Những năm gần đây, tình hình tội phạm giết người, nhất là giết người do nguyên nhân xã hội diễn ra phức tạp. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, giai đoạn 2014- 2018, trên toàn quốc xảy ra 5.763 vụ giết người, trong đó 95% là các vụ giết người do nguyên nhân xã hội. Hậu quả làm 5.139 người chết, 1.894 người bị thương. Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 583 vụ giết người, tăng 9,8% so với cùng kì năm 2018. Phân tích các vụ án giết người cho thấy, 81% đối tượng gây án chưa có tiền án, tiền sự và trên 68% số đối tượng không có nghề nghiệp ổn định. Khoảng 62% các trường hợp nạn nhân có mối quan hệ trước với đối tượng, trong đó đáng lưu ý trên 20% nạn nhân là người thân trong gia đình. 55% các vụ án xảy ra ở nông thôn, 34% ở thành thị. Khoảng 80% các vụ giết người có nguyên nhân trực tiếp do mâu thuẫn thù tức, trong đó 40% là do mâu thuẫn trong sinh hoạt hằng ngày, 10% do mâu thuẫn tình ái, 5,8% do mâu thuẫn về kinh tế. Số vụ do mâu thuẫn bột phát nhất thời chiếm 24% nhưng đang có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, tính chất, mức độ và hậu quả thiệt hại của các vụ giết người ngày càng nghiêm trọng, có 588 vụ có từ 2 nạn nhân trở lên, nhiều vụ có có tính chất dã man, tàn bạo như chặt xác, đốt xác…Bên cạnh đó, thời gian gần đây, tình trạng người bị bệnh tâm thần, đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến hoang tưởng (gọi là “ngáo đá”) gây án cũng có chiều hướng gia tăng.

Trên địa bàn tỉnh, tình hình tội phạm giết người cũng có những diễn biến phức tạp. Chỉ tính số liệu của năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ giết người do nguyên nhân xã hội. Đã xảy ra một số vụ việc gây rúng động dư luận xã hội như vụ 2 đối tượng Trần Cao Thái và Nguyễn Văn Cường chém tử vong tại chỗ anh Nguyễn Minh Toàn ở thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên. Vụ đối tượng Nguyễn Văn Tám ở xã Đạo Tú, huyện Tam Dương xùng bình gas phóng hỏa giết người làm 3 nạn nhân trong cùng một gia đình thương vong; vụ Nguyễn Văn Thảo ở Yên Sơn (Tuyên Quang) và Nguyễn Khánh Hưng ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) giết cháu nhỏ 8 tuổi ở huyện Tam Dương từ mâu thuẫn trong làm ăn giữa các đối tượng với bố của cháu bé…

 Mặc dù thời gian qua, lực lượng công an đã có kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này nhưng hiệu quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ, làm chết 8 người, bị thương 3 người. Điều đáng chú ý của các vụ án giết người do nguyên nhân xã hội là, mặc dù các vụ án xảy ra cơ bản được điều tra làm rõ nhưng hậu quả để lại rất thương tâm. Nhiều vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình, khu dân cư, nếu những mâu thuẫn ấy được giải quyết sớm thì có thể phòng ngừa, ngăn chặn được án mạng xảy ra.

Để tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm giết người, nhất là giết người do nguyên nhân xã hội, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt các tiêu chí về an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới và các đề án xây dựng khu dân cư, tổ dân phố an ninh, an toàn; xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy. Đặc biệt là thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối tượng; quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng; quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Giao chỉ tiêu cho từng đơn vị trong công tác lập hồ sơ quản lý, giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn; thường xuyên kiểm danh, kiểm diện, gọi hỏi, răn đe các đối tượng côn đồ hung hãn, có tiền án, tiền sự về các tội liên quan đến hành vi bạo lực, giết người, đặc biệt là các đối tượng có biểu hiện đòi nợ thuê, bảo kê, đâm thuê, chém mướn. Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm; thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai tại các địa bàn phức tạp.

Tuy nhiên, để phòng ngừa hiệu quả các vụ trọng án do nguyên nhân xã hội, cùng với các biện pháp công tác của lực lượng công an còn rất cần sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội trong việc thực hiện hiệu quả đề án của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư” gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư; tăng cường quản lý học sinh, sinh viên, giáo dục đạo đức, kỹ năng ứng xử cho thanh thiếu niên; ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường. Các tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ liên gia tự quản, tổ hòa giải, tổ tự quản về an ninh trật tự; người có uy tín, vị thế trong gia đình, cộng đồng cần chủ động nắm và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nhất là các mâu thuẫn về kinh tế, đất đai, tình cảm, mâu thuẫn trong gia đình, không để kéo dài làm phát sinh tội phạm. Các ngành chức năng cũng cần tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý các loại hình kinh doanh sau 24h, có các giải pháp quản lý người tâm thần ở gia đình và ngoài xã hội./.

Minh Ánh