Giao thông liên lạc đối với sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng trước Cách mạng tháng Tám.
70 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Bưu điện Việt Nam (nay là ngành Thông tin và Truyền thông) đã phát triển vượt bậc, xây dựng và phát triển một mạng lưới thông tin liên lạc hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Ngành, Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử xin giới thiệu với bạn đọc chùm bài về lịch sử hào hùng của ngành Bưu điện Việt Nam:
Lịch sử Bưu điện Việt Nam là lịch sử của dân tộc Việt Nam (không gồm Bưu điện thực dân cướp nước và chính quyền Sài Gòn cũ) bắt nguồn từ công tác giao thông liên lạc bí mật của Đảng trước năm 1945.
Ngay từ năm 1925, Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội (VNTNCMĐCH - tổ chức tiền thân của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập cùng các đồng chí lãnh đạo đầu tiên của Đảng) đã đặc biệt quan tâm đến công tác giao thông liên lạc. Lúc bấy giờ Tổng bộ VNTNCMĐCH đóng ở Quảng Châu (Trung Quốc) phải thường xuyên liên hệ với phong trào cách mạng trong nước, qua đầu mối là Kỳ bộ VNTNCMĐCH Bắc Kỳ đóng ở Hà Nội, nên cần phải lập một đường dây liên lạc. Lúc đầu, do tổ chức cách mạng còn nhỏ hẹp, địch lại kiểm soát gay gắt, khủng bố ác liệt nên cán bộ, đảng viên vừa làm công tác phong trào, vừa làm nhiệm vụ giao thông liên lạc. Từ năm 1926, phong trào cách mạng mở rộng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người đầu tiên tổ chức tuyến giao thông liên lạc Hải Phòng – Hương Cảng và đảm nhiệm công tác liên lạc giữa Hương Cảng – Quảng Châu. Đồng chí Nguyễn Công Thu và một số đồng chí khác lập tuyến liên lạc bằng đường bộ Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái – Đông Hưng - Quảng Châu để chuyển tài liệu, thư từ và đưa đón cán bộ ra Quảng Châu dự các lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc mở. Ngoài ra còn có tuyến liên lạc đường thủy Hồng Kông – Sài Gòn. Từ năm 1927, phong trào cách mạng phát triển ở cả 3 Kỳ, yêu cầu giao thông liên lạc cũng đòi hỏi cao hơn giữa các Tỉnh bộ với các Kỳ bộ, giữa Kỳ bộ với Tổng bộ phải luôn luôn “mật thiết” để thống nhất tư tưởng và hành động, bảo đảm sự chỉ huy thống nhất từ trung ương đến các tỉnh ủy, xứ ủy. Tại Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 đã quyết nghị: “...Phải tổ chức nhiều cách giao thông để cho các cấp Đảng bộ xa nhau thường thông tin tức cho nhau và cho chuyên…
Thực hiện nghị quyết, người giao thông viên chuyên nghiệp gồm số đông là đảng viên ưu tú, được thử thách đảm nhiệm như các đồng chí: Trần Bảo, tuyến Hà Nội – Hải Phòng; Nguyễn Thị Nghĩa, tuyến Vinh – Hà Nội; Hoàng Thị Ái, tuyến Huế - Đà Nẵng, Dương Quang Đông phụ trách mạng liên lạc của xứ ủy Nam Kỳ, v.v.. Trong cả nước, mạng lưới liên lạc của Đảng hình thành 3 trung tâm coi như 3 “Tổng trạm”: Hà Nội (của xứ ủy Bắc Kỳ), Nghệ An (của xứ ủy Trung Kỳ), Sài Gòn (của xứ ủy Nam Kỳ). Từ “Tổng trạm” có đường liên lạc với các tỉnh ủy và xứ ủy bạn. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, bên cạnh người giao thông công khai, các chi bộ còn chuẩn bị giao thông viên dự bị bí mật để đối phó khi địch khủng bố ác liệt hơn.
Từ cuối năm 1931, phong trào cách mạng bước vào thời kỳ thoái trào. Mạng lưới giao thông liên lạc bị tan vỡ nhiều nơi. Nhiều chiến sỹ giao thông liên lạc đã trung kiên, bất khuất, anh dũng hy sinh để bảo đảm mạch máu giao thông liên lạc như Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Thị Lưu, v.v..
Sau một thời gian tạm lắng, phong trào cách mạng lại từng bước được phục hồi và phát triển. Nhờ lòng trung thành và sự tận tụy của những đảng viên, cán bộ làm công tác giao thông liên lạc, nhờ sự che chở của quần chúng cách mạng, nhiều tuyến giao thông liên lạc được phục hồi và tiếp tục hoạt động.
Tháng 3/1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao (Trung Quốc) để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất phong trào cách mạng Ban Chấp hành Trung ương ra nghị quyết: “…Sự liên lạc giữa cơ quan hạ cấp với thượng cấp chưa thật bền vững mật thiết… Đảng bộ cần phải có hai, ba mối giao thông khác nhau với Đảng bộ khác… Một người không nên biết nhiều mối giao thông, các mối giao thông của Đảng không được lộn với các mối giao thông của Thanh niên Cộng sản, của Công Hội và các đoàn thể khác”
Từ năm 1936, Mặt trận nhân dân ở Pháp được thành lập, Cách mạng Việt Nam có thêm thuận lợi mới. Nhiều sách báo của Đảng ra đời, hoạt động công khai. Các quán sách, hiệu sách phát hành sách báo tiến bộ được lập nên. Mỗi trụ sở tòa soạn báo và quán sách là một địa điểm liên lạc của Đảng. Phần lớn người bán báo lẻ anh chị em giao thông liên lạc hoạt động công khai bán hợp pháp. Như vậy, thời gian này lực lượng giao thông liên lạc có hai bộ phận: bí mật (hoạt động trên các tuyến đường dây), công khai bán hợp pháp (hoạt động ở các tòa soạn và cơ quan phát hành báo chí của Đảng). Ngoài ra đường bưu điện của chính quyền thực dân cũng được Đảng sử dụng để chuyển tài liệu sách báo cách mạng.
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Đảng chuyển hướng hoạt động, rút vào bí mật. Để cho “các Đảng bộ từ chi bộ đến trung ương” đều liên lạc mật thiết, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1940) ra nghị quyết:” Về mặt giao thông liên lạc, nhất là trong tình thế chính trị thường hay bị gián đoạn vì sự khủng bố của quân thù và đường giao thông khó khăn, Đảng ta phải tìm cách đề phòng tai nạn ấy…
Một sự kiện đáng lưu ý: Hội nghị trung ương lần thứ 7 (tháng 11/1940) có quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, nhưng vì giao thông liên lạc khó khăn, chỉ thị không đến kịp nên cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra. Bọn địch khủng bố rất dã man. Một số đồng chí lãnh đạo của Đảng như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, v.v.. bị địch bắt và đã hy sinh. Nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ. Điều đó càng khẳng định vị trí quan trọng của công tác giao thông liên lạc đối với công tác lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng.
Chuẩn bị công văn tài liệu gói bọc kín để cho giao thông viên lên đường
Tình hình quốc tế và trong nước đang ở giai đoạn khẩn trương khi thực đân Pháp đã đầu hàng phát xít Đức và phát xít Nhật. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc quyết định về hẳn trong nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Đón trước thời cơ và sự phát triển của cách mạng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trương đưa một số thanh niên yêu nước ra nước ngoài đào tạo về thông tin liên lạc. Tháng 6/1942, mười người được lựa chọn đi học lớp thông tin ở Liễu Châu (Trung Quốc). Mạng lưới thông tin liên lạc của Đảng ngày càng được mở rộng và vững chắc. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc cũng dành hẳn một chương nói về thông tin liên lạc khi Người biên soạn quyển sách “Chiến thuật du kích” để làm tài liệu huấn luyện cho các đội du kích. Để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng của phong trào cách mạng, việc đào tạo cán bộ sử dụng thông tin hiện đại trở nên cấp bách. Thi hành chỉ thị của đồng chí Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho mở lớp báo vụ viên tại Tân Trào. Bác Hồ rất quan tâm đến lớp học này. Thường thường, buổi tối Bác đến lớp học, vừa kiểm tra kết quả học tập vừa nói chuyện thời sự trong nước và quốc tế cho anh em nghe.
Hòa nhịp với phong trào cách mạng sục sôi của nhân dân trong toàn quốc, mạng lưới giao thông liên lạc ngày càng mở rộng. Khối lượng và phạm vi tỏa đều từ Trung ương đến tận cơ sở. Tháng 8/1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ 13-15/8/1945 có nghị quyết trước tình hình mới, trong đó vấn đề giao thông liên lạc được đề cập:
1. Phải đặc biệt chủ trương củng cố giao thông giữa các xứ và các cấp đảng bộ
2. Tích cực tổ chức giao thông trong các ngành vận tải
3. Lập ban giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm trọn nhiệm vụ
Trên tinh thần đó, tổ chức giao thông liên lạc của Đảng được kiện toàn và củng cố hơn. Tận dụng mọi hình thức hợp pháp, nửa hợp pháp, công khai, ngoài việc liên lạc bằng đường bộ là chủ yếu, phương thức liên lạc bằng vô tuyến điện đã bắt đầu được sử dụng ở căn cứ địa cách mạng Việt Bắc và ở xứ ủy Bắc Kỳ. Trong quá trình hoạt động đã xuất hiện rất nhiều chiến sỹ vô danh, lớp này ngã xuống lớp khác xông lên quyết giữ cho mạch máu giao thông không bao giờ ngừng trệ. Lô Văn Gia, Kim Đồng là những tấm gương sáng mà tên tuổi các Anh đã đi vào sử sách.
Đêm 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh khởi nghĩa. Lực lượng giao thông liên lạc của Đảng nhớ lời dạy của Hồ Chủ Tịch: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất của chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi, hăng hái lên đường làm nhiệm vụ”.
Thông tin liên lạc trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp
9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp - Để phục vụ cho nhiệm vụ phát động chiến tranh du kích rộng khắp, phá kế hoạch bình định của địch, sau khi rút khỏi các đô thị, trở về vùng căn cứ, Ngành đã nhanh chóng xây dựng và phát triển các đường thư, đường điện báo, điện thoại, các đài vô tuyến điện.

Lù, gùi, thuổng và ống đựng nước giao thông viên dùng trong 9 năm
kháng chiến chống thực dân Pháp được lưu giữ tại Phòng Truyền thống
Bưu Điện Sơn La
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, chấm dứt chế độ thực dân phong kiến, mở ra Kỷ nguyên mới độc lập tự do với sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa.
Ngành Giao thông Bưu điện với một đội ngũ kiên trung, kế thừa công tác giao thông thời kỳ Đảng hoạt động bí mật, tiếp nhận mạng thông tin hiện có, đảm nhiệm thông tin liên lạc phục vụ bảo vệ chính quyền cách mạng, phục vụ nhân dân.
Ngày 17/1/1946, Hồ Chủ Tịch đã đến thăm Bưu điện Trung ương Bờ Hồ. Bác đã đi thăm mọi phòng làm việc, căn dặn cán bộ, viên chức đi làm đúng giờ, cố gắng vượt qua khó khăn để vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ. Quán triệt đường lối chỉ đạo của Đảng và lời kêu gọi của Bác Hồ, ngành Giao thông Bưu điện nhanh chóng chuyển hướng để đáp ứng yêu cầu thông tin thời chiến. Bước vào cuộc kháng chiến, ngành Giao thông Bưu điện gặp nhiều khó khăn. Ngoài Ban giao thông của Đảng còn có Ban giao thông quân sự, Ban phân phối tài liệu của Mặt trận Việt Minh, Ban giao thông Công An, Ban giao thông Tổng Liên Đoàn Lao Động, Tổ chức Vô tuyến điện thuộc Bộ Quốc Phòng, ngành Bưu Điện,…
Chiến tranh càng mở rộng, tổ chức như trên càng “bộc lộ nhược điểm phân tán, thiếu phối hợp hiệp đồng, nhất là về người và phương tiện”. Đáng chú ý là ngành Bưu điện (từ chính quyền cũ chuyển sang) chưa kịp củng cố, rèn luyện, đã phải bước vào kháng chiến nên còn gặp khó khăn. Về cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động thì hầu như trắng tay (như ở Hà Nội, khi rút khỏi thành phố chỉ có 20 km đôi dây, 17 máy điện thoại và một vài máy vô tuyến điện cũ…). Phương thức hoạt động chủ yếu là “đôi chân” và “đôi vai” của người chiến sỹ giao thông.
Trước tình hình mới, hội nghị cán bộ trung ương (từ 3-6/4/1947) đã quyết nghị “Giao thông liên lạc họp ngay một cuộc hội nghị của ba hệ thống giao thông (quốc phòng, hành chính và đoàn thể) để nghiên cứu việc thống nhất và chấn chỉnh hệ thống giao thông liên lạc toàn quốc. Về vô tuyến điện sắm thêm máy móc, dùng người tin cẩn, đào tạo thêm người chuyên môn, năng thay đổi mật mã. Hết sức tận dụng vô tuyến điện làm phương tiện liên lạc để chỉ đạo’’.
Chấp hành sự chỉ đạo của Đảng, ngày 28/6/1947, Bộ Giao thông Công chính ban hành Nghị định số 335/NĐ tổ chức lại ngành Bưu điện thành 3 Nha Bưu điện. Ở Trung ương có Nha Tổng Giám đốc, dưới Nha Tổng giám đốc có 3 Nha giám đốc ở 3 miền.

Chày giã gạo và ống đựng công văn, tài liệu được dùng trong
9 năm kháng chiến chống Pháp được lưu giữ tại Phòng Truyền thống Bưu Điện Sơn La
Ngày 15/10/1947, Trung ương lại có chỉ thị phải cắt đứt giao thông liên lạc của địch “Củng cố giao thông liên lạc theo một hệ thống linh động và bán công khai hay bí mật; thay mật mã và giờ liên lạc của các điện đài, quân sự hóa các cơ quan điện đài có mật mã…
Từ năm 1948, việc kiện toàn các tổ chức thông tin liên lạc được tiến hành khẩn trương hơn. Ngày 2/4/1948, Chính phủ ra Nghị định số 33 về Tổ chức Bưu điện trong thời kỳ kháng chiến. Tháng 5/1948, Bộ Giao thông Công chính ra quyết định sáp nhập Bưu điện với Ban giao thông kháng khiến lấy Ban Giao thông làm nòng cốt lấy tên là Nha Bưu Điện Việt Nam.
Tiếp tục hợp lý về mặt tổ chức, ngày 12/6/1951, Chính phủ quyết định sáp nhập vô tuyến điện hành chính vào ngành Bưu điện. Nha Bưu điện đổi thành Nha Bưu điện – Vô tuyến điện Việt Nam. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 32/SL, bổ nhiệm đồng chí Trần Quang Bình, Nguyên giám đốc Nha Bưu điện Việt Nam giữ chức Giám đốc Nha Bưu Điện – Vô tuyến điện Việt Nam.
Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến trong giai đoạn chuyển mạnh sang tổng phản công, cuối tháng 6 đầu tháng 7/1951, hội nghị cán bộ Bưu Điện – Vô tuyến điện toàn quốc họp đề ra “Nhiệm vụ tích cực kiện toàn và chấn chỉnh tổ chức, củng cố các hệ thống thông tin liên lạc…”. Sau Hội nghị này, trên cơ sở Ban Hỏa Tốc, hệ thống Bưu điện đặc biệt được thành lập từ trung ương đến tỉnh, huyện, nhằm tăng cường phục vụ cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp.
Trên cơ sở hệ thống tổ chức không ngừng được kiện toàn, các mặt hoạt động của Ngành trên mọi miền của đất nước có thêm nhiều thuận lợi và thu được những thành tích đáng phấn khởi.
Ở vùng địch hậu, từ vùng bị địch chiếm sâu, kiểm soát hết sức ngặt nghèo, vây ráp, tuần tiễu thường xuyên, đến vùng du kích nơi ta và địch giằng co, tranh chấp nhau quyết liệt và vùng căn cứ du kích nơi địch thực hiện chính sách “Tam quang” (giết sạch, đốt sạch, phá sạch), hoạt động giao thông liên lạc bao gồm: tổ chức cơ sở, tổ chức trạm, đường thư khắp các nẻo đường địch hậu. Từ vùng địch hậu ra vùng tự do và ngược lại hoạt động ngày đêm chuyển phát công văn, thư từ, tài liệu, báo chí đưa đón cán bộ (kể cả bộ đội, dân công), thậm chí cả tù, hàng binh. Ngoài ra, anh chị em hoạt động vùng tạm bị chiếm sâu còn phải kiêm nhiệm xây dựng cơ sở, trình báo, binh vận.
Trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc, nhiều tên đường, tên địa phương còn ghi mãi chiến công của những chiến sỹ giao thông liên lạc như: Đường I, đường 5, đường 6,… đường khu IV, Bình Trị Thiên, Dốc Bụt, Dốc Ken, Đường Trường Sơn, Liên khu V, Quảng Nam, Đà Nẵng, dốc Mỏ Cao, dốc Lệch Cực Nam Trung Bộ, Sông Tiều, sông Hậu, miền Tây Nam Bộ. Đường Trường Sơn mãi mãi nổi bật hình ảnh liệt sỹ Huỳnh Cương (Quảng Nam), người giao liên lạc lập công đầu mở đường giao liên vượt Trường Sơn, nối thông đường liên lạc Bắc – Nam trong những ngày đầu kháng chiến.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta ngày càng phát triển nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do địch gây ra. Để phục vụ cho nhiệm vụ phát động chiến tranh du kích rộng khắp, phá kế hoạch bình định của địch, sau khi rút khỏi các đô thị, trở về vùng căn cứ, Ngành đã nhanh chóng xây dựng và phát triển các đường thư, đường điện báo, điện thoại, các đài vô tuyến điện. Về đường thư nội huyện, nội tỉnh chạy dây chuyển liên tục ngày đêm, tốc độ tăng từ 30 km lên 60 km một ngày. Mỗi giao thông viên mang nặng trung bình từ 20 đến 30 kg công văn tài liệu. Đường vào Khu V trước đi 3 tháng, sau chỉ mất 15 đến 20 ngày. Đường vào Nam Bộ trước đi 6 tháng sau rút xuống 3 tháng. Đến năm 1950 – 1951 đã có trên 3.000 km đường thư xe đạp, góp phần tăng tốc độ hành trình thư báo nhanh gấp 2 – 3 lần. Về thông tin điện báo, điện thoại, ngoài các mạng nội bộ ở các khu Việt Bắc, Khu 3, Khu 4, Khu 5, mạng đường trục liên tỉnh dài trên 300 km liên lạc từ Trung ương đến Khu 3, Khu 4. Theo số liệu ban đầu, đường dây điện báo, điện thoại lên tới 9.144 km. Hệ thống đài thu phát vô tuyến điện phát triển, nhất là ở miền Nam đã có tới 40 đài. Nhờ sự phát triển hệ thống thông tin điện báo và điện thoại nên trong các chiến dịch ta đã đưa hàng trăm km đường dây điện báo, điện thoại vào vùng căn cứ du kích, phục vụ chiến đấu. Riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ trong 10 ngày, Ngành đã xây dựng xong một đường dây thông tin trên 200 km vào trận địa.

Hệ thống đài vô tuyến điện được đặt từ Trung ương đến các khu, các tỉnh
Về mặt tự trang, tự chế thiết bị, phương tiện thông tin trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, nghèo nàn, cơ xưởng Bưu Điện Trung ương được thành lập năm 1950, vượt qua mọi khó khăn đã sửa chữa được máy điện thoại, điện báo, tự lắp được tổng đài điện thoại. Cơ xưởng Khu 5 ngoài việc tự chế được tổng đài điện thoại đã có sáng kiến kéo dây kim loại từ cỡ to thành cỡ nhỏ, phục vụ cho việc xây dựng đường dây. Cơ xưởng Nam Bộ tự lắp được đài vô tuyến điện, cơ xưởng khu 4 tự lắp thành công máy điện thoại từ thạch.
Qua 9 năm phục vụ công cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp, ngành Bưu Điện đã có: hàng trăm đơn vị xuất sắc, hàng ngàn chiến sỹ thi đua, cá nhân xuất sắc. Rất nhiều Ty, Sở Bưu điện được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến. Tính đến năm 1954, toàn Ngành có:
- 698 chiến sỹ thi đua trong đó có 109 được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huân chương Lao động, Huân chương chiến sỹ
- 128 chiến sỹ thi đua toàn quốc (1952), chiếm 16% tổng số chiến sỹ thi đua các ngành. Nổi bật là nữ đồng chí Nguyễn Thị Điều được Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1952 lựa chọn là chiến sỹ thi đua số 1 vùng địch hậu của tất cả các ngành công nghiệp, được Bác Hồ viết một bài thơ ca ngợi đăng ở báo Nhân Dân với câu kết:
“Mấy phen chìm nổi lênh đênh
Một lòng một dạ trung trinh không sờn”.
Xây dựng CNXH ở miền Bắc:

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sở Bưu điện Bờ Hồ
tại 75 Đinh Tiên Hoàng, thành phố Hà Nội, năm 1946
Lớn mạnh thần tốc
Kháng chiến chống thực dân Pháp thành công nhưng chỉ miền Bắc sạch bóng quân thù, miền Nam còn tiếp tục đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong những ngày đầu mới giải phóng, Bưu điện miền Bắc đã thông minh, dũng cảm, đấu tranh chống sự phá hoại của địch, tiếp quản tốt các cơ sở Bưu điện của địch ở miền Bắc. Chỉ trong 3 ngày đầu, Ty Bưu điện đặc biệt đã cấp tốc kéo được 142 km đường dây thông tin với 115 máy điện thoại, kịp thời phục vụ yêu cầu mới.
Song song với việc hàn gắn các vết thương chiến tranh, Ngành đã khôi phục và phát triển mạng lưới, khai thác các dịch vụ, phục vụ cho việc hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa. Năm 1956, toàn Ngành xây dựng thêm 4.361 km dây, 70 tổng đài và 556 máy điện thoại đưa tổng số mạng lưới thông tin điện chính phục vụ cải cách ruộng đất lên hơn 10.000 km đường dây và trên 1.500 máy điện thoại. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Chính phủ ban hành Nghị định số 48/TTg ngày 08/8/1955, Nha Bưu điện Vô tuyến điện Việt Nam được đổi thành Tổng Cục Bưu điện Việt Nam, thuộc Bộ Giao thông Bưu Điện. Hoạt động của Ngành từ quản lý hành chính sự nghiệp chuyển sang hoạt động có kinh doanh. Đến tháng 9/1955, theo chỉ thị của Ban Bí Thư Trung ương Đảng, Tổng Cục Bưu Điện được giao thêm nhiệm vụ phát hành báo chí.
Nhiệm vụ đấu tranh lập quan hệ thư tín Bắc – Nam, đòi đối phương thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Tuy địch không hợp tác, quyết trì hoãn nhưng cuối cùng phải nhận để nhân dân hai miền trao đổi bưu thiếp. Kết quả trong 3 năm (1955 – 1957), ta đã chuyển 748.761 bưu thiếp vào Nam và nhận từ trong Nam gửi ra 376.880 bưu thiếp.
Bước sang Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, chi viện cho miền Nam đánh thắng chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ, Bưu điện miền Bắc hoàn thiện cơ chế tổ chức và quản lý mạng lưới theo hướng chính quy hóa, tổ chức sản xuất kinh doanh theo phương thức xã hội chủ nghĩa.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 13/5/1961, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 63/CP tách Tổng cục Bưu điện ra khỏi Bộ Giao thông và Bưu điện đặt thành cơ quan trực thuộc Chính phủ. Ngày 9/2/1962, Hội đồng Chính phủ lại ra Quyết định số 12/CP giao thêm nhiệm vụ quản lý kỹ thuật các đài phát thanh và phát triển mạng lưới truyền thanh địa phương. Tổng cục Bưu điện đổi tên là Tổng cục Bưu điện Truyền thanh.
Vượt qua mọi khó khăn, với ý chí tự lực tự cường lại được sự giúp đỡ nhiệt tình của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, trong khoảng 10 năm (1954 – 1965), tổng chiều dài mạng lưới điện chính là: 19.147 km đường cột, 36.645 km đôi dây, 600 km đường cáp thông tin khớp nối liên lạc từ trung ương xuống các địa phương với nhiều đường vu hồi liên tỉnh, liên huyện. Đường cấp I, 100% được tải ba hóa. Hệ thống Vô tuyến điện đã nâng lên 323 máy với công suất gấp hàng chục lần tạo thành một mạng liên lạc hoàn chỉnh với 70 đối tượng trong nước và vươn xa ra thế giới. Mạng thông tin bưu chính năm 1965 là 41.570 km, trong đó đường thư cơ giới (kể cả máy bay) chiếm 50%. Đặc biệt là đã xây dựng hệ thống Bưu điện chuyên trách phục vụ Trung ương Đảng chỉ đạo cuộc chi viện cho miền Nam.
Về mặt quan hệ quốc tế, từ năm 1957, Bưu điện Việt Nam là thành viên của Tổ chức hợp tác tương trợ giữa các nước xã hội chủ nghĩa (OCC), mở rộng quan hệ và được các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ nên có điều kiện vươn lên phát triển nhanh hơn.
Thành tích 10 năm phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngành Bưu điện đã xuất hiện hàng trăm đơn vị tiên tiến, tiêu biểu là hai đơn vị lao động XHCN hàng chục năm liền: tổ phát thư Bưu điện Hải Phòng và Tổ báo Vụ nội A Bưu điện Hà Nội. Hai cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động: Nguyễn Toản, Tổ trưởng tổ đường dây Bưu điện Nghệ An và Châu Văn Huy, cán bộ kỹ thuật Bưu điện Hà Nội.
Thông tin liên lạc thời kỳ chống Mỹ

Ông Phạm Ngọc Tuất - Bưu điện Thanh Trì dũng cảm nối dây thông tin
tại khu vực có bom nổ chậm ở Văn Điển – Hà Nội
Ở Miền Bắc (1965 – 1975)
Thất bại trong chiến lược chiến tranh đặc biệt, Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ ở miền Nam, mở rộng và kéo dài chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Mục tiêu bắn phá của địch trên cả đường không, đường bộ và đường thủy, nhằm phá hoại giao thông, liên lạc trong đó có mạng lưới bưu chính, viễn thông. Để đảm bảo vừa củng cố vừa phát triển mạng lưới bưu điện phục vụ tốt trong tình hình mới, ngành Bưu điện đã kịp thời chyển dịch, sơ tán, phân tán các cơ sở bưu điện từ trung ương đến các huyện, xã, vừa cải tạo, vừa xây dựng củng cố và phát triển các đường thư, đường điện, tổng đài…
Lịch sử đã ghi những dấu son đỏ chói về những chiến công của anh chị em ngành Bưu điện không ngại hy sinh, không sợ gian khổ bảo đảm vận hành toàn tuyến thông tin Bắc Nam phục vụ chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm”, chống địch đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, một trong những kỳ tích được ghi nhận là: Trong khi Mỹ ra sức bắn phá miền Bắc, mạng lưới vi ba RVG950, BM400, BM405 vẫn được hoàn thiện và bảo vệ đưa vào khai thác các tuyến Hà Nội – Quảng Ninh, Hải Phòng – Hải Dương, Thái Bình – Nam Định và Việt Trì – Tam Đảo…, lấy núi Yên Phụ làm trạm trung gian chuyển tiếp tuyến vi ba 400 kéo vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh, sẵn sàng tiếp nối, hòa mạng với chiến trường B.

Điện thoại viên Lại Thị Thơ, Hoàng Thị Ríu
đã dũng cảm nối thông tin giữa trận máy bay Mỹ ném bom xuống khu vực Đông Anh (1966)
Về thông tin bưu chính, những năm 1970 đã có 19 tỉnh nhận được thư báo sau 2 ngày, 4 tỉnh nhận được sau 3 ngày, 2.587 xã nhận được thư báo trong ngày… Giá trị tổng sản lượng sản xuất công nghiệp năm 1975 gấp 2,7 lần năm 1964. Riêng số dây thông tin bọc nhựa tăng từ 3.000 km năm 1971 lên hơn 20.000 km năm 1975. Cột tre, cột gỗ được thay bằng cột bê tông.
Đối với yêu cầu phục vụ cách mạng miền Nam, thông qua Ban Thống nhất, ngành Bưu điện đã nhiều lần chi viện, cán bộ, công nhân nhất là báo vụ, cơ công, vô tuyến, đào tạo được trên 2.000 công nhân các loại cử vào phục vụ miền Nam cùng với thiết bị vật tư theo yêu cầu của chiến trường.
Trải qua 10 năm (1965 – 1975), vừa phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, vừa phải chi viện cho ngành thông tin liên lạc miền Nam, Bưu điện miền Bắc đã cố gắng lớn về nhiều mặt và được nhà nước ghi nhận. Tiêu biểu là hai đơn vị anh hùng: Đội bảo vệ đường dây Bưu điện Quảng Bình và Đội dây máy Bưu điện Vĩnh Linh, và 2 cá nhân anh hùng lao động: Hoàng Trung Vinh, công nhân cơ điện nhà máy thiết bị Bưu điện, và Nguyễn Văn Số, Đội trưởng đội bảo dưỡng đường dây Bưu điện Quảng Bình. Các cá nhân điển hiình như: liệt sĩ Lê Tiến Qua, thợ dây Công ty công trình Bưu điện Trung ương, các chiến sĩ điện thoại, điện báo Vi Thị Mến, Nguyễn Thị Thu Thủy (Bưu điện Quảng Ninh), Lê Hùng, thợ dây (Bưu điện Quảng Ninh), Nguyễn Thị Minh Sính, Nguyễn Thị Thu Lanh.
Thông tin liên lạc cách mạng ở miền Nam (1954 – 1975)
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, từ Trị Thiên tới khu V, khu VI, nơi trước đây thời kháng chiến chống Pháp còn có một vùng tự do rộng lớn, nay phút chốc biến thành tù ngục của thực dân. Chúng tiến hành tố cộng, diệt cộng, lê máy chém đi khắp nơi để giết hại đồng bào ta. Trong tình hình mới, lực lượng thông tin liên lạc kháng chiến tạm thời rút vào hoạt động bí mật. Bộ máy tinh giản, gọn nhẹ, cơ động cho phù hợp với điều kiện mới.

Giao bưu vận đi công tác trên chiến trường miền Tây Nam Bộ
Từ năm 1960, nhất là sau thắng lợi liên tiếp của phong trào đồng khởi sâu rộng cả miền Nam, sau khi mặt trận dân tộc giải phóng ra đời, tổ chức và đội ngũ thông tin liên lạc cũng từng bước được tăng cường, luôn luôn “gắng lòng, chia lửa” với đồng bào. Những trang sử hào hùng của thông tin giao bưu ở đây được viết bằng máu của các chiến sĩ luồn rừng, vượt núi, nối mạch Trường Sơn để cho “mệnh lệnh” của Trung ương tới Trung, Nam, để cho “cán và quân chi viện” tới được chiến trường, để cho “vũ khí, quân nhu, hậu cần” vào được nơi trận địa xung yếu nhất. Gian khổ “soi đường”, hy sinh “nối mạch” là những “khái niệm lịch sử” ít người biết đến đã xuất hiện ở đây.
Đến năm 1962, theo chủ trương của Trung ương Cục, ngành Giao bưu và ngành Thông tin chính thức được thành lập, với hệ thống dọc từ trung ương cục đến tỉnh, huyện. Đội ngũ cán bộ, công nhân phát triển khá nhanh. Năm 1960, toàn ngành Giao Bưu chỉ có mấy trăm người, năm 1971 đã có gần 10.000 người; ngành Thông tin năm 1960 mới có 49 người, năm 1971 đã lên tới 1.200 người. Ngành Giao bưu đã có nhiều công sức trong việc mở đường giao liên vượt Trường Sơn để đưa đón cán bộ, bội đội, chuyển vận vũ khí, đạn dược, lương thực… từ Bắc vào Nam. Nhiều nữ chiến sĩ giao bưu đã hy sinh cả hạnh phúc gia đình để giữ mạch thông tin giao bưu không đứt như chị Nguyễn Thị Lệ, 7 năm liền trên chiến trường Quảng Trị, mỗi ngày phải vượt dốc đá tai mèo dựng đứng, gùi cõng văn tài liệu trên vai. Máy bay B52, thả bom trúng nhà trạm, đồng đội hy sinh một mình chị lo chôn cất. Bốn ngày liền, thân gái một mình trên một quả đồi trơ trọi, chị vẫn không rời trận địa vì chưa có lệnh được rút đi nơi khác.
Chị Huỳnh Thị Thuận giao bưu Quảng Nam bị địch bắt đưa lên trực thăng để đưa về đồn tra tấn. Chị đã nuốt tài liệu rồi nhảy xuống đất tự tử.
Sau khi Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, ngành Giao bưu đã làm nhiệm vụ mở tuyến đầu cầu giữa 2 miền Nam – Bắc, cùng một số ngành và bộ đội Trường Sơn hoàn thành việc đưa dẫn cán bộ, bộ đội chuyển vận vũ khí, hàng hóa với khối lượng rất lớn từ Bắc vào Nam chuẩn bị cho việc giải phóng miền Nam.
Ngành Thông tin (Vô tuyến điện) tuy hoạt động trong một chiến trường bị chia cắt rất nặng nề, nhưng với ý chí đầy sáng tạo và kiên cường… nhanh chóng, củng cố, ổn định bộ máy tổ chức, phát triển mạng lưới. Năm 1963, toàn miền chỉ có một cụm đài gồm từ 2 – 4 đài, liên lạc với 16 đối tượng, đến năm 1969 đã liên lạc với 42 đối tượng và năm 1974 nâng lên 46 đối tượng. Khối lượng cũng phát triển mạnh. Năm 1968, mỗi tháng toàn miền chỉ lưu thoát khoảng 3.000 đến 4.000 bức điện báo, thì cuối năm 1973, mỗi tháng lưu thoát tời 80.000 bức. Trong điều kiện bị địch phong tỏa, anh chị em đã tự lực, phát huy sáng kiến, tự sửa chữa, lắp ráp thiết bị, phương tiện thông tin. Toàn miền có gần 300 máy thu phát hoạt động và dự phòng thì gần 250 máy là tự lắp ráp.
Từ năm 1966, để hỗ trợ cho thông tin vô tuyến, mạng thông tin hữu tuyến cũng được xây dựng ở vùng căn cứ Trung ương Cục. Đến năm 1972, mạng điện thoại đã có tới 300 km đôi dây, với 3 tổng đài 30 số và hàng trăm máy lẻ phục vụ.
Qua hơn 20 năm chiến đấu vô cùng gay go, gian khổ với đế quốc Mỹ, ngành Bưu điện đã có 4.419 người hy sinh và trên 2.000 người bị thương trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc. Ngành Giao bưu được tặng thưởng 1.399 Huân chương các loại và ngành Thông tin được thưởng 551 Huân chương. Cả hai ngành được trên 4.000 bằng khen “Dũng sĩ”. Điều đó đã khẳng định những đóng góp quan trọng của Ngành Thông tin liên lạc cách mạng miền Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Thống nhất mạng lưới, đổi mới và hiện đại hóa mạng lưới thông tin
Thống nhất và hiện đại hóa mạng lưới (1976 – 2000)
Từ chiến tranh, chuyển sang hòa bình, từ đất nước bị chia cắt, tiến lên thống nhất cả nước, nhu cầu mọi mặt đòi hỏi rất lớn. Mặc dù có những khó khăn mới, ngành Bưu điện đã khẩn trương tiếp quản và bảo vệ các cơ sở thông tin bưu điện của Mỹ Ngụy, sớm tiến hành thống nhất tổ chức và quản lý ngành trong phạm vi cả nước (8-1976). Phát huy tinh thần tự lực tự cường tận dụng 3 thế mạnh là: Lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật và sự hợp tác quốc tế, đẩy mạnh tốc độ xây dựng và phát triển để hình thành mạng lưới bưu điện trong phạm vi cả nước, từng bước phát triển toàn bộ hợp lý theo hướng hiện đại hóa.
Hoạt động bưu chính trên phạm vi cả nước đã có 1.840 bưu cục với 8.477 trạm xã. Từ đường trục Bắc Nam đến các đường nội tỉnh, nội huyện đều được tăng cường xe chuyên dùng của Ngành, vừa tận dụng phương tiện xã hội như ô tô, xe lửa, tàu thủy, máy bay. Do đó đã nâng cao chất lượng phục vụ.
Về thông tin điện chính, đã hoàn thành xây dựng đường thông tin hữu tuyến Hà Nội – TP. HCM – Minh Hải với 2.080 km đường cột, 11.980 km đôi dây tạo điều kiện nối thông tin liên lạc điện thoại, điện báo trực tiếp từ trung ương đi hầu hết các tỉnh phía Nam. Lần đầu tiên thực hiện liên lạc điện báo thoại thành công giữa Trung ương với 437 huyện trong tổng số 473 huyện cả nước. Năm 1980, với sự giúp đỡ của Liên Xô, đài thông tin vệ tinh mặt đất Hoa Sen I xây dựng thành công và đưa vào sử dụng. Tiếp theo khoảng 4 năm, năm 1985, đài thông tin vệ tinh mặt đất Hoa Sen II cũng được xây dựng tại TP. HCM và hoàn thành đưa vào sử dụng kịp phục vụ trong dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng hoàn toàn miền Năm (30/4/1985).
Từ tháng 10/1987, ngành Bưu điện lại tiếp nhận quản lý kỹ thuật truyền dẫn tín hiệu phát sóng phát thanh và truyền hình. Đây là lần thứ hai ngành Bưu điện được Nhà nước giao nhiệm vụ này.
Tuy đạt được một số thành tích, nhưng nhìn chung Bưu điện Việt Nam đến thời điểm trước đổi mới (từ 1975 – 1986) còn ở trong tình trạng quá lạc hậu, yếu kém cả về cơ sở vật chất, kỹ thuật lẫn phương thức kinh doanh…. Sau Đại hội lần thứ VII cùng các Nghị quyết của Trung ương đã chỉ ra phương hướng cơ bản cho ngành Bưu điện là: “Nâng cao năng lực, chất lượng phục vụ và giảm nhẹ tình trạng lạc hậu về thông tin liên lạc, hiện đại hóa những khâu có điều kiện”.
Đi theo hướng này, đến Đại hội Đảng lần thứ VII, phương hướng phát triển của Ngành Bưu điện lại được cụ thể hóa thêm một bước: “Hiện đại hóa và nâng cao năng lực Bưu điện quốc tế và trong nước, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt đến nông thôn, miền núi, hải đảo, chú trọng xây dựng công nghiệp sản xuất thiết bị Bưu điện”.
Để thực hiện hướng chiến lược “đi thẳng vào công nghệ hiện đại, bỏ qua trung gian”, Ngành tập trung để ra một hoạt biện pháp tìm tòi con đường tạo vốn, thực hiện phương thức đầu tư có trọng điểm “lấy ngoài nuôi trong”, thực hiện chuyển dịch cơ cấu, đổi mới cơ chế quản lý kinh doanh, tạo thế và lực cho Ngành trưởng thành. Phương thức vi ba số và cáp quang, tổng đài điện tử đã nhanh chóng thay thế dây trần, viba analog. Đến năm 1995, toàn bộ mạng cấp I đã được trang bị truyền dẫn viba số và cáp quang băng rộng. Năm 1995, đã lắp đặt hoàn chỉnh mạng cáp quang biển quốc tế 566Mb/s (Việt Nam – Thái Lan – Hồng Kông) với dung lượng 7.000 kênh mỗi hướng, đưa vào khai thác từ năm 1996. Ngay sau khi Mỹ bỏ cấm vận Ngành đã nâng cấp cáp quang từ 34Mb/s lên 2,5Gb/s Hà Nội – TP. HCM 1.843 km. Mạng vòng cáp quang SDH 2,5Gbit/s cho hai thành phố Hà Nội và TP. HCM. Mạng truyền dẫn cấp II cũng được sử dụng thiết bị truyền dẫn số.
Về chuyển mạch, Ngành tập trung mở rộng dung lượng cho hầu hết các tổng đài tỉnh, thành phố. Đến cuối năm 1995, 53/53 tỉnh, thành phố, 100% số huyện được trang bị tổng đài điện tử số, 463/495 huyện (93,5%) được trang bị truyền dẫn số, kết nối lại với nhau, liên tục với nhau một cách tự động.
Quá trình hiện đại hóa, ứng dụng và đón bắt những tiến bộ của công nghệ viễn thông và tin học trên mạng viễn thông nước ta đã tạo điều kiện phát triển mạng viễn thông quốc tế.
Trước năm 1980, cả nước có hai trung tâm liên lạc viễn thông quốc tế là Hà Nội và TP. HCM. Tất cả đều dùng thông tin vô tuyến sóng ngắn. Các tổng đài quốc tế đều sử dụng loại nhân công (từ thạch). Mạng viễn thông quốc tế cũng chỉ cung cấp được hai dịch vụ: điện thoại nhân công và điện báo.

Trạm thông tin vệ tinh mặt đất Hoa Sen
Tháng 7/1980 lần đầu tiên trạm thông tin vệ tinh mặt đất Hoa Sen I được đưa vào sử dụng ở nước ta, đánh dấu bước ngoặt trong việc phát triển viễn thông quốc tế của Việt Nam. Tháng 4/1985, trạm Hoa Sen 2 tại TP. HCM được khánh thành, đưa vào phục vụ trong dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1985). Từ sau năm 1987 trở đi, là giai đoạn cực kỳ quan trọng. Mạng Viễn thông quốc tế được phát triển theo hướng kỹ thuật hiện đại. Đến năm 1992, ngành Bưu điện đã xây dựng và đưa vào 3 trạm vệ tinh mặt đất thuộc hệ Intelsat và hai tổng đài điện thoại quốc tế. Nhờ đó, đến giữa năm 1995, chúng ta đã mở được 1.647 kênh quốc tế và cuối năm tăng lên trên 2500 kênh trong đó có gần 300 kênh trực tiếp đi Mỹ để có thể kết nối tự động với 600 triệu máy điện thoại, các dịch vụ viễn thông khác với các nước trên thế giới.

Lắp đặt tổng đài điện thoại tự động 3000 số đầu tiên tại Hà Nội
Tính đến cuối năm 1994, Viễn thông Việt Nam đã hòa mạng trực tiếp với 35 nước trên thế giới, trên 40 hướng, có quan hệ viễn thông với gần 200 nước và là thành viên của 7 tổ chức Viễn thông quốc tế.
Song song với việc phát triển kỹ thuật hiện đại trên mạng thông tin đã tạo cho các dịch vụ mới ra đời như fax, truyền đưa số liệu, phát thư nhanh, điện hoa… Tuy vậy, hoạt động dịch vụ bưu chính – viễn thông vẫn còn nhiều hạn chế, mật độ điện thoại nói chung còn thấp, chủ yếu tập trung ở các thành phố, thị xã. Mức độ dự phòng của mạng lưới chưa cao…
Thực hiện chủ trương của Đảng: “Tiếp tục phát triển và hiện đại hóa mạng thông tin liên lạc quốc gia, mở liên lạc điện thoại đến hầu hết các xã: “Ngành Bưu điện bước vào thực hiện giai đoạn II (1996 – 2000) Xây dựng cơ sở mạng lưới hiện đại và sâu rộng hơn, đa dạng các loại dịch vụ.
Trên mạng bưu chính, ngoài việc mở thêm 51 bưu cục trong đó có 41 bưu cục ở vùng nông thôn, còn có 5.076/9000 xã có điểm Bưu điện. Đầu tư thêm 100 xe ô tô để bổ sung cho mạng đường thư cấp I và cấp II, nâng tổng số xe ô tô vận chuyển bưu chính lên 537 xe, bảo đảm vận chuyển chuyên ngành 100% mạng đường thư cấp I và 70% mạng đường thư cấp II, rút ngắn thời gian toàn trình về chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện giữa các tỉnh lỵ của các tỉnh, thành phố từ 5 – 7 ngày xuống còn từ 3 – 5 ngày. Các dịch vụ tiếp tục được mở rộng. Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam chính thức cung cấp dịch vụ thư điện tử của Việt Nam (VNEmail), Dịch vụ EMS đã mở với 49 nước. Đến cuối năm 1999, đã có 2980 bưu cục trong toàn quốc, 7 điểm truyền in báo từ xa để hợp lý hóa khâu vận chuyển, rút ngắn hành trình, thời gian đưa báo đến tay người đọc 60/61 tỉnh, thành phố 90,8% huyện, thị xã và 76,7% xã có báo Nhân dân và Quân đội nhân dân trong ngày.

Người dân sử dụng các dịch vụ BCVT tại điểm BĐ-VH xã Sơn Cẩm, Thái Nguyên
Về thông tin Viễn thông: với xu thế hội nhập giữa Viễn thông – Tin học – Truyền thông và Toàn cầu hóa dịch vụ để đủ sức cạnh tranh, tiến vào thế kỷ mới, mạng viễn thông tiếp tục được đầu tư, áp dụng các công nghệ thông tin mới, hướng tới đa phương tiện, đa dịch vụ
Nắm bắt những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại của thế giới, đặc biệt là công nghệ thông tin, ngành Bưu điện tiếp tục đầu tư đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trên cơ sở mở rộng quan hệ quốc tế để thu hút vốn và công nghệ. Kết quả đến năm 2000, Việt Nam là một trong 30 nước có trên 2 triệu máy điện thoại (tổng số thuê bao của Việt Nam là 3.286.405 đạt mật độ 4,16 máy/100 dân, trong đó thuê bao cố định là 2.556.255, thuê bao di động trả tiền trước là 510.046 thuê bao, thuê bao di động trả tiền sau là 242.636 thuê bao); đứng thứ hai trên thế giới về tốc độ phát triển. Mạng viễn thông Việt Nam tăng từ 7 lên 8 trạm thông tin vệ tinh mặt đất, các tuyến cáp quang biển, 3 tổng đài cửa ngõ với 5.764 kênh liên lạc quốc tế, trung bình mỗi năm đã chuyển tải trên 400 triệu phút liên lạc quốc tế. Dịch vụ ngày càng mở rộng. Đã có 80 đối tác ký thỏa thuận dịch vụ và 25 đối tác khai thác chính thức với 3 mạng điện thoại di động của Việt Nam là Call Link, Vinaphone và Mobiphone.
Với trên 600.000 máy tính và hơn 60.000 thuê bao Internet, tin học – bưu chính – viễn thông Việt Nam ngày càng có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Mạng truyền dẫn được chú trọng đầu tư và nâng cấp, mở rộng cửa ngõ, tạo nền tảng vật chất và kỹ thuật cho sự phát triển mạnh mẽ của mạng thông tin diện rộng và Internet.
Công nghiệp bưu chính Viễn thông phát triển cả về chiều rộng và chiêu sâu. Hơn 10 liên doanh các dự án hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) đã được triển khai, chủ yếu tập trung vào dịch vụ viễn thông quốc tế, viễn thông nội hạt, thông tin di động. Ngành cũng có 22 nhà máy và xí nghiệp cung ứng hầu hết các sản phẩm chính cho mạng lưới, đáp ứng được 40% nhu cầu trong nước và xuất khẩu gần 10 triệu USD.
Thành quả đạt được các giai đoạn lịch sử cách mạng và thời kỳ đổi mới của Ngành Bưu điện Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và tặng thưởng các Huân chương cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất. 11 đơn vị và 7 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 145 đơn vị được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân. Những phần thưởng cao quý, chính là sự xác nhận cho những nét đẹp truyền thống của các thế hệ cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện: Trung thành, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình.
Hội nhập và phát triển
Qua các giai đoạn lịch sử cách mạng và thời kỳ đổi mới ngành Bưu điện Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân đánh giá cao
Kết quả đạt được trong thời kỳ đổi mới đã cho phép ngành Bưu điện khẳng định dưới ánh sáng đổi mới kinh tế của Đảng, ngành Bưu chính Viễn thông đã tìm ra được hướng đi đúng, cần phát huy hơn nữa trong giai đoạn mới.
Bước vào thế kỷ XXI, trên nền tảng những thành tựu đã đạt được, ngành Bưu điện Việt Nam, nòng cốt là VNPT có nhiều cơ hội để phát triển, song cũng có nhiều thách thức. Trước nhất là về khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin, phát triển đã thu hẹp khoảng cách không gian và thời gian, toàn cầu hóa và hội nhập đã thực sự là xu hướng của thời đại, đặt các quốc gia trước cơ hội hợp tác ngày càng mở rộng. Sự hội tụ công nghệ thông tin, điện tử viễn thông (ICT) đưa thế giới tiến vào xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức. Các dịch vụ bưu chính viễn thông truyền thống không còn thỏa mãn nhu cầu. Trong những năm qua, hạ tầng bưu điện nước ta được hiện đại hóa một số bước đáng kể nhưng mới ở giai đoạn đầu. Nó đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới công nghệ với tốc độ nhanh để tránh nguy cơ lạc hậu mới thích ứng cho dịch vụ thông tin đa phương tiện. Khai thác thị trường cả về bề rộng lẫn bề sâu, cả trong nước và quốc tế. Ngay trong nước, hàng loạt công ty, tổng công ty, tập đoàn được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, thiết lập hạ tầng mạng viễn thông, dịch vụ phát thư dịch vụ chuyển phát, dịch vụ Internet,… tạo nên sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong lĩnh vực bưu chính viễn thông.
Để mạng thông tin quốc gia được thiết lập theo hướng đồng bộ, hiện đại, hợp lý, bắt nhịp được với sự phát triển của công nghệ bưu chính viễn thông khu vực và thế giới. Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã đề ra nhiệm vụ của Ngành trong giai đoạn 2001 - 2010 là: “Phát triển mạng lưới thông tin hiện đại và đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong hệ thống lãnh đạo, quản lý và các dịch vụ tài chính, thương mại, giáo dục, y tế và tư vấn… Mở rộng khả năng hòa mạng viễn thông với chi phí có khả năng cạnh tranh quốc tế…”

Điện thoại di động trở nên phổ cập
Trước mắt đến năm 2005 “mật độ điện thoại đạt 7-8 máy/100 dân. Phổ cập dịch vụ điện thoại đến 100% số xã trong toàn quốc” [10]. Nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính viễn thông. Trên cơ sở những chủ trương của Đại hội IX ngày 18/10/2001, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 158/2001/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển bưu chính viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2010”.
Để thực hiện chiến lược phát triển, chuyển từ kế hoạch tăng tốc sang hội nhập và phát triển, ngành Bưu điện xác định mục tiêu và nhiệm vụ của việc đổi mới tổ chức quản lý là một việc quan trọng. Cần phải tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng điều hành sản xuất, kinh doanh. Theo đó từ Tổng cực Bưu điện rồi đến Bộ Bưu chính Viễn thông và nay là Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, còn VNPT thực hiện chức năng cơ bản là quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên. VNPT từ Tổng công ty 91 từng bước thực hiện quá trình đổi mới cơ chế quản lý theo lộ trình chung và nay là Tập đoàn VNPT nhanh chóng, tích cực xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông, tin học quốc gia tiên tiến hiện đại với tiêu chí “Tiên tiến – tương thích – toàn cầu” đáp ứng xu thế hội tụ viễn thông – tin học –phát thanh – truyền hình, đa phương tiện.

Trên cơ sở quy hoạch, cấu trúc mạng viễn thông đã được phê duyệt, VNPT tiếp tục nâng cấp, mở rộng mạng viễn thông quốc tế, liên tỉnh, nội tỉnh, thực hiện cáp quang hóa đường trục, từng bước cáp quang hóa đến từng thuê bao. Hướng phát triển mạng lưới là tập trung vào 3 mạng: Mạng cố định, mạng băng rộng và mạng di động. Mạng cố định triển khai theo công nghệ NGN và kết hợp triển khai IMS khi có nhu cầu. Mạng di động tập trung lõi mạng NGN và tổng đài Softwitch và IP-core sẵn sàng cho triển khai mạng truy nhập 3G.
Mạng viễn thông quốc tế được tăng cường nhanh về dung lượng, nâng cao về chất lượng các tuyến cáp quang trên biển và trên đất liền, thay thế dần các kênh vệ tinh đi quốc tế. Đến năm 2005 đã có 4 tuyến cáp quang, 8 trạm thông tin vệ tinh mặt đất, 231 trạm VSAT đầu cuối các loại và một số tuyến cáp quang biển nối tiếp đến các quốc gia. Đặc biệt ngày 27/11/2009, tuyến cáp quang biển AAG Việt Nam băng rộng, tốc độ cao với tổng chiều dài 20.000 km với dung lượng đạt 2 Terabit/s có khả năng hỗ trợ cùng một lúc 130.000 đường truyền tín hiệu truyền hình độ phân giải cao được đưa vào khai thác, tạo thuận lợi cho việc triển khai những dịch vụ, ứng dụng băng thông rộng như IP, video, truyền số liệu và các dịch giải trí đa phương tiện.
Cũng trong tháng 11/2009, VNPT tham gia xây dựng hệ thống cáp quang biển quốc tế APG (Asia Pacific Gateway) với chiều dài 8.000 km kết nối Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Philippin, Singapore và Ma-lai-xia đáp ứng nhu cầu trao đổi dữ liệu tăng nhanh, đồng thời dự phòng các tuyến cáp quang hiện tại.
Cùng với nâng cấp hệ thống truyền dẫn, hệ thống tổng đài cổng quốc tế được trang bị thiết bị thế hệ mới: hệ thống VoIP, hệ thống cổng báo hiệu quốc tế và phát hình quốc tế được nâng cấp. Đến năm 2008, có 3 Tổng đài loại AXE-105 Transgate 3, sử dụng báo hiệu C7 kết nối trực tiếp với 41 hướng liên lạc quốc tế.
Về mạng viễn thông trong nước, cuối năm 2004, VNPT chính thức đưa mạng viễn thông thế hệ mới NGN vào khai thác. Đây là bước chuyển quan trọng và căn bản về công nghệ mạng, đáp ứng sự hội tụ giữa thoại và số hiệu, giữa cố định và di động, phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ của thế giới, tạo điều kiện cho việc triển khai nhiều dịch vụ một cách đa dạng, nhanh chóng với giá cước thấp.
Cuối năm 2005, trạm cổng VSAT-IP (IPSTAR) quốc tế đầu tiên được đưa vào khai thác. Đây là giải pháp băng rộng không dây hiện đại, giúp mở rộng dịch vụ viễn thông và Internet tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giúp VNPT sớm hoàn thành kế hoạch đưa điện thoại đến 100% số xã trong toàn quốc. Các tuyến cáp quang đều được mở rộng. Hai tuyến cáp quang Bắc – Nam vừa đầu tư nâng cấp thiết bị truyền dẫn với dịch vụ băng rộng, vừa mở dung lượng lên 40 Gb/s, tiếp đó là 80 Gb/s và 120 Gb/s, tạo điều kiện đa dạng hóa các loại dịch vụ, nhất là dịch vụ băng thông rộng.
Mạng thông tin di động tiếp tục duy trì tăng trưởng cao. Bên cạnh việc tiếp tục phát triển mạng 2G, cả Vinaphone và Mobiphone đều triển khai dịch vụ 3G. Vinaphone thí điểm triển khai công nghệ GPRS, EDGE, trở thành mạng di động đầu tiên của Việt Nam phủ sóng in-building. Hệ thống công nghệ truyền dẫn tốc độ cao WiMAX từng bước được đưa vào ứng dụng. Hệ thống điện thoại di động trả trước cũng được nâng cấp lên công nghệ mạng thông minh IN. Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quang Đảng, Nhà nước và Chính phủ bảo đảm chất lượng ổn định với 02 Tổng đài ISDN tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cùng 6 tổng đài độc lập ở các tỉnh, đảm bảo chất lượng ổn định. Năm 2009, mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước được xếp là một trong 10 sự kiện lớn của VNPT.
Đặc biệt là trải qua nhiều khó khăn về thủ tục và kỹ thuật, đúng 5 giờ 15 phút ngày 19/4/2009 vệ tinh Vinasat-1 được phóng thành công lên vũ trụ, đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử ngành viễn thông Việt nam. Đây là vệ tinh có công nghệ hiện đại với dung lượng truyền dẫn trên 10.000 kênh thoại, Internet, truyền số liệu với trên 200 kênh truyền hình chất lượng cao, sẽ giúp cho việc đưa các dịch vụ viễn thông, Internet và truyền hình đến tất cả mọi vùng của đất nước. Nó cũng khẳng định chủ quyền Việt Nam trong không gian, nâng cao vị thế Việt Nam nói chung và viễn thông, công nghệ thông tin Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.
Cùng với hiện đại hóa mạng viễn thông, mạng bưu chính, phát hành báo chí cũng được củng cố, mở rộng và nâng cao chất lượng. Năm 2009 với 3 bưu cục khai thác quốc tế, 92 đường thư quốc tế, VNPT đảm bảo cung cấp tất cả các dịch vụ bưu chính truyền thống và dịch vụ mới tại các thị trường trong khu vực và trên thế giới. Mạng đường thư trong nước bảo đảm kinh doanh ổn định trên phạm vi toàn quốc. Bán kính một điểm phục vụ rút từ 3,65 km với 9.753 người năm 2000 xuống 2,30 km với số dân 4.380 người năm 2008.
Đổi mới doanh nghiệp
VNPT được tổ chức sắp xếp hoạt động theo mô hình mạnh của Nhà nước (Tổng công ty 91) từ năm 1995 tuy đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, song khi bước vào thời kỳ xã hội thông tin với xu thế hội tụ công nghệ, hội nhập và ngày càng cạnh tranh gay gắt thì mô hình Tổng công ty 91 và chế độ kế hoạch hóa toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh tỏ ra không phù hợp. Còn phải “sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” như nghị quyết của Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp Hành Trung ương Đảng khóa IX. VNPT được xây dựng, tổ chức lại, chuyển sang mô hình Tập đoàn kinh tế. Theo đó từng bước tách bưu chính ra hoạch toán kinh doanh độc lập. Tiếp theo ngày 04/2/2006, chính phủ ban hành Quyết định số 06/2006/QĐ-TTg về việc thành lập công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Ngày 26/3/2006, Tập đoàn chính thức đi vào hoạt động.
Sau khi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đi vào hoạt động, ngày 01/6/2007, Thủ tướng ký Quyết định số 674/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) là Tổng công ty nhà nước do Nhà nước quyết định thành lập. VNPost chính thức hoạt động theo mô hình mới từ ngày 01/01/2008, nằm trong quá trình chia tách bưu chính với viễn thông, việc ra mắt này hình thành đầy đủ mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh bưu chính và tổ chức quản lý mạng viễn thông nội hạt, tạo tiền đề để cả hai lĩnh vực bưu chính –viễn thông cùng phát triển.
Thành quả đạt được trong 90 năm (nếu tính công tác giao thông liên lạc từ thời Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội (1925) hay 70 năm ngày truyền thống (15/8/1945), qua các giai đoạn lịch sử cách mạng và thời kỳ đổi mới ngành Bưu điện Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân đáng giá cao. Nhất là 30 năm đổi mới (1986- 2015) ngành Bưu điện đã nêu cao truyền thống dũng cảm hy sinh, hăng say lao động sản xuất, hiện đại hóa và nâng cao năng lực bưu điện, xứng đáng là một ngành kết cấu hạ tầng có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Để ghi nhận những thành tích đã đạt được của ngành Bưu điện, Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 16 tập thể và 7 cá nhân, cùng với 50 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân chương cao quý khác. Với những kinh nghiệm và truyền thống tốt đẹp, Ngành Bưu điện đang ra sức phấn đấu, tiếp tục xây dựng Ngành vững mạnh, toàn diện, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu nước mạng, xã hội công bằng, dân chủ và công minh.
(Nguồn:tapchibcvt.gov.vn)
Tiêu đề bài viết do Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử đặt