Xã Liên Châu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

10:35 13/12/2004

XÃ LIÊN CHÂU CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NÔNG NGHIỆP
 
 

     Xã Liên Châu - huyện Yên Lạc đến nay đã triển khai xong bước 3 về dồn ghép ruộng đất từ trung bình 9,5 thửa/1 hộ trước đây nay chỉ còn 5 thửa cả đồng lẫn bãi. Vì sao Liên Châu lại có thể bứt phá vượt lên trong phong trào của toàn huyện về thực hiện dồn ghép ruộng đất (DGRĐ)?

     Xã Liên Châu có 3 làng - 3 HTX gồm Nhật Chiêu, Thụ ích, Nhật Tiến với 14 thôn (khu dân cư). Diện tích đất tự nhiên là 849,6 ha trong đó đất nông nghiệp: 607 ha, đất chuyên dùng: 127,09 ha, đất không sản xuất được: 33ha, đất ở: 33,21ha (trong tổng diện tích đất tự nhiên có diện tích xâm canh của xã Hồng Châu: 48,03 ha). Diện tích đất này có cả trong đồng, đất bãi trong đê bối, đất bãi cát ngoài đê bối sông Hồng. Điều kiện về thủy lợi ở các vùng rất khác nhau. Trong những năm qua 1.901 hộ với 8.351 khẩu đã được chia đất bình quân: tốt có, xấu có, xa có, gần có. Làm cho đồng ruộng bị băm nát. Năm 1998 Đảng ủy đã có nghị quyết về DGRĐ nhưng mới chỉ thực hiện được một diện tích nhỏ, chủ yếu là đất trồng dâu ngoài bãi. Tháng 8-2004, sau khi tổ chức quán triệt học tập Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện, Đảng ủy xã đã họp và ra nghị quyết, xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ DGRĐ. Xã đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) gồm 17 đồng chí, do đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND làm trưởng ban, đồng chí Phó bí thư thường trực làm Phó ban thường trực và đồng chí Phó bí thư - Chủ tịch UBND làm phó ban. Theo đó các làng, các thôn, các đoàn thể quần chúng đều thành lập BCĐ của đơn vị mình. Để giúp cho BCĐ của xã hoàn thành được nhiệm vụ, BCĐ đã thành lập các tiểu ban giúp việc gồm: Tiểu ban tuyên truyền, tiểu ban xây dựng kế hoạch và thẩm định phương án, tiểu ban tài chính, BCĐ, các tiểu ban của xã cũng như BCĐ ở các làng, thôn, đoàn thể đều phân công thành viên phụ trách các đơn vị cụ thể, gắn việc đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên với kết quả thực hiện được ở những đơn vị được phân công vào cuối năm.

     Công tác chuẩn bị hoàn tất nhưng khi vào triển khai đã 1 lần phải hoãn lại tiến độ để làm lại từ đầu, vì khi họp dân có 2 làng không  đồng tình với phương án trong đó, có cả đảng viên. BCĐ xã đã họp và kêu gọi của nhân dân 2 làng đóng góp ý kiến tìm cách tháo gỡ khó khăn. Cách làm là phải thận trọng, tránh nôn nóng, tôn trọng tối đa quyền dân chủ của nhân dân, công tác tuyên truyền, vận động được cấp ủy chính quyền xã Liên Châu đặt lên hàng đầu. Cán bộ xã, thôn đến tận nhà dân để tiếp thu ý kiến và giải thích cho dân. Suốt dòng mấy tháng trời cán bộ từ thôn, làng đến xã làm việc không tính thời gian. BCĐ của xã đã biết tận dụng trí tuệ và uy tín của Hội Người cao tuổi, cán bộ trung cao cấp nghỉ hưu, cán bộ nhà nước về sinh hoạt ở nơi cư trú để giúp cho mình về công tác vận động, thuyết phục. Xã còn sử dụng cả đến đội ngũ các cháu học sinh để vận động gia đình mình - đây là biện pháp cũng có hiệu quả; các chi bộ, các đoàn thể phân công cán bộ đến từng nhà tuyên truyền giải thích, làm công tác tư tưởng để lấy phiếu cam kết của chủ hộ; Hội phụ nữ tổ chức cuộc hội thảo gồm đại biểu của 14 chi hội với chủ đề về DGRĐ để giúp cho chị em hiểu sâu hơn về chủ trương này mà ủng hộ; Hội Người cao tuổi tổ chức các đêm thơ, làng Nhật Chiêu tổ chức đêm giao lưu văn nghệ với 2 làng trong xã với các bài thơ, tiết mục văn nghệ tuyên truyền về DGRĐ. Hệ thống đài truyền thanh xã và các làng thường xuyên phát tin, bài hàng ngày, kịp thời tuyên dương những đơn vị làm tốt và uốn nắn những việc làm chưa tốt. Ngoài việc chủ trì của Ban văn hóa xã, mỗi đoàn thể còn được phân công trực về công tác tuyên truyền hàng tuần để làm cho công tác tuyên truyền thêm sinh động, hấp dẫn, hiệu quả hơn.

     Do có sự chỉ đạo chặt chẽ đồng bộ về các việc phục vụ cho chủ trương DGRĐ mà kết quả đáng mừng đến với Liên Châu; đến đầu tháng 11-2004 tất cả các thôn, làng đều đã họp được dân với sự nhất cao từ 90 - 100% số người dự họp như làng Nhật Chiêu có 268 hộ/280 hộ, làng Nhật Tiến 540/802 hộ, làng Thụ ích 385/385 hộ. Việc tổ chức gắp phiếu nhận phần đất của các thôn trong làng được tổ chức công khai, dân chủ nêu tạo được lòng tin cho nhân dân. Trong ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân" (18/11) vừa qua các thôn đã tổ chức cho các hộ gia đình gắp phiếu nhận phần đất của mình để sau khi thu hoạch đỗ tương xong thì ra nhận ngoài thực địa.

     Để giúp cho việc thực hiện nhanh và hiệu quả tốt BCĐ xã đã thống nhất phát động thi đua giữa các thôn, làng kèm theo mức thưởng để ghi nhận công lao: ngoài việc hỗ trợ, thưởng của tỉnh, huyện, xã đã xây dựng kế hoạch thưởng cho các HTX hoàn thành việc dồn ghép ruộng đất là 200 ngàn đồng/1 ha, hỗ trợ 30% tổng kinh phí để xây dựng kênh mương, đường nội đồng nếu xuất sắc được thưởng thêm 20 triệu nữa để làm; mỗi ban quản trị HTX được thưởng 1,5 triệu và những thôn làm hoàn thành được thưởng 1 triệu đồng. Những cá nhân xuất sắc sẽ được xét khen thưởng. Riêng làng Nhật Chiêu còn quyết định nếu thôn (khu dân cư) nào tổ chức xong việc gắp phiếu nhận phần ruộng đất trong dịp ngày hội Đại đoàn kết toàn dân thì còn được thưởng thêm 500 ngàn đồng nữa... Tuy số tiền thưởng chưa phải là cao so với công sức, nhưng dù sao đó cũng là 1 trong những động lực để thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, các làng, các thôn, tham gia thực hiện nghị quyết của Đảng.

     Hiện nay, tuy những việc cơ bản đã hoàn tất, nhưng BCĐ DGRĐ Liên Châu vẫn phải đề phòng những trục trặc có thể xảy ra khi đo đất giao đến từng hộ gia đình. Vì thế xã đã tổ chức sơ kết 3 bước triển khai và đề ra các biện pháp triển khai ở bước cuối cùng. Trong tư duy của mỗi người dự hội nghị sơ kết đó đã hình dung nó như "trận chiến". Cuối cùng chỉ còn cách là "xông lên" để giành chiến thắng. Mỗi cán bộ, mỗi gia đình đảng viên phải gương mẫu để nhân dân noi theo. "Trận chiến" này đòi hỏi phải có mưu lược, khoa học, khôn khéo để giảm thiểu những tổn thất. Người viết bài này hy vọng ngọn cờ chiến thắng ở Liên Châu sẽ được cắm lên khắp các vùng miền đồng đất xã nhà trong tháng cuối cùng của năm Giáp Thân này và cũng hy vọng góp 1 phần kinh nghiệm nhỏ để các đơn vị trong và ngoài huyện tham khảo phục vụ cho nhiệm vụ DGRĐ, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

                                     Văn Thị Luân (Phó Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Yên Lạc)
                                               (Báo Vĩnh Phúc 13-12-2004)

Phan Anh Hùng