Từng bước số hóa công tác quản lý thị trường

00:00 30/11/2021

Thực hiện lộ trình chuyển đổi số trong thực thi công vụ, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước số hoá công tác quản lý thị trường, coi đó là một trong những giải pháp tạo sự đột phá trong quản lý, điều hành.

100% cán bộ, công chức Cục Quản lý thị trường tỉnh ứng dụng và xử lý thành thạo phần mềm xử lý văn bản trong giải quyết công việc

Sau khi được nâng cấp lên Cục Quản lý thị trường tháng 10 năm 2018 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã bám sát tình hình, bảo đảm đường dây nóng thông suốt từ lãnh đạo Cục tới các đội và duy trì tốt việc phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương trong công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm. Công tác chỉ đạo được thực hiện kịp thời, đúng hướng đã giúp lực lượng quản lý thị trường kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ vi phạm, góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Một trong những giải pháp quan trọng được Cục Quản lý thị trường triển khai thực hiện để tạo sự đột phá trong quản lý, điều hành là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước số hoá công tác quản lý thị trường. Theo đó, hoạt động quản lý, điều hành và hoạt động kiểm tra xử lý vi phạm hành chính được ưu tiên thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin. Cục đã đưa vào vận hành các ứng dụng trong xử lý công việc hằng ngày thông qua hộp thư điện tử (email.dms.gov.vn); ứng dụng phần mềm xử lý văn bản (office.dms.gov.vn); ứng dụng phần mềm hệ thống xử lý vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường (ins.dms.gov.vn); ứng dụng phần mềm quản lý công chức, người lao động (hr.dms.gov.vn); ứng dụng hệ thống phần mềm tài chính kế toán (fin.dms.gov.vn). Đến nay, 100% cán bộ, công chức đã cơ bản ứng dụng và xử lý thành thạo phần mềm xử lý văn bản trong giải quyết công việc được giao để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Theo ông Lê Hồng Duy, Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Cục Quản lý thị trường tỉnh: “Với việc đưa vào sử dụng phần mềm quản lý, điều hành cũng như xử lý công việc hằng ngày và trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, mọi công việc đều được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, có sự giám sát chặt chẽ từ Tổng cục đến Cục Quản lý thị trường. Dự kiến từ ngày 1/1/2022, theo chỉ đạo của Tổng Cục quản lý thị trường, các cán bộ, công chức trước khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đều phải xử lý trên hệ thống phần mềm với việc xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể. Mọi công việc sẽ được thể hiện trên phần mềm từ nội dung công việc đến tiến độ thực hiện và kết quả hoàn thành, góp phần tiện lợi, minh bạch trong quản lý, điều hành công việc chuyên môn từ cấp Tổng cục. Đến nay, công tác tuyên truyền cũng được số hóa, với việc thành lập website riêng để đăng tải mọi thông tin hoạt động, điều hành, các cuộc họp, văn bản, hướng dẫn chỉ đạo từ Tổng cục đến Cục Quản lý thị trường nhằm minh bạch hóa thông tin; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong thực thi pháp luật ở lĩnh vực này.”

Sau 3 năm hoạt động theo mô hình mới, khắc phục những khó khăn về nhân sự, thiếu thốn về trụ sở, kinh phí, trang thiết bị, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt vào các dịp lễ, tết, không làm gián đoạn chuyên môn. Riêng năm 2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện, thành phố trong việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính nhằm góp phần làm trong sạch thị trường, tạo môi trường lành mạnh, bình đẳng thu hút đầu tư phát triển kinh tế và bảo vệ quyền, lợi ích cũng như tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng, góp phần bảo đảm an ninh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa quá mức đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác chống dịch như lương thực, thực phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn,… góp phần ổn định thị trường. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý trên 600 vụ vi phạm; nộp ngân sách nhà nước hơn 2,1 tỷ đồng. Giá trị hàng hóa buộc tiêu hủy gần 1,5 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm tiêu hủy chủ yếu gồm: Khẩu trang giả, dây điện giả, giày dép, quần áo, đồng hồ giả mạo nhãn hiệu; thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm,...

Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chức năng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban chỉ đạo 389); kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh các chương trình, kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các lĩnh vực, mặt hàng, địa bàn trọng điểm để các sở, ngành và UBND huyện, thành phố triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đội quản lý thị trường huyện, thành phố trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, chỉ đạo các đội thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất UBND huyện, thành phố trong công tác quản lý thị trường trên địa bàn quản lý. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, từng bước số hóa công tác quản lý thị trường. Phấn đấu đến hết năm 2022 có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được cập nhật trên hệ thống quản lý.

Hồng Yến

 

Hồng Yến