện Trung ương thuộc Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh.
Do đặc điểm tình hình, ngày 21/12/ 1967 Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 219/TTgCN tách phần phát thanh và truyền thanh ra khỏi Tổng Cục Bưu điện.
Ngày 21/1/1968 Hội đồng Chính phủ quyết định đổi tên Tổng cục Bưu điện - Truyền thanh thành Tổng cục Bưu điện.
Cuối năm 1971, qua phương hướng cải tiến quản lý của Trung ương Đảng và Chính phủ, lãnh đạo Tổng cục Bưu điện đã xác định: “Ngành Bưu điện là cơ quan thông tin liên lạc của Đảng và Nhà nước, đồng thời là một ngành kinh tế, kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân, có hệ thống dọc từ Trung ương đến các địa phương, hoạt động theo phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa, hạch toán kinh tế toàn Ngành”
Ngày 5/5/1972, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 93/CP về việc cải tiến tổ chức Bưu điện tại địa phương. Việc thực hiện Quyết định này được đánh giá là có ý nghĩa thực tiễn, có tác dụng quan trọng về tổ chức quản lý kinh tế, mạng lưới Bưu điện khu vực có sự biến đổi cơ bản cả về số lượng và chất lượng, đánh dấu bước ngoặt của Ngành từ công sở hành chính bao cấp sang hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Quan điểm cơ bản của Quyết định 93/CP là nền tảng cho sự tiếp tục phát triển, nâng cao và hoàn thiện tổ chức quản lý của Ngành.
2. Miền Nam
Bưu điện Nam Trung Bộ
Trải qua 20 năm liên tục chiến đấu và phục vụ chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, hai ngành Giao bưu và Thông tin Nam Trung Bộ đã trưởng thành nhanh chóng. Sự ra đời của Ban Giao bưu, Ban Thông tin đã đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức và lực lượng của hai ngành Giao bưu và Thông tin.
Từ năm 1965-1968, cùng với sự viện trợ của các nước bạn về nhiều thiết bị phương tiện gồm nhiều chủng loại, trong đó có máy vô tuyến điện, Trung ương chi viện cho miền Nam một khối lượng máy móc khá lớn để tăng cường cơ sở vật chất cho thông tin liên lạc trong toàn miền. Đây là thời kỳ mạng thông tin vô tuyến điện phát triển đều khắp miền Trung.
Cùng với biện pháp tăng cường máy và kỹ thuật, công tác quản lý liên lạc vô tuyến điện cũng được quan tâm. Sau đợt chấn chỉnh tên máy – quy ước, quy định chế độ, thủ tục liên lạc VTĐ, Ban và Tiểu ban đã có những quy định chặt chẽ để giữ bí mật liên lạc VTĐ góp phần làm tăng tính vững chắc của cả hệ thống liên lạc trong toàn miền.
Những kỳ tích anh hùng của Thông tin – Giao bưu các tỉnh Nam Trung Bộ đã nối mạch Bắc-Nam, phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến.
Đầu năm 1975, Khu ủy khu V chủ trương thành lập Ban Bưu điện khu V để thống nhất hai lực lượng giao bưu và thông tin trong toàn khu.
Bưu điện Nam Bộ
Do nét đặc thù của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Nam Bộ, Bưu điện Nam Bộ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương cục miền Nam và bám sát đường lối chống Mỹ cứu nước của Trung ương Đảng đã được phân ra hai ngành có quan hệ mật thiết với nhau là: “Giao bưu” và “Thông tin vô tuyến” để dễ chỉ đạo và hoạt động.
Giao bưu Nam Bộ
Ngày 02/6/1962, Ban Giao bưu Vận miền Nam được thành lập theo quyết định của Trung ương Cục. Sau đó, ngày 20/6/1962, Trung ương Cục ra Chỉ thị số 19/CTR quy định nhiệm vụ chức năng của ngành Giao bưu Vận miền Nam và tổ chức quản lý Ngành theo hệ thống dọc thống nhất toàn miền.
Trước tình hình đánh phá ác liệt của địch, để gắn chặt công tác Giao bưu Vận với việc bảo vệ an toàn các hành lang, tháng 6/1966, Trung ương Cục ra Chỉ thị nhập Ban Giao bưu Vận vào Bộ Tư lệnh miền Nam, trở thành phòng Giao bưu Vận trực thuộc Cục tham mưu.
Ngày 5/9/1970, Ban Thường vụ Trung ương Cục đã ra Quyết định số 01/QĐ 70 chuyển ngành Giao bưu trở lại hệ Dân Chính Đảng. Ban Giao bưu là Ban chuyên môn của Đảng và trực thuộc các cấp ủy Đảng. Tiếp đó, Trung ương Cục ra Chỉ thị 29/CT 70 về việc kiện toàn ngành Giao bưu, chấn chỉnh tổ chức và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng.
Cuối năm 1973, Ban Giao bưu Trung ương Cục chủ trương thành lập Cục Giao thông Vận tải lấy tên là Đoàn 571 và xúc tiến việc thành lập tổ chức Bưu điện trực thuộc Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Thông tin vô tuyến điện Nam Bộ
Từ năm 1960-1964, cục diện kháng chiến toàn miền Nam phát triển mạnh, bộ máy các cấp của Trung ương Cục (R) đã ổn định, có hệ thống tổ chức khá rõ ràng. Ban Thông tin Trung ương Cục không ngừng được mở rộng. Tháng 01/1965, Đại hội Thông tin liên lạc toàn miền Nam lần thứ nhất được tổ chức nhằm thống nhất để đối phó với kỹ thuật điện đài của đối phương, phục vụ yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy toàn Miền.
Ngày 30/7/1966, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ra Chỉ thị 27/C về “Chấn chỉnh tổ chức và lãnh đạo công tác thông tin vô tuyến điện”, góp phần to lớn vào chiến thắng Mậu Thân.
Sau Đại hội lần 2 năm 1970, Đại hội Thông tin liên lạc toàn Miền lần 3 được tổ chức năm 1972, quyết định sắp xếp lại toàn bộ hệ thống, chuẩn bị mở rộng việc sử dụng điện thoại hữu tuyến
Tháng 7/1975, Tổng cục Bưu điện miền Nam được thành lập theo Quyết định số 024/QĐ-75 của Thường vụ Trung ương Cục trên cơ sở hợp nhất các lực lượng cán bộ công nhân viên chức Ban Giao bưu Vận, Ban Thông tin miền Nam và cán bộ viên chức của Tổng cục Bưu điện Trung ương vào chi viện.
Tháng 10/1975, Tổng cục Bưu điện miền Nam ban hành quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của Bưu điện tỉnh và thành phố trực thuộc, đồng thời ban hành Thông tư số 13/VP để hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 14/CT-75 và xây dựng cơ cấu bộ máy, sắp xếp cán bộ, tổ chức mạng lưới thông tin ở tỉnh, thành phố và các huyện, xã.
Ngày 19/8/1975, Đảng đoàn Tổng cục Bưu điện chính thức đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ cho phép ngành Bưu điện được thống nhất quản lý toàn diện theo ngành dọc trong phạm vi cả nước: “Thực hiện các nguyên tắc chế độ chung của Ngành về quản lý kinh tế, dựa trên cơ sở thống nhất kế hoạch và hạch toán kinh tế toàn Ngành”
III. Giai đoạn 1976-1980
Sau năm 1975, tổ chức bộ máy quản lý thông tin ở 2 miền hoàn toàn khác nhau. Do đặc điểm tình hình miền Nam và hoàn cảnh mới của đất nước, lúc đó mạng lưới thông tin miền Nam đang được quản lý theo cung cấp chế. Đây là trở ngại lớn cho sự hoạt động thống nhất và sự chỉ huy điều độ mạng lưới chung toàn quốc, nâng cao chất lượng thông tin và chất lượng phục vụ. Ngày 19/8/1975, Đảng đoàn Tổng cục Bưu điện chính thức đề nghị Ban bí thư TW Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ cho phép ngành Bưu điện được thống nhất quản lý toàn diện theo ngành dọc trong phạm vi cả nước trong đó xác định nhiệm vụ khẩn cấp là phải đẩy mạnh công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công nhân viên kỹ thuật nghiệp vụ ở miền Nam theo yêu cầu cơ bản và có hệ thống toàn diện.

Để công tác thông tin Bưu điện ở các địa phương hoạt động thuận lợi và thống nhất, các Bưu điện tỉnh được thành lập theo Nghị định 66-CP của Hội đồng Chính phủ.
Từ cuối tháng 3 – 5/1976, trên cơ sở thỏa thuận giữa Tổng cục Bưu điện miền Nam và Đảng đoàn Tổng cục Bưu điện TW, Tổng cục Bưu điện ra các quyết định thành lập một số đơn vị trực thuộc đặt tại TP Hồ Chí Minh: Công ty công trình III, Trung tâm Bưu chính – PHBC, Trung tâm Viễn thông, Trung tâm Bưu điện I, Xí nghiệp sửa chữa các thiết bị Bưu điện, Đài Kiểm soát thông tin VTĐ… Các trường chuyên nghiệp Bưu điện cũng được thành lập làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật nghiệp vụ cho CBCNV như: Trường công nhân Bưu điện, trường Bổ túc văn hóa tại Thủ Đức, trường Bưu điện tại TP Hồ Chí Minh, trường Công nhân Bưu điện III tại Mỹ Tho…
Năm 1976, Tổng cục Bưu điện đã chính thức tham gia 2 tổ chức quốc tế là: Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế với nhiều nước trên thế giới.
Năm 1978 Tổng cục ban hành một loạt quyết định quy định nhiệm vụ quyền hạn tổ chức bộ máy và quan hệ công tác của các Cục, Vụ, Viện, Ban như: Cục Bưu chính và PHBC, Cục Điện chính, Cục Vật tư, Cục Xây dựng cơ bản, Vụ Kế hoạch, vụ Kế toán – Thống kê, vụ Hợp tác quốc tế, viện Kinh tế quy hoạch, Ban bảo vệ… nhằm làm rõ hơn chức năng tham mưu cho Tổng cục trưởng đối với các cục, vụ, đồng thời xác định rõ chế độ chỉ huy khai thác, vận hành trên toàn mạng lưới.
Ngày 02/11/1979, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định 390/CP sửa đổi một số điều trong “Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng cục Bưu điện”, điều lệ đã được ban hành kèm theo Nghị định 68/CP ngày 08/4/1975 của Hội đồng Chính phủ. Theo đó, hệ thống tổ chức Ngành được tổ chức gồm:
- Tổng cục Bưu điện
- Bưu điện tỉnh, thành, đặc khu
- Bưu điện huyện và tương đương
- Bưu điện xã và tương đương
Việc xác định hệ thống tổ chức tổ chức như trên là sự xác định có tính nguyên tắc và bền vững, đồng thời cũng xác định tổ chức quản lý theo 2 cấp là Tổng cục, các Bưu điện tỉnh, thành hoặc đơn vị trực thuộc. Trên cơ sở đó, Ngành đã tập trung vào việc kiện toàn bộ máy quản lý của Tổng cục và các Bưu điện tỉnh, thành. Do đó chất lượng thông tin đòi hỏi nghiêm khắc, coi chất lượng là linh hồn của sản phẩm thông tin. Mục tiêu phấn đấu về chất lượng là “Nhanh chóng, chính xác, an toàn và tiện lợi”.
Giai đoạn này, BĐVN phải đảm đương cùng lúc nhiều nhiệm vụ nặng nề và cấp bách. Vừa phải đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ sản xuất chiến đấu, vừa khắc phục hậu quả của mạng lưới sau chiến tranh, vừa làm nghĩa vụ quốc tế đối với 2 nước bạn Lào, Căm-pu-chia đồng thời phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976-1980). Trong hoàn cảnh cơ sở vật chất của khối công nghiệp thông tin chưa được tăng thêm nhiều, các cơ sở sản xuất công nghiệp của Ngành đề cao tinh thần chủ động, tích cực phát huy tính sáng tạo của CBCNV, củng cố, sắp xếp hợp lý các dây chuyền sản xuất, tận dụng khả năng hiện có, tận dụng phế liệu, tiết kiệm vật tư, tăng năng suất lao động nên đã sản xuất được một số mặt hàng phục vụ kịp thời cho sản xuất và sẵn sàng chiến đấu.
IV. Giai đoạn 1981-1985
Trên cơ sở dự thảo kế hoạch 5 năm (1981-1985), thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng thông tin, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trong tình hình vật tư, tiền vốn có hạn và gặp nhiều khó khăn khách quan, lãnh đạo Ngành đã linh hoạt vận dụng cả 3 nguồn vốn: vốn xây dựng mới, sửa chữa lớn, phát triển sản xuất, để tập trung vào một số công trình quan trọng, trọng điểm, triển khai hoàn thành nhanh gọn và tranh thủ đưa vào sử dụng sớm.
Điển hình là công trình cáp đồng trục Hà Nội – Hải Phòng được xây dựng trên cơ sở hợp tác giữa Việt Nam và Pháp. Đây là công trình cáp đồng trục hiện đại đầu tiên ở Việt Nam do CBCNV ngành tự thiết kế và thi công dưới sự giúp đỡ về kỹ thuật của chuyên gia Pháp
Trên tuyến trục Bắc –Nam đã tăng thêm một số kênh liên lạc vô tuyến, tuyến viba, mạng gentex, telex được phát triển. Đài Hoa Sen được hoàn chỉnh nhiều mặt, việc liên lạc giữa ta với các nước bạn càng được củng cố và mở rộng…
Bước vào thực hiện kế hoạch năm 1982, mọi hoạt động của Ngành từ Tổng cục đến các đơn vị cơ sở đều tập trung hướng vào mục tiêu “Chất lượng thông tin và hiệu quả kinh tế”. Thực hiện phương hướng nhiệm vụ trên, ngoài việc tìm mọi biện pháp duy trì và giữ vững hoạt động của toàn mạng lưới ổn định, Ngành đã tận dụng các tiềm năng và nguồn vốn sẵn có trong và ngoài Ngành, huy động tối đa, tập trung có trọng tâm, trọng điểm để mở rộng năng lực mạng lưới, nâng cao chất lượng phục vụ
Năm 1983 là năm bản lề, năm “Quốc tế về thông tin liên lạc” đòi hỏi mọi hoạt động của Ngành phải có sự đổi mới và chuyển biến, tiến bộ rõ rệt. Từ đây, lần đầu tiên trong lịch sử thông tin liên lạc ở nước ta việc liên lạc bằng điện thoại giữa TW với 40 tỉnh thành được thực hiện thành công, năng lực thông tin điện không những được phát triển đáng kể theo chiều rộng mà còn được củng cố một bước quan trọng theo chiều sâu

Ngày 08/4/1983, Tổng cục ra quyết định số 299/QĐ thành lập Trung tâm truyền báo
Kiện toàn bộ máy chức năng của Tổng cục. Theo Nghị định 150/HĐBT, ngày 24/4/1985, Tổng cục ra thông báo số 53TB-VP quyết định đổi tên:
- Vụ Tổ chức cán bộ thay cho Vụ Cán bộ và đào tạo
- Vụ Tài chính kế hoạch và thống kê thay cho Vụ Kế toán thống kê
- Vụ KHKT thay cho Vụ Kỹ thuật
Từ 1984 tổ chức sản xuất và quản lý 38 Bưu điện tỉnh thành, đặc khu được cải tiến theo một mô hình thống nhất, tăng cường công tác nghiệp vụ kỹ thuật, gắn chặt hơn giữa kỹ thuật với khai thác.
Để chủ động đưa vào kế hoạch đầu tư, các luận chứng KHKT đều được hoàn thành trước thời hạn và được phê chuẩn. Do đó các công trình trọng điểm đều đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó có đài thông tin vệ tinh mặt đất Hoa Sen II do Liên Xô giúp ta xây dựng tại TP Hồ Chí Minh, đến giữa năm 1985 được đưa vào sử dụng. Nhờ đó khả năng thông tin, phát thanh truyền hình ở phía Nam được tăng cường đáng kể. Thông tin 2 miền Nam – Bắc được mở rộng một bước quan trọng. Thông tin quốc phòng, chống lụt bão thêm vững chắc, nhất là quan hệ thông tin quốc tế được phát triển lên một bước
V. Giai đoạn 1986-1990
Sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta tiến vào giai đoạn cách mạng mới, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện những nhiệm vụ và mục tiêu do các Đại hội Đảng đề ra, ngành Bưu điện kiên cường phấn đấu, khắc phục khó khăn, vượt trở ngại, đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng XHCN. Chuyển hướng phát triển và hiện đại hóa mạng lưới viễn thông của ngành Bưu điện đổi mới công nghệ theo hướng số hóa và tự động hóa, thực hiện hạch toán kinh doanh XHCN.
Để thực hiện mục tiêu ổn định một bước quan trọng tình hình kinh tế-xã hội chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho việc phát triển trong các năm sau giai đoạn 1988-1990, song song với việc củng cố và phát triển mạng lưới thông tin bưu điện và phát thanh truyền hình, Ngành đã tiến hành mạnh mẽ việc tổ chức lại sản xuất, bộ máy quản lý và đổi mới cơ chế quản lý, các đơn vị sản xuất cơ sở được tổ chức theo hướng gắn quản lý khai thác và quản lý kỹ thuật trong một dây chuyền khép kín, thống nhất hữu cơ, giảm đầu mối, bớt trung gian.
Ngày 15/8/1987, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 121-HĐBT ban hành Điều lệ Bưu chính và Viễn thông, xác định: “Mạng lưới bưu chính và viễn thông quốc gia là mạng lưới thông tin liên lạc tập trung thống nhất trong cả nước, do Nhà nước độc quyền tổ chức và giao cho ngành Bưu điện quản lý, khai thác để phục vụ nhu cầu truyền tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp, các lực lượng vũ trang, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân theo phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa và chế độ hạch toán kinh tế.”
Tháng 8/1988, Tổng cục Bưu điện đã trình lên Hội đồng Bộ trưởng đề án xin làm thử “Hạch toán toàn phần và tự hoàn vốn”. Cùng với việc tổ chức lại sản xuất kinh doanh và đổi mới cơ chế quản lý, năm 1988, Ngành tiếp tục kiện toàn tổ chức sản xuất ở các đơn vị kinh tế cơ sở, các Bưu điện tỉnh thành.
Thực hiện Nghị quyết số 224/NQ/HĐNN ngày 31/3/1990 của Hội đồng Nhà nước về việc đổi tên Bộ Giao thông vận tải thành Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, Bộ có chức năng quản lý Nhà nước đối với ngành Bưu điện, ngày 7/4/1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 115/HĐBT chuyển Tổng cục Bưu điện thành Tổng công ty BCVT Việt Nam nằm trong Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện có chức năng quản lý sản xuất kinh doanh
Ngày 7/4/1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 115/HĐBT chuyển Tổng cục Bưu điện thành Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, nằm trong Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện.
VI. Giai đoạn 1991-1995
Đại hội Đảng lần thứ 7 đã chỉ ra định hướng lớn cho ngành Bưu điện “Phát triển kết cấu hạ tầng, sớm khắc phục tình trạng xuống cấp, mở rộng và hiện đại hóa có trọng điểm mạng lưới giao thông vận tải… Tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới bưu điện quốc tế và trong nước, phủ sóng PTTH khắp cả nước, phát triển ngành sản xuất thiết bị bưu điện”. Thực hiện đường lối phát triển đó, Ngành đã cố gắng vượt bậc, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác thông tin giai đoạn 1991-1995 nhằm mục tiêu “Hiện đại hóa và nâng cao năng lực bưu điện quốc tế và trong nước, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt từ nông thôn, miền núi, hải đảo; chú trọng xây dựng công nghiệp sản xuất thiết bị bưu điện”.
Hiện đại hóa hệ thống truyền dẫn và chuyển mạch là một trong những vấn đề cơ bản của Ngành. Lãnh đạo Ngành đã quyết tâm thiết lập mạng viễn thông hiện đại (cả truyền dẫn và chuyển mạch, cả đường dài và nội hạt). Ngành đã thực hiện bằng biện pháp đầu tư mới kết hợp với điều chuyển thiết bị trên mạng, phát triển mạng viễn thông quốc tế, sử dụng hoàn toàn kênh vệ tinh Intelsat, Intersputnik có độ tin cậy cao. Thông tin di động đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Năm 1991, trong hoàn cảnh khó khăn về vốn, Tổng công ty BCVT Việt Nam và các chủ đầu tư công trình đã ứng vốn trước từ các nguồn để triển khai công trình đúng tiến độ, nhất là các công trình chuyển tiếp của năm trước, tập trung đầu tư mới các công trình chuyển mạch, truyền dẫn, sản xuất khai thác bưu chính và tiếp nhận công nghệ sản xuất, lắp ráp thiết bị viễn thông hiện đại. Nhờ đó, hàng loạt công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy được hiệu quả, mạng BCVT được phát triển hiện đại, năng lực chất lượng có tiến bộ rõ rệt đáp ứng tốt hơn yêu cầu thông tin bưu điện, PTTH trong nước và quốc tế.
Để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động của Tổng công ty, ngày 22/10/1991, Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện ra Quyết định số 2122-QĐ/TCCB-LĐ, kèm theo bản “Quy định tạm thời về cơ chế hoạt động của Tổng công ty BCVT Việt Nam”. Theo cơ chế này, Tổng công ty là đơn vị sản xuất kinh doanh chịu sự quản lý của Nhà nước trực tiếp từ Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, đồng thời chịu sự quản lý Nhà nước của các Bộ, các Ủy ban Nhà nước khác về những vấn đề có liên quan.
Sau hai năm hoạt động theo mô hình tổ chức mới đã xuất hiện nhiều bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực bưu chính-viễn thông và sản xuất kinh doanh. Để tháo gỡ những vướng mắc trong cơ cấu tổ chức, lãnh đạo ngành Bưu điện đã chủ động giải trình phương án tổ chức lại bộ máy quản lý với cơ quan Nhà nước.
Ngày 26/10/1992, Chính phủ ra Nghị định số 03/CP về việc thành lập Tổng cục Bưu điện là cơ quan trực thuộc Chính phủ, có chức năng quản lý nhà nước về Bưu chính Viễn thông, kỹ thuật truyền dẫn tín hiệu Phát thanh Truyền hình và công nghiệp Bưu điện trong cả nước
Từ năm 1993-1994, ngành Bưu điện đã chuyển xong bộ phận kỹ thuật PTTH sang Truyền hình TW và Đài tiếng nói Việt Nam quản lý.
Năm 1994, ngành Bưu điện tiếp tục hiện đại hóa mạng viễn thông với phương châm phát triển nhanh, mở rộng dịch vụ. Mạng viễn thông quốc tế tiếp tục được mở rộng qua các kênh vệ tinh đi quốc tế. Ngành chủ trương xây dựng thêm trạm vệ tinh mặt đất Intelsat tiêu chuẩn A tại sông Bé, tuyến cáp quang biển Thái Lan-Việt Nam- Hồng Kông được tiến hành khẩn trương và hoàn thành cuối năm 1995.
Căn cứ vào định hướng đổi mới của Chính phủ, Tổng cục đã nhanh chóng xây dựng các phương án trình Chính phủ về tăng cường vai trò quản lý nhà nước, công tác quản lý Nhà nước từng bước tách ra khỏi công tác quản lý điều hành SXKD. Ngày 07/5/1994, Thủ tướng ra QĐ số 91/TTg thí điểm chuyển Tổng công ty BCVT thành Tập đoàn kinh doanh (gọi tắt là Tcty 91).
Ngày 29/4/1995, Thủ tướng ra QĐ số 249/TTG về việc thành lập Tổng công ty BCVT Việt Nam trực thuộc Chính phủ có Hội đồng quản trị là cơ quan thay mặt Nhà nước quản lý hoạt động của Tổng công ty. Tổng công ty BCVT Việt Nam là Tổng công ty Nhà nước hoạt động SXKD, có tư cách pháp nhân, có các quyền và nghĩa vụ dân sự theo luật định, tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động, kinh doanh trong phạm vi số vốn do Tổng công ty BCVT quản lý
Cũng trong năm 1995, Thủ tướng cho phép thành lập một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ BCVT ngoài Tổng công ty BCVT Việt Nam như công ty dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), Công ty Điện tử Viễn thông quân đội (Vietel).
Ngày 03/12/1995, Ngành đã hoàn thành kế hoạch tăng tốc độ phát triển viễn thông giai đoạn 1 (1993-1995) đạt chỉ tiêu 1 máy/100 dân, về đích trước kế hoạch. Đây là một thắng lợi chưa từng có trong lịch sử phát triển của Ngành từ trước đến nay

Ngành Bưu điện là một trong những Ngành đi đầu trong công cuộc đổi mới và là ngành kinh tế đầu tiên được thưởng Huân chương Sao Vàng. Để có được thành tựu đó, toàn Ngành đã thực hiện các giải pháp để phát triển Ngành. Thứ nhất,
Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, bỏ qua công nghệ trung gian; xây dựng mạng lưới bưu chính viễn thông Việt Nam hiện đại, đồng bộ, tương đồng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới; Thứ hai, mềm dẻo và khôn khéo trong quan hệ quốc tế để phá vỡ sự bao vây cấm vận, lựa chọn đa dạng hóa các đối tác để tranh thủ vốn, công nghệ, phục vụ xây dựng mạng lưới và đào tạo nguồn nhân lực; Thứ ba, Xây dựng và xin phép Nhà nước được áp dụng cơ chế tự vay tự trả có sự bảo trợ của Nhà nước; tranh thủ sự hợp tác sản xuất của các đối tác trong nước, xây dựng cơ chế phát huy nguồn nội lực trong Ngành để tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển Ngành; Thứ tư, xây dựng và thực hiện chính sách về tạo nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân viên chức đủ trình độ năng lực, tạo thêm việc làm và từng bước nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên trong Ngành.
VII. Giai đoạn 1996-2000
Đại hội VIII của Đảng đã chỉ ra phương hướng cơ bản cho Ngành giai đoạn 1996-2000 là “Phát triển mạng lưới BCVT hiện đại, đồng bộ, thống nhất, đều khắp và đa dịch vụ, đáp ứng tối đa nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng với chất lượng cao, giá thành hạ, Phát triển công nghiệp BCVT
Ngành bước vào thực hiện kế hoạch tăng tốc giai đoạn II trong bối cảnh trong nước, quốc tế có nhiều thuận lợi và phức tạp. Trong nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, tiền đề cho CNH - HĐH được xây dựng cho phép đẩy mạnh công cuộc CNH – HĐH đất nước. Tình hình quốc tế mở ra nhiều thuận lợi. Mỹ bỏ cấm vận, Việt Nam tham gia nhiều tổ chức quốc tế như Asean, Hiệp ước Mậu dịch tự do (GATT-APTA), mở rộng quan hệ với EU… đời sống kinh tế văn hóa của Việt Nam từng bước hòa nhập với đời sống của cộng đồng quốc tế…
Ngày 01/3/1996, Tổng công ty BCVT Việt Nam đã hoàn thành đổi số điện thoại trên phạm vi toàn quốc từ 6 số lên 7 số (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), từ 5 số lên 6 số (ở các thành phố, tỉnh lỵ khác). Đây là một thành công có ý nghĩa quan trọng về phát triển mạng lưới viễn thông, về khả năng, trình độ quản lý kỹ thuật, khai thác, chỉ đạo điều hành mạng lưới của Bưu điện Việt Nam, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội trong thời kỳ mới.
Ngày 11/3/1996, Chính phủ ra Nghị định số 12/CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện.
Ngày 27/3/1996, Việt Nam tham gia tuyến cáp quang quốc tế trên đất liền qua 6 nước (CSC): Trung Quốc - Việt Nam – Lào – Thái Lan – Malayxia – Singapo dung lượng 2,5Gbit/s tương đương với 30.240 kênh thoại tiêu chuẩn
Ngày 17/5/1996, lễ khánh thành tuyến liên lạc trực tiếp Việt Nam-Campuchia được tái lập với 16 kênh quốc tế qua hệ thống Intelsat. Tuyến này đã chấm dứt giai đoạn thuê thông tin ở một nước thứ 3 trong việc trao đổi thông tin giữa hai nước.
Ngày 8/7/1996, Ngành khánh thành tổng đài cửa quốc tế AXE-105 Đà Nẵng, hoàn chỉnh thêm hệ thống tổng đài cửa quốc tế và cấu hình mạng viễn thông quốc tế, tạo điều kiện cho viễn thông Việt Nam phát triển.
Ngày 23/11/1996, khánh thành và đưa vào hoạt động xa lộ thông tin Bắc Nam, đây là hệ thống mạch vòng cáp quang SDH dung lượng 2,5Gbit/s có cự ly dài nhất khu vực.
Ngày 26/6/1996, VinaPhone (GPC) – mạng thông tin di động kỹ thuật GSM thứ 2 của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động song song với mạng MobiFone (VMS) đã có trước đây.
Ngày 05/3/1997, Chính phủ ban hành Nghị định 21/CP về “Quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập sử dụng mạng Internet ở Việt Nam” và ra Quyết định thành lập Ban điều phối quốc gia mạng Internet. Đây là bản Nghị định quan trọng xác định trách nhiệm quản lý nhà nước, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet. Từ 19/11/1997, Việt Nam chính thức khai trương dịch vụ Internet đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong quá trình mở cửa thị trường trong nước và hội nhập với thế giới về thông tin. Với 4 dịch vụ cơ bản: thư điện tử, truyền file dữ liệu, truy nhập từ xa và truy nhập các cơ sở dữ liệu theo các phương thức khác nhau

Ngày 11/7/1998, Thủ tướng Chính phủ thông qua dự án tiền khả thi “Mạng thông tin di động cá nhân toàn cầu qua vệ tinh – GMPCS”. Ngày 01/10/1998, tại Đà Nẵng đã tổ chức kéo cáp cập bờ. Đây là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu mạng viễn thông Việt Nam chính thức được đấu nối trực tiếp vào hệ thống cáp quang biển quốc tế SE-ME-WE3.
Từ 1996-1999, phát triển thêm một số dịch vụ mới: Tháng 10/1996 khai trương dịch vụ thư điện tử, tháng 10/1999, dịch vụ điện thoại di động trả trước chính thức đi vào hoạt động trong đó VinaPhone, Mobifone là 2 nhà khai thác chính.
Ngành Bưu điện trình Chính phủ đề án “Chiến lược phát triển BCVT đến năm 2010 định hướng đến 2020 nằm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội chung cả nước. Trong đó đề án quan trọng nhất là đề án vệ tinh viễn thông VINASAT.
Ngày 17/10/2000, Bộ Chính trị ban hành chỉ thị 58/CT-TW “Về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH”. Trong đó nêu rõ ngành Bưu điện có nhiệm vụ tổ chức thực hiện quá trình ứng dụng và đảm bảo phát triển CNTT… Đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng thông tin quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài của toàn xã hội, đặc biệt sớm hình thành siêu xa lộ thông tin trong nước và liên kết với các nước trong khu vực và quốc tế.
VIII. Giai đoạn 2000 tới nay
Từ năm 2000-2005 được coi là thời kỳ hội nhập và phát triển của Ngành Bưu điện với mục tiêu và nhiệm vụ phát triển của Ngành trong giai đoạn này là phải phát huy nội lực, mở cửa thị trường, tạo môi trường cạnh tranh, hợp tác trong nước để chuẩn bị mở cửa thị trường đối với nước ngoài và đẩy mạnh phát triển, ứng dụng CNTT.
Cùng với sự ra đời Pháp lệnh BCVT, Chiến lược phát triển BCVT đến năm 2010 đã được phê duyệt. Bộ BCVT, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực BCVT-CNTT đã được thành lập. VNPT cũng được Chính phủ đồng ý cho phép thực hiện thí điểm mô hình Tập đoàn BCVT đầu tiên. Thị trường viễn thông Việt Nam thêm sôi động với sự ra đời của 5 doanh nghiệp mới được xây dựng hạ tầng mạng là Viettel, SPT, Vishipel, VP Telecom, Hanoi Telecom và đã có gần 20 doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế cung cấp dịch vụ Internet, tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Thị trường đã có sự cạnh tranh, giá cước liên tục giảm và khách hàng đã được lựa chọn nhiều nhà cung cấp dịch vụ. Về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ phổ cập dịch vụ BCVT đến các xã và hoàn thành việc đưa Internet đến các trường trung học và nhiều trường tiểu học.
Ngày 5/8/2002, Quốc hội khoá XI đã thông qua Nghị quyết số 02/2002/QH11 về việc thành lập Bộ BC-VT trên cơ sở TCBĐ
Ngày 11/11/2002, Chính phủ ra Nghị định số 90/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông. Bộ Bưu chính, Viễn thông là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện và cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật.

Năm 2003, ngành Bưu chính, Viễn thông thực sự chuyển từ độc quyền công ty sang cạnh tranh tất cả các loại dịch vụ. Có tổng số 6 công ty hạ tầng mạng được thiết lập mạng lưới và cung cấp dịch vụ: Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Viễn thông Điện lực (VP Telecom), Công ty cổ phần dịch vụ BCVT Sài Gòn (SPT), Công ty Cổ phần viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) và Công ty Thông tin điện tử Hàng Hải (Vishipel). Trong đó, VNPT, Viettel và VP Telecom được thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông cố định quốc tế. Có 5 công ty được thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động gồm: VMS, Vinaphone, Viettel, SPT và Hanoi Telecom
Khoảng thời gian 2000-2006 là giai đoạn với sự đóng góp quan trọng của VNPT góp phần vào sự nghiệp phát triển vẻ vang của Ngành, cụ thể qua những mốc quan trọng như sau:
* Năm 2000, VNPT bắt đầu triển khai thí điểm tách bưu chính và viễn thông. Đây là bước đi sớm và cần thiết để thúc đẩy cả hai lĩnh vực cùng phát triển mạnh hơn, hạch toán rõ giữa phục vụ công ích với kinh doanh và là một trong những điều kiện cơ bản cho việc thành lập Tập đoàn Bưu chính Viễn thông. Cũng trong giai đoạn từ 1998- 2000, các công ty Tài chính Bưu điện, Cổ phần bảo hiểm Bưu điện, Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện, Phát triển Phần mềm... đã được thành lập. VNPT kết thúc thắng lợi Chiến lược tăng tốc độ phát triển Bưu chính Viễn thông 1993-2000, cơ sở hạ tầng BCVT-CNTT đã ngày càng được hiện đại hóa và phát triển rộng khắp, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ Đổi mới, bảo đảm phục vụ tốt an ninh, quốc phòng. Việt Nam đã có 3 triệu thuê bao điện thoại cả cố định và di động, là một trong 10 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển mạng viễn thông.
* Ngày 07/06/2002, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông, đáp ứng kịp thời những yêu cầu mới về quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực BCVT và CNTT trong giai đoạn Hội nhập và Phát triển. Cùng với Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông, việc thành lập Bộ Bưu chính, Viễn thông vào tháng 8/2002 đã mở ra một thời kỳ mới đối với sự phát triển toàn diện của lĩnh vực Bưu chính-Viễn thông- CNTT Việt Nam. Trong năm 2002, VNPT đạt 5 triệu thuê bao điện thoại, đưa mật độ điện thoại của Việt Nam lên 6,26 máy/100 dân. Mẫu biểu trưng thương mại mới của VNPT ra đời thay cho việc sử dụng biểu trưng của ngành qua nhiều năm, mở đầu cho việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu của VNPT về sau.
* Tháng 12/2003, mạng điện thoại của VNPT đạt 7 triệu thuê bao, đưa mật độ điện thoại của Việt Nam lên 8 máy/100 dân. Với con số này, VNPT đã về đích trước 2 năm, hoàn thành, chỉ tiêu phát triển điện thoại mà Đại hội Đảng IX đề ra cho năm 2005.
* Tháng 10/2004, bắt kịp với xu hướng phát triển công nghệ của thế giới, VNPT đã chính thức khai trương và đưa ra khai thác các dịch vụ trên nền mạng NGN. Đây là một bước chuyển biến mang tính cách mạng về công nghệ đối với cả mạng Viễn thông Việt Nam. Với cơ sở hạ tầng mạng NGN, mạng viễn thông của VNPT có khả năng cung cấp đa dạng các dịch vụ từ truyền thống cho tới hàng loạt các dịch vụ băng rộng với chất lượng cao. Tháng 1/2005, mạng điện thoại của VNPT đạt 10 triệu thuê bao, đạt mật độ trên 12,7 máy/100 dân.
* Ngày 18/10/2005, Thủ tướng Chính phủ chính thức quyết định giao cho VNPT thực hiện Dự án Phóng vệ tinh viễn thông Việt Nam (VINASAT). Theo kế hoạch, quý II/2008, vệ tinh địa tĩnh VINASAT sẽ được đưa vào hoạt động, đây sẽ là sự kiện đánh dấu một bước phát triển mới của cơ sở hạ tầng Viễn thông - CNTT và Truyền thông của đất nước.
* Kết thúc năm 2005, VNPT đã có 17.000 điểm phục vụ bưu chính viễn thông, trong đó có hơn 7.500 điểm Bưu điện - Văn hoá xã được đưa vào hoạt động. 100 % số xã trong cả nước đã có điện thoại và báo đọc trong ngày. Mạng điện thoại của VNPT đạt con số trên 13,2 triệu thuê bao, đạt mật độ 15,8 máy/100 dân, vượt gần gấp đôi chỉ tiêu mà Đại hội IX của Đảng đề ra cho năm 2005 là từ 7-8 máy/100 dân. Tổng số thuê bao Internet của VNPT đạt hơn 1,3 triệu thuê bao chiếm 44,5% thị phần Internet của Việt Nam, là ISP lớn nhất trong số 7 ISP đang khai thác Internet. Cuối năm 2005, hệ thống nhận diện thương hiệu mới với câu hiệu (slogan) "VNPT- Cuộc sống đích thực" đã được VNPT đưa vào sử dụng, khẳng định một cam kết vì con người, vì cộng đồng và vì sự phát triển bền vững của đất nước.
* Ngày 23/3/2005, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tại Quyết định số 58/2005/QĐ-TTg. Đây là cơ sở pháp lý cơ bản để VNPT, Bộ Bưu chính Viễn thông và các bộ ngành có liên quan khác triển khai quá trình chuyển đổi về tổ chức và quản lý theo hướng xây dựng VNPT thành một tập đoàn kinh tế mạnh, đưa BCVT-CNTT Việt Nam bắt kịp với trình độ và tốc độ phát triển trên thế giới. Theo đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam được hình thành trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại VNPT và phát triển theo mô hình Tập đoàn kinh tế Nhà nước kinh doanh đa ngành cả trong nước và quốc tế, trong đó Viễn thông, CNTT và Bưu chính là các ngành kinh doanh chính. Bộ máy quản lý của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam sẽ bao gồm: Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.
* Ngày 09/01/2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 06/2006/QĐ-TTg về việc thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn BCVT Việt Nam. Ngày 21/2/2006, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 349/QĐ-TTg bổ nhiệm các thành viên Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Theo đó, ông Phạm Long Trận, Uỷ viên thường trực HĐQT - Tổng Giám đốc VNPT được bổ nhiệm Quyền Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BCVT Việt Nam.
* Ngày 26/3/2006 tại Hà Nội, Tập đoàn BCVT Việt Nam tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chính phủ về việc thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn BCVT Việt Nam, chính thức ra mắt và bắt đầu đi vào hoạt động.
Cũng trong giai đoạn này Bộ Thông tin & Truyền thông đã được hình thành trên cơ sở sắp xếp lại Bộ BCVT và sáp nhập thêm mảng báo chí, xuất bản vào ngày 01/8/2007
Đây là giai đoạn thành công của Tập đoàn VNPT với những thành tựu nổi bật:
VNPT là Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, với vai trò là doanh nghiệp chủ lực cung cấp các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và bưu chính, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hoá cao, kết hợp nghiên cứu - đào tạo và sản xuất kinh doanh.
Tập đoàn đã hoàn thành việc chia tách bưu chính, viễn thông trong năm 2007, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam được thành lập và hoạt động từ 01/01/2008, tạo tiền đề cho việc chuyên môn hoá, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2008 của Tổng công ty Bưu chính đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương chia tách này.
+ Ngày 18/4/2008, Tập đoàn phóng thành công vệ tinh viễn thông Việt Nam VINASAT-1 lên quỹ đạo, thể hiện chủ quyền quốc gia trong không gian, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
+ Đầu tư phát triển vượt trội năng lực mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu duy trì gấp 03 lần mức tăng GDP. Giữ vững thị phần trong môi trường cạnh tranh quyết liệt: điện thoại cố định 93%, điện thoại di động 60%, Internet băng rộng 75%, Bưu chính công ích 100%...
Đặc biệt trong giai đoạn 2005-2009, VNPT đã hoàn thành các chỉ tiêu vượt mức:
- Tổng doanh thu phát sinh 258.280 tỷ đồng, so sánh 2009/2005 tăng 2,4 lần.
- Phát triển 61.604.000 máy điện thoại, so sánh 2009/2005 tăng 6,5 lần.
- Phát triển 3.185.000 thuê bao MegaVNN, so sánh 2009/2005 tăng 10,2 lần.
- Nộp ngân sách nhà nước 32.882 tỷ đồng, so sánh 2009/2005 tăng 1,6 lần, là doanh nghiệp
đứng thứ hai trong toàn quốc (sau Tập đoàn Dầu khí).
- Năng suất lao động năm 2009 đạt 873 triệu đồng/người/năm, so với năm 2005 tăng 2,4 lần.
- Lợi nhuận đạt 64.335 tỷ đồng, so sánh 2009/2005 tăng 1,2 lần. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn
ngày càng tăng, vốn Nhà nước được bảo toàn.
- Thu nhập bình quân năm 2009 đạt 7,03 triệu đồng/người/tháng, so với năm 2005 tăng 2,2 lần.
Tập đoàn đã tham gia đóng góp tích cực vào việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội:
- Ổn định và liên tục giảm giá các dịch vụ viễn thông;
- Đóng góp lớn cho việc phổ cập thông tin tới người dân, đưa tỷ lệ người dân sử dụng Internet của Việt Nam lên gần 25% (trong đó Tập đoàn đóng góp tới 75%), chỉ đứng sau Singapore, Malaixia, Brunei ở khu vực Đông Nam Á. Đưa Internet đến phần lớn các điểm Bưu điện - Văn hoá xã, bưu cục, trường học và hộ gia đình.
- Là doanh nghiệp chủ chốt tham gia các hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích của Nhà nước, với 100% sản lượng dịch vụ bưu chính công ích, 63% sản lượng dịch vụ viễn thông công ích.
- Là đơn vị thông tin chủ lực đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền trong mọi hoàn cảnh thiên tai, địch họa, được Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ngành và xã hội đánh giá cao.
- Chi hàng trăm tỷ đồng thực hiện công tác chính sách xã hội trong và ngoài Tập đoàn trên cả nước. Ổn định việc làm, nâng cao đời sống cho gần 09 vạn lao động.
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, VNPT đã được trao tặng các danh hiệu:
Đối với Tập đoàn:
- Danh hiệu Anh hùng Lao động;
- 02 Huân chương Lao động động hạng nhất (thành tích toàn diện giai đoạn 2004 - 2008; thành tích thực hiện Dự án phóng Vệ tinh viễn thông Việt Nam).
- Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba;
- 03 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (thành tích phòng chống lụt bão; Công tác TBLS và phong trào đền ơn đáp nghĩa; Công tác bảo đảm ATVSLĐ).
- Cờ thi đua của Chính phủ liên tục các năm từ 2005 đến 2009;
- Trong Khối thi đua các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước: 02 lần xếp hạng nhất, 01 lần xếp hạng nhì;
- Công đoàn Bưu điện Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
Đối với các tập thể, cá nhân thuộc Tập đoàn:
- Có 02 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 03 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
- Có 07 tập thể được tặng thưởng Huân chương Độc lập và 274 lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng; 396 lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 57 cá nhân được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Hàng chục nghìn lượt tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc đã được khen thưởng cấp Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và các Bộ ngành khác.
Để thực hiện ngày một tốt hơn nhiệm vụ chính trị, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Tập đoàn đã xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2010, Chiến lược phát triển đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 như sau:
- Quan điểm phát triển: Phát triển bền vững, công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vai trò Tập đoàn kinh tế chủ lực trong nước, vươn ra thị trường quốc tế.
- Mục tiêu chiến lược: đến năm 2015 trở thành một trong 10 nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp viễn thông - công nghệ thông tin hàng đầu khu vực Châu Á.
- Các chỉ tiêu chiến lược:
+ Năm 2010: doanh thu 103.279,51 tỷ đồng, lợi nhuận 13.724,7 tỷ đồng, nộp ngân sách 8.910 tỷ đồng.
+ Năm 2015: doanh thu tương đương từ 14 - 15 tỷ USD, lợi nhuận từ 23 - 23,6 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách từ 13,6 - 14 nghìn tỷ đồng.
+ Năm 2020: doanh thu tương đương từ 28 - 30 tỷ USD, trong đó kinh doanh quốc tế chiếm từ 15 - 20%.
Ngày 24/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thành Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Đây là tiền đề để giúp VNPT chủ động trong việc cơ cấu tổ chức, thực hiện các cơ chế thông thoáng trong đầu tư, kinh doanh, sản xuất nhằm mục tiêu duy trì vị trí doanh nghiệp chủ lực, số 1 trong lĩnh vực BCVT-CNTT.
(Nguồn:baotang.vnpt.vn)