Vĩnh Phúc cải thiện môi trường đầu tư.
Tránh tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả đang diễn ra khá phổ biến, Vĩnh Phúc tăng cường đầu tư chiều sâu một cách có chọn lọc. Một trong những lĩnh vực mà Vĩnh Phúc quan tâm kêu gọi đầu tư hiện nay là xây dựng khu đô thị mới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: "Cơ cấu kinh tế của Vĩnh Phúc đến năm 2010 chắc chắn nông nghiệp sẽ giảm xuống còn dưới 10%. Khi đó, 90% là công nghiệp và dịch vụ. Năm 2007, Vĩnh Phúc sẽ có ít nhất một khu đô thị sinh thái bền vững, hiện đại, với hình mẫu tiêu biểu mang tên Chùa Hà Tiên, bao gồm cả khu trung tâm thương mại, khu biệt thự, khu chung cư, thể dục thể thao, công viên...".
Phát triển đô thị là nhu cầu và cũng là yêu cầu thực tiễn khách quan. Trong quá trình tăng trưởng kinh tế, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế có vai trò hết sức quyết định. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ kéo theo chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông thôn nông nghiệp sang khu vực công nghiệp dịch vụ. Như vậy có nghĩa là do quá trình phát triển kinh tế và định hướng phát triển, mỗi địa phương, ngày càng thu hẹp nông thôn và khu vực thành thị, khu đô thị ngày càng mở rộng.
Vĩnh Phúc nắm bắt được quy luật đó và không ngừng kêu gọi các đối tác để tạo ra môi trường thu hút các nguồn vốn vào đầu tư công nghiệp. Đây chính là đòn bẩy cho việc phát triển đô thị. Như vậy, phát triển nhà ở khu đô thị là vấn đề tất yếu mà Vĩnh Phúc thực hiện trong quá trình chuyển dịch. Cái khó của Vĩnh Phúc là cơ cấu lao động nông nghiệp hiện nay xấp xỉ 70%. Vì thế, mục tiêu trước mắt là Vĩnh Phúc phải chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông nghiệp sang KCN, dịch vụ.
Theo ông Trịnh Đình Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ: "Việc xây dựng các khu đô thị có nhiều lợi ích; vừa để giải quyết nhu cầu ở, nhu cầu phát triển đô thị, đồng thời cũng là hình thức dùng Nhà nước để chuyển dịch theo quy hoạch, theo định hướng một cách "ép buộc", tránh tình trạng phát triển tự phát tràn lan làm ảnh hưởng đến môi trường xã hội đô thị. Vì thế, thận trọng trong từng bước đi ngay từ khâu quy hoạch là điều không thể thiếu trong phát triển đô thị ở Vĩnh Phúc".
Rộng mở cơ chế ưu đãi đầu tư
Chính sách ưu đãi ở Vĩnh Phúc không thực hiện thống nhất trên toàn bộ địa bàn. Điều tiết đầu tư trên địa bàn một cách hợp lý nhất là biện pháp mà Vĩnh Phúc tính đến ngay từ khi có hướng kêu gọi các đối tác đầu tư. Điều này có nghĩa là vùng nông thôn, vùng khó khăn sẽ được ưu đãi hơn là những vùng thuận lợi. Đây cũng chính là hình thức đưa dự án về nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ ở nông thôn. Việc làm này đảm bảo cho những người dù phải làm ở nhà máy xí nghiệp nhưng vẫn có điều kiện sinh hoạt tại nhà riêng, không phải thuê trọ.
Cụ thể là: các chế độ ưu đãi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào KCN sẽ được miễn tiền thuê đất, hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tiền vay, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động của tỉnh, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính. Chẳng hạn: dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tại địa bàn huyện Lập Thạch và các xã miền núi của các huyện Tam Dương, Mê Linh, Bình Xuyên được miễn thêm 8 năm. Đầu tư vào các KCN, cụm công nghiệp và các địa bàn khác được miễn thêm 5 năm.
Các dự án thoả mãn một trong các điều kiện sau đây được miễn 100% tiền thuê đất: Thứ nhất là đầu tư cho khu chung cư cao tầng (từ 3 tầng trở lên) để cho thuê, phục vụ KCN, cụm công nghiệp. Thứ hai là: đầu tư xây dựng các công trình văn hoá, thể thao, vui chơi, giải trí phục vụ nhân dân. Thứ ba là đầu tư chế biến nông sản, thực phẩm sử dụng trên 30% nguồn nguyên liệu tại Vĩnh Phúc... Đối với ưu đãi đầu tư cho khu đô thị thì các đô thị khác nhau có ưu đãi khác nhau. Chẳng hạn như ở Vĩnh Yên, hoặc một số huyện, trung tâm ở càng xa và ít có điều kiện hơn về các điều kiện hạ tầng việc xây dựng đô thị càng được hỗ trợ nhiều hơn. Có nghĩa là nhà nước sẽ thu tiền ít hơn những khu ở gần trung tâm. Ưu đãi về đất cũng chính là hình thức dùng tiền đó để tái đầu tư lại xây dựng đô thị.
Kết hợp hài hoà cả ba lợi ích
Hiện nay trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu của các đối tượng rất khác nhau. Người có thu nhập thấp muốn ở nhà chung cư hoặc nhà liền kề vì giá cả phù hợp hơn. Nhưng những đối tượng có thu nhập cao, chẳng hạn như nhà doanh nghiệp, nhà kinh doanh, có điều kiện sinh hoạt ở mức cao hơn nên chọn biệt thự.
Đối với Vĩnh Phúc, ông Trịnh Đình Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định: "Dù phát triển ở mức độ nào cũng phải tính đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhà đầu tư và đặc biệt là quan tâm lợi ích của người dân, làm sao để họ có điều kiện sống ngày càng tốt hơn. Vĩnh Phúc chỉ thu 25% giá trị đất thương phẩm để dùng vào việc tái định cư. Còn lại đất đô thị để kinh doanh thì do chính các doanh nghiệp đưa ra giá và bàn cách bán như thế nào cho hợp lý nhất. Tỉnh không can thiệp vào việc đó, vì bản thân các doanh nghiệp sẽ tự phải tính đến sức cạnh về giá thì mới thu hút được sức mua của người dân.
Khả năng mua của người dân cũng góp phần vào việc điều chỉnh giá tại các khu đô thị bởi quy luật cung - cầu". Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Vĩnh Phúc đã thu hút được 339 dự án đầu tư bao gồm 63 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 565 triệu USD, 276 dự án DDI với tổng số vốn 13.762 tỷ đồng, tổng diện tích đất chuyển đổi sang công nghiệp là 2.034 ha. Thu ngân sách địa phương năm tách tỉnh (năm 1997) do TƯ giao trên 90 tỷ đồng, đến năm 2003 thu ngân sách đạt trên 1.700 tỷ đồng, gấp gần 20 lần. GDP hàng năm bình quân tăng trưởng trên 15% cao hơn nhiều mức bình quân chung cả nước, năm 2003 GDP tăng 17%.
Theo quy hoạch của Chính phủ đến năm 2020, các đô thị của các tỉnh xung quanh Hà Nội trong khoảng bán kính 40 - 50 km sẽ là các đô thị vệ tinh của Thủ đô, các cụm đô thị trung tâm của tỉnh Vĩnh Phúc sẽ trở thành các đô thị vệ tinh ấy. Hiện nay, Vĩnh Phúc đã quy hoạch đến năm 2020. Theo ông Trịnh Đình Dũng, với tốc độ phát triển như hiện nay thì đến năm 2020 Vĩnh Phúc sẽ trở thành thành phố. Khi đó, dân số đô thị chiếm khoảng 40 - 50% tổng số dân, tương đương với Hải Phòng, tức là khoảng 70 - 75 vạn dân là người đô thị. Như vậy, sẽ có ít nhất 3 thành phố nhỏ là: Vĩnh Yên 20 vạn dân; Mê Linh 35 vạn dân và thành phố Phúc Yên 20 vạn dân. Các địa phương lân cận các thành phố này sẽ trở thành những thị trấn, thị tứ.
Phong Lan
(Theo Thời báo kinh tế Việt Nam)
Administrator User