Ngành Bưu điện vốn có bề dày lịch sử rất đáng tự hào, gắn liền với lịch sử của Đảng, của dân tộc. Trong suốt quá trình cách mạng và kháng chiến, thông tin bưu điện luôn có mặt như một lực lượng mũi nhọn phục vụ sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao, trong xây dựng và phát triển kinh tế, phục vụ sự giao lưu tình cảm, văn hóa của nhân dân.

Giao thông viên Bưu điện Hà Nam vượt đồng ruộng chiêm trũng trên đường công tác
Kỳ I: Thế trận thông tin
Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp tháng 12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị hướng về chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành Bưu điện, một mặt chỉ đạo các Bưu điện Liên khu Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, Liên khu V, chuẩn bị người và các phương tiện thông tin liên lạc với tư thế sẵn sàng phục vụ theo sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy địa phương để phối hợp với chiến trường chính, mặt khác tại cơ quan Bưu điện Trung ương, các cán bộ chủ chốt đã được tập trung để triển khai mạng thông tin chiến dịch.
Ty Bưu điện Thanh Hóa được giao nhiệm vụ phải nhanh chóng xây dựng đường dây dài hơn 60km từ Hồi Xuân đi Vạn Mai, Suối Rút (Hòa Bình) để phục vụ cho việc chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch từ Trung ương đến tỉnh. Mặc dù phải thi công trong điều kiện vật liệu cực kỳ thiếu thốn, địch thường xuyên bắn phá, nhưng anh em vẫn hạ quyết tâm hoàn thành đường dây tốt nhất, đúng kế hoạch.
Thiếu dây anh em đi thu gom dây cũ, kể cả dây thép gai từ các nơi mang về và bằng mọi phương tiện vận chuyển ra hiện trường. Với tinh thần có gắng vượt bậc, anh em đã lo đủ dây để xây dựng toàn tuyến và viện trợ cho tỉnh bạn Hòa Bình.
Trong những ngày tháng gian nan ấy, đã nổi lên những tấm gương tiêu biểu về tinh thần lao động quên mình như các đồng chí: Trịnh Đăng Sẹo, Phạm Xuân Đề, Đỗ Khắc Hoạch, Nguyễn Văn Tâm…
Thi đua với anh em điện tuyến đường dây Hồi Xuân – Vạn Mai – Suối Rút, anh em đường thư cũng đã hoàn thành xây dựng các trạm trên đường ra mặt trận. Lực lượng giao thông viên hòa vào những đoàn dân công xe thồ, gánh bộ ngược đường 6 lên Sơn La, Lai Châu để vận chuyển thư từ, quà của hậu phương gửi ra tiền tuyến. Đồng chí Trưởng và Phó Ban Giao thông Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo khâu công tác quan trọng này.
Trên ngả đường hướng vào chiến dịch đã diễn ra một không khí chuẩn bị khá gấp rút. Đường điện thoại từ Chợ Chu đi vòng qua Tuyên Quang, Yên Bái – Phú Thọ đến Sơn La được tu bổ.
Đường điện thoại dọc theo quốc lộ 41 từ Thuận Châu – Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ được xây dựng.
Trên hàng trăm km đường dài, phải qua nhiều đồi núi, rừng rậm, suối sâu để chuyển tải cột, dây, xà, sứ… đó là một loại công việc cực kỳ gian nan và khó khăn. Thời gian đòi hỏi khá gấp rút. Đáp ứng được yêu cầu này phải huy động một lực lượng lớn công nhân làm việc tại hiện trường suốt ngày đêm không mưa, nắng và bom đạn.
Từ Sơn La qua đèo Pha Đin – Thuận Châu – Tuần Giáo được đặt các trạm thường trực để giữ vững liên lạc giữa Trung ương với Sở Chỉ huy chiến dịch, đồng thời phục vụ chỉ huy điều hành các đoàn xe, các đoàn dân công hỏa tuyến, chỉ huy công binh mở đường.
Riêng tuyến địa bàn Sơn La, nhiều đường dây mới cũng được xây dựng khẩn trương. Đường Yên Bái – Tạ Khoa, Tạ Khoa – Cò Nòi và Mộc Châu – Thuận Châu đã được dựng lên trong thời điểm này. Mặc dầu dây và vật liệu thiếu nghiêm trọng nhưng anh em đã có nhiều sáng tạo tháo gỡ dây đôi bọc ny-lon, dây thép gai để bổ sung, nhặt cả các chai vỡ, lấy cổ chai thay sứ,…
Đài Điện báo Trung ương tăng phiên và làm việc với điện đài các địa phương. Yêu cầu trực phiên phải có mặt suốt đem ngày để bất cứ lúc nào ở tiền tuyến gọi về là có thể làm việc được ngay.
Về đường thư, các trạm dọc tuyến chiến dịch đã được bộ sung thêm những đồng chí dũng cảm, tin cậy, đảm nhiệm ở những điểm xung yếu, nguy hiểm, được cung cấp thêm xe đạp để chuyển vận công văn, tài liệu, báo chí… cho nhanh chóng hơn.
Những địa bàn trọng điểm để xác lập hệ đường thư hướng vào chiến dịch là các tỉnh Việt Bắc. Các tỉnh thuộc Khu 3, Khu 4 cũng tổ chức đường thư, vượt đường số 6 lên Sơn La, Lai Châu để phục vụ chiến dịch.
Thời gian này, Khu Bưu điện Tây Bắc được thành lập do ông Ngô Huy Văn làm Giám đốc. Một đoàn cán bộ Trung ương Việt Bắc ba lô, tay túi xách, gồng gánh, bộ hành khẩn trương qua Đại Từ, vượt đèo Khế, sông Lô, qua Thác Bà, đến Yên Bái, qua phà An Lâu đặt trụ sở ở Nguyên Phú (Trấn Yên). Kế đó ít tháng, qua Ba Khê vào Cửa Nhì bên ngòi Thia gần Nghĩa Lộ. Ở Cửa Nhì, việc bố trí mạng lưới giao thông liên lạc thư điện phục vụ Khu ủy và các cơ quan đầu não khác được nhanh chóng hoàn chỉnh. Cơ quan Bưu điện khu cũng xúc tiến tăng cường cán bộ tuyển chọn từ Yên Bái, Phú Thọ lên; đẩy mạnh việc mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ thuật cho cán bộ công nhân các ty, phòng, điều hành, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc củng cố và tăng cường giao thông liên lạc ở các tỉnh.
Đầu năm 1954, theo yêu cầu khẩn trương của tình thế, cơ quan Khu Bưu điện Tây Bắc cũng đã tổ chức và biệt phái một đoàn cán bộ công nhân gồm những anh em có sức khỏe tốt, lanh lợi, hăng hái, tinh thần cao, nghiệp vụ kỹ thuật khá để tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Khu Tây Bắc còn xây dựng đường thư liên tỉnh Sơn La, Lai Châu dài 300km. trên đường thư bố trí mỗi trạm gồm có các giao thông viên, thợ dây, điện thoại viên và một trưởng trạm với biên chế từ 4 đến 6 người.
Với tinh thần phấn đấu quên mình, đội ngũ giao thông liên lạc vào chiến dịch đã đảm bảo thông tin thông suốt bằng tất cả các phương thức: đường thư, điện thoại, vô tuyến điện. Đường thư vừa xây dựng mới, vừa củng cố những cơ sở sẵn có đã bảo đảm đúng tiến độ kế hoạch.
Trên các đường dây điện thoại, anh em thợ dây vừa tu sửa vừa bảo vệ trên từng cung trạm. Máy bay địch ném bom phá nát từng đoạn, cứ có dây đứt là thợ dây lên đường. Khi nối đường thông tin liên lạc vững rồi anh em mới trở lại. Trong chiến dịch, có khu vực máy bay tàn phá từng vùng, đường dây bị phá trên phạm vi lớn, lại thêm mưa đầu mùa, cột tre, gỗ đổ ngả nghiêng, đường hư hại hàng loạt. Mặc dù vậy, anh em vẫn xông pha khắc phục mọi khó khăn, xây dựng và bảo vệ tốt các tuyến thông tin.
Các điện thoại viên thay nhau túc trực suốt ngày đêm bên máy, mặc cho bom rơi, đạn réo quanh mình, vẫn bình tĩnh trước tổng đài tiếp thông tiếng nói từ các miền, các điểm tới mặt trận. Điện điều động dân công, điện sửa đường của các đội thanh niên xung phong, điện về chuyển tải lương thực, vũ khí dồn dập không ngớt.
Các tỉnh ở sâu trong vùng địch hậu thuộc tả, hữu ngạn sông Hồng, các tỉnh Việt Bắc điện cũng tới tấp truyền về chiến dịch. Khối lượng điện dồn tới khá lớn, song đều được truyền thông không ùn tắc. Điện thoại viên gọi, thưa, tiếp dây bình tĩnh với thái độ vui vẻ, giọng nói ngọt ngào, cố gắng không để bức điện nào quá chậm so với quy định. Trên các tuyến đường thư, không kể trời mưa nắng, dọc đường đầy bom đạn, cứ đến giờ là giao thông viên khởi hành. Mỗi chuyến thường mang nặng từ 25 đến 30kg. Nếu có công văn hỏa tốc, dù ngày hay đêm đều chạy và chuyển tiếp với tinh thần khẩn cấp.
Những ngày giáp Tết Nguyên Đán năm Giáp Ngọ, chiến dịch đang nổ súng, thư từ, quà biếu, như bánh chưng, thuốc lá, trà mứt, bánh kẹo… của đồng bào từ các tỉnh, kể cả những tỉnh ở sâu trong vùng địch hậu, gửi tới mặt trận. Đường thư bưu điện đã tiếp nhận và chuyển nhanh các loại quà tết này đến các chiến sĩ Điện Biên Phủ. Báo Xuân như những cánh én cũng theo đường thư bay tới mặt trận. hàng tram tấn bưu phẩm, báo chí trong đợt mùa xuân này đã được chuyển ra mặt trận, bảo đảm an toàn, kịp thời là một niền động viên lớn đối với các chiến sĩ.

Cơ quan làm việc của Đội Giao thông đặc biệt
thuộc Ban Giao thông liên lạc Trung ương ở An toàn khu
Kỳ II: Những ngày đêm của cuộc tổng công kích
Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, thực hiện kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 – 1954 của Bộ Chính trị là đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp trên phạm vi cả nước, ngày 27 tháng giêng năm 1954, quân ta tiến công địch ở Tây Nguyên.
Bảy ngày trước đó, ngày 20/1/1954 địch đã huy động 6 binh đoàn cơ động, có thủy quân, không quân yểm trợ, tiến công vào Phú Yên, mở đầu đợt thứ nhất của chiến dịch Atlanta nhằm chiếm đóng toàn bộ vùng tự do ta ở Liên khu V.
Liên khu ủy Liên khu V do đồng chí Nguyễn Chánh - Ủy viên Trung ương Đảng làm Bí thư, đã kiên quyết chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, mạnh dạn đưa bộ đội chủ lực lên Tây Nguyên đánh địch.
Phối hợp với bộ đội chính qui đánh địch, các đội xây dựng cơ sở ở Đại Ninh, Di Linh, B’Lao của tỉnh Lâm Đồng mở rộng địa bàn hoạt động. Các đội giao thông liên lạc được tăng cường thêm về số lượng, trang bị vũ khí, thành lập thêm 4 đội đứng chân trên các địa bàn: Chi Lai, Chiến Thắng, Mang Yên và Nước Sông. Quân đội ta đã giải phóng một vùng rộng lớn, nối liền với vùng giải phóng phía tây Bình Thuận.

Giao thông viên Bưu điện vùng tự do lên đường phục vụ
chiến trường Điện Biên Phủ vào những năm 1953 - 1954
Tình hình mới, có nhiều thuận lợi. Địa bàn hoạt động quân sự của các lực lượng vũ trang mở rộng. Để phục vụ cho yêu cầu mới, các đội xây dựng cơ sở và giao thông liên lạc chuyển lên hoạt động trong các buôn đồng bào dân tộc vùng Loan, Tà In. Từ cơ sở địa bàn được mở rộng, giao thông liên lạc được giao nhiệm vụ tăng cường thêm đầu mối. Giao thông liên lạc được bổ sung 20 người đã đặt cơ sở liên lạc hầu khắp các địa bàn mới được giải phóng, tổ chức chặt chẽ hơn. Từ huyện về đội công tác mỗi tuần một chuyến. Ngoài nhiệm vụ chuyển thư từ, công văn, đưa đón các đoàn cán bộ đi lại, anh em giao thông viên còn kết hợp làm nhiệm vụ vận tải lương thực, thuốc men cho các đội công tác và các xã căn cứ.
Tại Khánh Hòa để góp phần đánh bại một bước quan trọng lực lượng địch ở chiến trường Tây Nguyên, đồng thời đánh bại chiến dịch Atlanta của địch, Ty Bưu vận Khánh Hòa đã tập trung lực lượng phục vụ chi chiến dịch quan trọng này. Liên khu đã điều một tổ thông tin vô tuyến vào Khánh Hòa và Liên khu. Với chiếc đài 15W đóng ở gộp đá trên căn cứ Đồng Bà anh em điện báo viên đã theo dõi những chuyển biến hoạt động hàng ngày của địch trên sân bay Nha Trang để báo về Bộ chỉ huy chiến dịch.
Ở Bình Thuận sau khi chiến dịch được mở ra, lực lượng giao thông liên lạc đã triển khai theo sát từng đợt hoạt động, từng hướng tấn công.
Khi ở miền Tây quân dân ta giải phóng hoàn toàn huyện Tánh Linh và một phần đất huyện Di Linh và B’Lao của tỉnh Lân Đồng, ở đồng bằng ta tiêu diệt nhiều sinh lực của địch ở Lương Sơn, Duồng, tiểu khu Long Hương, đồn Sông Lũy, đồng sông Hinh mở ra một vùng giải phóng rộng lớn từ phía Bắc đến phía Nam thì Ty Bưu vận Bình Thuận đã kịp thời xây dựng các đường liên lạc mới, bảo đảm các đường Bưu điện liên tỉnh và các huyện hoạt động đều thông suốt.
Cuộc đấu tranh toàn diện, tấn công địch ở mặt trận sau lưng địch từ Nam Bộ, Trung Bộ, Bình - Trị - Thiên đến đồng bằng Bắc Bộ đã tiêu hao, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, mở rộng thêm nhiều căn cứ du kích, căng địch ra khắp nơi và cùng với cuộc tiến công ở các mặt trận chiến diện cô lập địch, hơn nữa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức, khôi phục và mở rộng mạng lưới thông tin liên lạc kể cả những vùng lâu nay gặp khó khăn nhất, phục vụ đắc lực cho mọi công tác chuẩn bị để tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.
Suốt 55 ngày đêm bị bộ đội ta bao vây, tiến công và xiết chặt vòng vây đối với tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954, quân đội ta tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm này, bắt sống tướng Đờ-cát-tơ-ri và toàn bộ Bộ chỉ huy của chúng. Trong chiến dịch, các chiến sĩ thông tin bưu điện trên khắp các ngả đường, trên làn sóng điện đài đều quyết tâm bảo vệ thông tin liên lạc.
Chiến công chấn động địa cầu từ Điện Biên Phủ đã đập tan hoan toàn ý đồ xâm lược của thực dân Pháp. Ngày 20/7/1954, Hiệp định đình chiến trên toàn cõi Đông Dương đã được kí kết tại Hội nghị Giơ-ne-vơ… Sau 9 năm chiến tranh, hòa bình đã được lập lại trên đất nước ta.
Ngày 10/10/1954, từ năm cửa ô, quân ta tiến vào tiếp quản, giải phóng Hà Nội. trong nhịp khúc quân hành “Lớp lớp đoàn quân tiến về” ấy, có đội ngũ những người thông tin bưu điện tiến vào tiếp quản mạng thông tin Hà Nội, đất Thủ đô ngàn năm văn hiến, giờ đây trở lại là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.
Cùng với sự nghiệp cách mạng chung trên đất nước ta, một giai đoạn mới của ngành Bưu điện được mở ra, giai đoạn kiến lập một mạng thông tin trong hòa bình để phục vụ cho yêu cầu khôi phục phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội đấu tranh thống nhất đất nước.
(Nguồn:vnpost.vn)