Làng Nam Cường là một trong ba làng thuộc xã Tam Đồng -
huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay làng có 398 hộ
dân với 2100 nhân khẩu, trong đó có 1213 người trong độ
tuổi lao động. Diện tích đất nông nghiệp của làng hiện
nay chỉ vào khoảng 85 ha. Tuy thuộc một huyện có tốc độ
phát triển công nghiệp nhanh trong mấy năm gần đây,
nhưng nhân dân xã Tam Đồng nói chung và làng Nam Cường
nói riêng vẫn chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp. Sản xuất
nông nghiệp một năm 2 vụ lúa và rau màu, ít trồng vụ
đông. Ngoài sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, làng còn
có nghề chính là đan bồ cót, sòng, quạt và một số vật
dụng khác.
Người
làng kể lại, Nam Cường vốn đã có nghề đan cót và đan bồ
từ lâu đời nay. Không một ai biết được nghề này có từ
bao giờ, chỉ biết rằng đó là nghề do ông cha để lại. Cho
đến tận bây giờ, vẫn chưa có tài liệu nào xác định lịch
sử hình thành của làng nghề, nhưng các cụ cao niên trong
làng cho biết: nghề đan cót đã tồn tại ở làng Nam Cường
từ hàng trăm năm nay. Người làng Nam Cường từ bao đời đã
có tính cần cù, tỷ mỉ và khéo léo. Thường khi những tiết
nông nhàn, người làng lại rủ đan lát rổ rá và nhiều vật
dụng. Lúc đầu, người ta chỉ tận dụng các nguyên liệu sẵn
có trong vườn nhà, hoặc những nguyên liệu dễ kiếm để làm
ra các sản phẩm phục vụ cho chính đời sống hàng ngày của
mình. Dần mãi sau này, các sản phẩm của Nam Cường đã
theo chân người làng sang các địa phương lân cận. Người
ta bảo nhau rằng: các sản phẩm của Nam Cường được làm
bằng thứ nguyên liệu tốt, qua bàn tay người thợ, sản
phẩm luôn đẹp và có độ bền cao, người ta càng dùng thì
càng thấy bền đẹp. Nhờ thế mà các sản phẩm đan lát thủ
công của Nam Cường đã có tiếng và được người dùng ưa
thích từ bao đời nay.
Dù có nghề phụ trong tay, nhưng suốt trong thời gian
dài, các sản phẩm của Nam Cường vẫn chỉ để phục vụ cho
chính cuộc sống của người làng. Số ít được mang ra trao
đổi, buôn bán nhưng lời lãi cũng không đáng kể. Thời bao
cấp đi qua, người dân quanh năm lam lũ, vất vả mà vẫn
không thoát cảnh nghèo, nghề làng tưởng như không còn
tồn tại. Những người say nghề, muốn giữ gìn nghề của ông
cha cũng chỉ làm cho đỡ quên nghề. Khi nền kinh tế thị
trường mở ra và mang theo một cơn gió mới, quê hương
Vĩnh Phúc nói chung và mảnh đất Tam Đồng có nhiều khởi
sắc, người ta bắt đầu muốn khôi phục và phát triển thêm
“kho báu” mà ông cha để lại, không chỉ vì những lợi ích
kinh tế mà còn vì truyền thống lịch sử và văn hoá. Không
để cho nghề truyền thống bị quên lãng, đời sống của
người dân chịu mãi cảnh nghèo, Đảng uỷ, UBND xã Tam Đồng
đã trăn trở để tìm ra hướng đi mới cho nghề và cho những
người làm nghề.
Mới
đầu, ngoài các sản phẩm đan lát truyền thống, lãnh đạo
xã đã hướng các gia đình làm nghề chuyển một phần sang
đan lát những mặt hàng mới bằng mây tre như lẵng đựng
hoa quả, giỏ đựng đồ… Sau dần, thấy ưu điểm của nghề mây
tre đan nhẹ nhàng, phù hợp với mọi lứa tuổi được người
tiêu dùng nhiều nơi yêu thích và mang lại hiệu quả kinh
tế cao, nhiều hộ gia đình đã thay đổi nghề đan cót ép
thành nghề mây tre đan và chuyển sang làm hàng mây xiên
xuất khẩu làm vệ tinh cho các công ty mây tre đan xuất
khẩu các tỉnh bạn hoặc để xuất khẩu. Chỉ trong vài ba
năm, đã có đến 60 – 70% các hộ gia đình trong làng
chuyển sang đan mây tre xiên. Giá trị một ngày công làm
hàng mây xiên cao hơn nghề đan cót truyền thống từ 2 đến
3 lần. Ở Nam Cường, hàng chục doanh nghiệp tư nhân, cơ
sở sản xuất và dạy nghề được hình thành, thu hút các lao
động không chỉ trong huyện, trong tỉnh.
Hiện
nay, nghề mây xiên ngày càng có nhiều triển vọng phát
triển. Nghề đan mây tre xiên cũng không quá phức tạp và
đòi hỏi cầu kỳ như nhiều nghề khác. Những người muốn làm
nghề chỉ cần chừng vài tháng ở một khoá đào tạo ngắn hạn
là đã có thể làm thành thục một sản phẩm thô dùng để
xuất khẩu. Để làm được một sản phẩm mây xiên xuất khẩu
thì điều cần nhất ở người làm là sự cần cù, tỉ mỉ và
khéo léo. Nguyên liệu để làm các sản phẩm xuất thô hiện
nay là song và sợi mây được nhập khẩu hoặc lấy từ các
tỉnh trong nước. Hầu hết các nguyên liệu này đều đã được
chế biến sẵn. Các cơ sở sản xuất lấy nguyên liệu này về,
rồi chia ra cho từng hộ, từng người đăng ký tuỳ theo mức
độ hoàn thành của mình. Tại đây, người ta tạo ra các sản
phẩm theo hình dáng, kích thước đã định sẵn. Sau khi
hoàn thành sản phẩm, họ sẽ trả lại cho cơ sở sản xuất để
hoàn thành nốt những khâu còn lại. Thông thường, một
người mới học nghề ra, trong một ngày có thể làm được 2,
3 sản phẩm hoàn chỉnh. Người ta có thể tận dụng làm tại
nhà, công việc lại không nặng nhọc, vất vả, không phải
bỏ chi phí đầu tư và lại cho thu nhập cao nên đã thu hút
được mọi tầng lớp tham gia từ các cháu thiếu niên đến
các cụ già. Nguồn lao động dôi dư và nhàn dỗi trong nông
nghiệp được tận dụng tối đa.
Có
nghề, đời sống của người dân làng Nam Cường thay đổi rõ
rệt, nhiều gia đình giờ đã khấm khá, không những không
phải lo ăn mà còn mua được Ti vi, tủ lạnh, xe máy… nuôi
các con ăn học đầy đủ. Anh Tạ Xuân Hinh - Chủ tịch Hội
nông dân xã Tam Đồng, một trong những người có công đem
nghề mây xiên về cho Nam Cường đã nói: Nam Cường vốn đã
có nghề đan lát từ lâu đời, thế nhưng dân làng vẫn còn
nghèo lắm. Người Tam Đồng không cam phận nghèo, chúng
tôi đã mày mò tìm kiếm đem nghề về cho người dân. Đến
nay, các cơ sở của chúng tôi vừa truyền nghề và tạo công
ăn việc làm cho hàng ngàn lao động không chỉ ở Vĩnh Phúc
mà cả ở Quảng Ninh, Hải Phòng”. Hàng vạn sản phẩm mỹ
nghệ của Tam Đồng đã được xuất khẩu sang thị trường: Mỹ,
Nhật, Đức, Italia,…Năm 2006, giá trị sản xuất của nghề
truyền thống đã chiếm 70% tổng giá trị sản xuất của
làng. Hiện nay, thôn cũng đã thành lập được một doanh
nghiệp đứng ra cung ứng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm
cho nhân dân. Mỗi một ngày công, với 2, 3 sản phẩm hoàn
thành thì thu nhập có thể được 40, 50 nghìn đồng. Làm
nghề này không phải đi xa, mát mẻ, cũng không vất vả.
Thu nhập bình quân mỗi tháng được trên 1 triệu đồng. Đời
sống nhân dân được cải thiện, tệ nạn xã hội trong thôn
xóm được đẩy lùi. Nhân dân yên tâm sản xuất và lao động,
đời sống thật yên bình.
Về Nam
Cường bây giờ, dù là vào ngày mùa, người ta thấy khung
cảnh tĩnh mịch của một làng quê khác với những làng quê
khác. Từng nhóm người tụm năm, tụm ba. Trong lúc những
bàn tay thoăn thoắt và khéo léo đan mây và song, họ vẫn
chuyện trò rôm rả, những câu chuyện làng trên, xóm dưới
và cả chuyện làm nghề./.
Thuỳ Linh