Biết Hội người mù tỉnh có lớp dạy chữ nổi Brail cho người khiếm thị đã lâu, nhưng hôm nay chúng tôi mới có dịp đến thăm lớp học đặc biệt này. Bàn tay của thầy giáo trẻ Lê Văn Tùng nhẹ nhàng hướng dẫn 6 học sinh học chữ Brail còn rất khó khăn, nhưng Tùng bảo kiên trì sẽ thành công, bởi đối với người khiếm thị, ánh sáng chính là niềm tin vào cuộc sống; trái tim và 2 bàn tay là cửa sổ tâm hồn..
Trái hẳn với hình dung của chúng tôi, Tùng không rụt rè, không mặc cảm tự ti khi chúng tôi có ý định viết bài về em, Tùng mời chúng tôi ngồi, hướng dẫn chúng tôi cách nhận biết, sắp xếp chữ nổi và giãi bày tâm sự: “Ngày nhỏ, em có khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt đen tròn, hàng mí cong, nước da trắng…ai cũng bảo bố mẹ may mắn, hạnh phúc, nhưng chẳng hiểu sao, càng lớn lên, đôi mắt của em càng nhìn không rõ. Được bạn bè, thầy cô giúp đỡ, lực học khá, em học hết cấp 2 thì nghỉ học vì cả 2 mắt không còn khả năng nhìn nữa. Bố mẹ đã bán tất cả những đồ có giá trị trong nhà để “cứu” đôi mắt em, nhưng sau nhiều lần khám chữa, kết quả mang lại là con số không tròn trĩnh. Chút hy vọng mong manh là tìm lại được ánh sáng đã khép lại. Lúc này em phải chấp nhận với hiện thực là sẽ bị mù vĩnh viễn. Đau khổ đến tột cùng, em sống khép mình, tách biệt với mọi người bởi mặc cảm tật nguyền của bản thân. Suốt ngày em chỉ biết làm bạn với chiếc đài nhỏ…”
![]() |
Lê Văn Tùng hướng dẫn học sinh Trần Đăng Khoa học chữ nổi |
Năm 2006, Tùng đươc gia đình động viên gia nhập Hội người mù tỉnh. Tại đây Tùng đã gặp gỡ những người cùng cảnh ngộ với mình, có được sự cảm thông, chia sẻ của bạn bè. Tùng không còn mặc cảm nữa vì đã tìm được cho mình những niềm vui mới. Nụ cười đã trở lại trên môi Tùng. Tùng được Hội cho đi học tiếp cấp 3 ở trường Nguyễn Văn Tố- Hà Nội, rồi được cử về Trung ương Hội người mù Việt Nam học lớp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Sau gần 1 năm theo học cả 2 chương trình đào tạo M1 và M2, Tùng quay trở lại và trở thành thầy giáo.
Gần 4 năm gắn bó với Hội người mù, Tùng đã không ngừng cố gắng, nỗ lực trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng sống để xứng đáng là người thầy của các em. Tùng cho biết: Người bình thường học chữ đã khó, người khiếm thị dạy người khiếm thị học chữ, học làm người càng khó hơn. Cách nhận biết, tiếp cận mọi sự vật, sự việc của người khiếm thị là qua xúc giác, thính giác. Để giúp các em sớm hòa nhập với cộng đồng, nhiều đêm em đã phải thức trắng để xây dựng kế hoạch dạy phù hợp với từng độ tuổi, trình độ của học sinh.
Em Trần Đăng Khoa ở thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên cho biết: Em vào đây được 6 tháng. Ngày mới vào, em khóc suốt ngày vì nhớ bố mẹ, nhưng rồi được thầy Tùng và các anh chị trong Hội động viên giúp đỡ, em tự tin lên rất nhiều. Giờ đây, em có thể tự đi lại mà không va chạm vào đồ vật, tự giặt quần áo và biết đọc, viết chữ nổi. Tuần trước, em đã viết gửi mẹ, lá thư bằng chữ nổi, mẹ em nhận được, gọi điện lên khóc suốt vì mừng quá.
Vững niềm tin vào tương lai, Đào Thị Hường, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch tâm sự: Gia đình em nghèo lắm. Trước kia sống ở quê, bị mù nên quanh năm em không ra khỏi nhà, ngại tiếp xúc. Nhưng sau 2 năm sống ở đây, được thầy Tùng dạy bảo, em đã đọc, viết thành thạo chữ nổi và hoàn thành tốt nhiều bài khảo sát chương trình học lớp 1 và lớp 2 với số điểm khá cao. Thầy Tùng bảo, với kiến thức của em, năm học tới, em sẽ được chuyển sang lớp học hòa nhập cộng đồng ở trường tiểu học Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên.
Lớp học đặc biệt của Tùng không có tiếng trống, 1 tiết học cũng không phải là 45 phút. 6 học sinh, 6 chương trình dạy khác nhau, nhưng hơn 2 tiếng đồng hồ ở đó, chúng tôi không hề thấy Tùng kêu mệt, khi cứ chạy đôn, chạy đáo từ bàn này sang bàn kia để hướng dẫn các em. Tùng bảo, sự học không bao giờ là sớm và thừa và em sẽ cố gắng dạy các em bằng cả tấm lòng để khi ra hòa nhập với cộng đồng, các em không bỡ ngỡ.
Công sức của Tùng dành cho người khiếm thị không hề nhỏ nhưng Tùng luôn khiêm tốn, không thích ai ca tụng mình quá lời. “Những gì em làm cho người cùng cảnh ngộ là mong xóa được khoảng cách giữa người khiếm thị với người sáng mắt. Đó là làm thế nào để người kém may mắn thấy rằng mình cũng có thể làm bất cứ điều gì mà người sáng mắt đã làm”.
Thanh Nga
Quản trị