Chuyện về những thầy, cô giáo vượt lên số phận vì sự nghiệp trồng người

00:00 18/11/2011

 

Dù hoàn cảnh sống khác nhau nhưng họ cùng có điểm chung là sự hy sinh hết mình cho sự nghiệp trồng người. Vượt lên bao khó khăn, bệnh tật các thầy cô vẫn chuyên cần bám trường, bám lớp, gần gũi, thân thiện với học sinh, đào tạo những lớp chủ nhân tương lai cho đất nước...

Tại buổi gặp mặt các cựu giáo chức làm tốt công tác khuyến học và  giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do Công đoàn ngành giáo dục tỉnh phối hợp với Hội cựu giáo chức, Hội khuyến học tổ chức vừa qua, câu chuyện về cuộc đời, số phận éo le của cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, Phó hiệu trưởng trường THCS Cao Minh A, thị xã Phúc Yên khiến tất cả những ai có mặt trong khán phòng đều rơi nước mắt xúc động. Ít ai ngờ, người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt phúc hậu này đã từng trải qua những ngày tháng bất hạnh đến thế…

 Lãnh đạo tỉnh tặng quà cho các thầy cô có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp 20/11

Sinh ra trong một gia đình trí thức, ngay từ nhỏ, Nguyệt đã mơ ước được trở thành cô giáo để “chèo thuyền” đưa các thế hệ học trò qua sông, trở thành những công dân có ích cho quê hương, đất nước. Tốt nghiệp cấp III, chị thi và đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc. Ra trường, được phân công về dạy học tại trường THCS Cao Minh, chị luôn cố gắng phấn đấu để trở thành một giáo viên dạy giỏi, yêu thương học trò, được đồng nghiệp tin yêu, học sinh quý mến. Năm 1990, chị xây dựng gia đình, hai đứa con trai khoẻ mạnh, xinh xắn lần lượt ra đời như tiếp thêm sức mạnh để chị phấn đấu nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người. Nhưng số phận dường như không mỉm cười với chị, khi con trai thứ 2 tròn 2 tuổi cũng là lúc người chồng thân yêu bỏ lại 3 mẹ con chị ra đi vĩnh viễn sau một tai nạn giao thông. Gánh nặng gia đình đổ xuống đôi vai gầy của chị; không chỉ lo lắng về vật chất, giờ chị vừa phải làm cha, vừa làm mẹ để nuôi dạy 2 con trai. Rồi những ngày tháng vất vả cũng dần qua, được sự động viên của gia đình, bạn bè đồng nghiệp và hơn cả là lòng yêu nghề, yêu trẻ, chị trở thành một Phó hiệu trưởng được đồng nghiệp mến phục, 2 con trai ngoan ngoãn, năm học nào cũng mang những phần thưởng học sinh giỏi về tặng mẹ.

Năm 2009, đúng vào lúc bao nỗi vất vả, hy sinh của chị dường như được đền đáp khi con trai đầu thi đỗ vào trường đại học Bách khoa cũng là lúc bất hạnh tiếp tục giáng xuống: Chị biết mình mắc bệnh ung thư. Chị tâm sự: “Cứ nghĩ là bệnh tật bình thường, 2 mẹ con đưa nhau lên bệnh viện khám, bác sỹ kê đơn thuốc về uống là khỏi. Nhưng khi bác sỹ hỏi “chị đến đây cùng ai?” tôi cảm thấy trời đất như sụp đổ dưới chân, dường như cuộc sống đã không còn tồn tại với mình nữa. Nhưng chỉ sau một đêm thức trắng suy nghĩ, tôi nhận ra mình không thể đầu hàng số phận dễ dàng như thế, tôi phải sống vì các con, vì những lớp học sinh đang đón chờ những bài giảng mới của mình…”.

Hơn 2 năm chiến đấu với bệnh tật, dù đã có những lúc tuyệt vọng vì đau đớn sau mỗi lần xạ trị, vì nỗi lo vật chất khi tiền thuốc thang, tiền nuôi các con ăn học đều do một tay chị cáng đáng, nhưng ý chí vươn lên đầy nghị lực của một người đảng viên, một giáo viên và bản lĩnh của một người mẹ đã giúp chị chiến thắng bệnh tật. Căn bệnh quái ác dần được khống chế, chị lại có thể đứng trên bục giảng, lại tiếp tục đi đầu trong mọi phong trào thi đua và làm tốt công việc của một người quản lý.

21 năm gắn bó với nghề, cô giáo Nguyễn Thị Lệ Chung, Phó hiệu trưởng trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc luôn nhận được tin yêu, mến phục của đồng nghiệp, học sinh không chỉ bởi cô là một giáo viên dạy giỏi với 48 em đoạt giải học sinh giỏi Quốc gia, 2 học sinh giỏi Quốc tế, có nhiều thế hệ học sinh thành đạt mà còn bởi cô đã chiến thắng căn bệnh K quái ác nhờ lòng yêu nghề, yêu trò.

Nhắc lại những ngày “đen tối” nhất trong cuộc đời mình, cô kể: “Năm 2009, giữa những ngày cô và trò đang cùng nhau gấp rút ôn luyện, chuẩn bị bước vào kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia thì tôi biết mình bị mắc bệnh hiểm nghèo. Lúc đó, vợ chồng tôi như chết lặng, bản thân tôi vô cùng tuyệt vọng, nghĩ rằng những ước mơ và hy vọng cho cuộc sống gia đình và nghề nghiệp đã đặt dấu chấm hết. Cũng may, do phát hiện kịp thời, lại có chồng, con, bạn bè luôn ở bên động viên, chăm sóc, giúp tôi thêm vững vàng và tự tin hơn để bắt đầu những tháng ngày chống chọi với căn bệnh”.

Đợt điều trị đầu tiên, nằm trên giường bệnh, cô không có thời gian lo lắng nhiều cho bệnh tật bởi đây là lúc 6 học trò cưng của cô bước vào kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn sinh học. Quên đi nỗi đau thể xác, hằng ngày, cô thường gọi điện thoại về động viên các em cố gắng thi tốt. Không phụ lòng mong mỏi của cô, năm đó, cả 6 học sinh đi thi đều đạt giải cao. Đây cũng  là động lực giúp cô phấn chấn hẳn lên và nghĩ rằng phải cố gắng chữa khỏi bệnh, sớm trở về với gia đình, với học trò thân yêu.

Gần 3 năm qua, bộn bề với những lo toan cho cuộc sống đời thường, nhất là phải đối phó với những khó khăn của bệnh tật, nhưng với ý thức trách nhiệm, với lòng nhiệt tình, sự say mê công việc và bằng tất cả tình cảm yêu thương dành cho các em học sinh thân yêu, cô Chung đã đem hết cái tài, cái tâm trong sáng của nhà giáo để dìu dắt, hướng dẫn các em. Những nỗ lực của cô được đền đáp xứng đáng khi cô vinh dự được Nhà nước tặng thương Huân chương Lao động hạng Ba. Nhưng có lẽ, với cô, phần thương quí giá nhất chính là tình cảm mà học trò dành cho mình. Hằng năm, vào những ngày 20/11, ngày lễ, tết các em lại rủ nhau về thăm cô, nhớ về cô với tấm lòng biết ơn chân thành nhất.

Năm 2001, cử nhân Nguyễn Khả Tuyến được phân công về dạy học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Bình Xuyên. Bằng sức trẻ và nỗ lực phấn đấu, chỉ trong một thời gian ngắn thầy đã chiếm được niềm tin, sự mến phục của đồng nghiệp, học trò. Niềm vui kéo dài chưa được bao lâu, tai nạn giao thông khủng khiếp đã cướp đi đôi chân của thầy, bao ước mơ, hoài bão tưởng như cũng tắt lịm. Mọi việc trở nên khó khăn, có lúc thầy tưởng như rơi vào hố sâu tuyệt vọng của số phận nhưng với ý chí đáng khâm phục, với tình yêu cuộc sống mãnh liệt, thầy quyết sống những ngày tháng không vô nghĩa, như người ta nói “tàn nhưng không phế”. Bằng nghị lực của bản thân, bằng niềm khát khao cống hiến tri thức, thầy đã được xã hội ghi nhận bởi những đóng góp cho ngành Giáo dục.

Thầy tâm sự: “Tôi luôn tự nhủ, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người giáo viên, cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, nén nỗi đau về bệnh tật, không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức của người giáo viên. Cứ mỗi lúc gặp khó khăn, tôi lại nhớ đến tấm gương thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, để thấy rằng mình cũng chưa phải đã khó khăn, để mài thêm ý chí vươn lên trong cuộc sống…”

Cô Nguyệt, cô Chung, thầy Tuyến chỉ là 3 trong số nhiều thầy, cô giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã vượt lên khó khăn để cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp Giáo dục tỉnh nhà và trở thành những tấm gương sáng cho đồng nghiệp, các lớp học sinh noi theo.

Nhằm xoa dịu, làm vơi bớt những khó khăn mà các thầy, cô, năm học vừa qua, Liên đoàn lao động, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh đã vận động cán bộ, giáo viên, công đoàn viên toàn ngành xây dựng quỹ “Mái ấm công đoàn”, quỹ “Hỗ trợ giáo viên khó khăn ở vùng sâu, vùng xa”, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ 414 nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 124 triệu đồng; trao tặng 235 bộ áo dài đồng phục cho giáo viên 8 trường thuộc 3 huyện miền núi Tam Đảo, Lập Thạch và Sông Lô… Những món quà này không chỉ có ý nghĩa về vật chất mà còn là nguồn cổ vũ, động viên các thầy, cô giáo vững bước trên bước đường mà mình đã lựa chọn.

Bích Phượng