Để xóa bỏ dần sự “bao cấp” của Nhà nước, tăng tính chủ động cho các doanh nghiệp, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp. Đây là hướng đi đúng đắn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển.
Lợi nhuận tăng
Chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần từ ngày 1/4/2000, 14 năm qua, bằng việc đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành và sự nỗ lực của từng cán bộ, người lao động, Công ty cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc đã không ngừng lớn mạnh, từ chỗ làm ăn thua lỗ trở thành doanh nghiệp có doanh thu cao. Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty cho biết: "Ngay sau khi chuyển đổi, Công ty đã đa dạng hóa hình thức hình thức kinh doanh để thu hút vốn đầu tư như liên doanh, liên kết, mở rộng ngành nghề kinh doanh; đầu tư thêm 100 đầu xe vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, hình thành 5 tuyến xe buýt, với 70 đầu xe, phục vụ nhu cầu đi lại của 2.000 lượt khách/ngày, góp phần hạn chế ùn tắc và mất an toàn giao thông.
Công ty không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Tất cả các đầu xe phải chạy đúng tuyến, đúng làn, không phóng nhanh, vượt ẩu. Đặc biệt, lái xe, phụ xe luôn niềm nở, tươi cười với hành khách. Với cách làm này, Công ty cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc ngày càng tạo được sự tin yêu của hành khách, doanh thu hằng năm tăng cao, từ 7 tỷ đồng năm 2.000 tăng lên 84 tỷ đồng năm 2013. Riêng 3 tháng đầu năm 2014, Công ty đạt doanh thu 25 tỷ đồng, tăng 15% so với quý I/2013. Hiện Công ty đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho 300 lao động với mức lương bình quân 4,9 triệu đồng/người/tháng.
Sau 6 năm hoạt động theo mô hình cổ phần, với những kết quả nổi bật, Công ty cổ phần cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Ông Trần Quang Ngọc, Giám đốc Công ty cho biết, để có được kết quả này, đơn vị đã “mạnh tay” sắp xếp lại bộ máy tổ chức, đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng, lắp đặt bổ sung nhiều tuyến ống cấp 3, hạn chế thất thoát nước xuống dưới mức 18%. Hết quý I/2014, Công ty đã có 25.000 khách hàng sử dụng nước sạch ở 8/9 huyện, thành, thành, thị, doanh thu đạt 18 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với việc mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng nước máy, từ năm 2010, Công ty đã tập trung nguồn vốn mở rộng các lĩnh vực phục vụ: kinh doanh vật tư thiết bị ngành nước, xử lý nước thải đô thị, sản xuất nước lọc tinh khiết, xây dựng công nghiệp, dân dụng, điện…
Bảo trì hệ thống máy móc - cách để hạn chế tỷ lệ
thất thoát nước ở Công ty cổ phần cấp thoát nước số 1
Còn Công ty cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc, sau khi cổ phần hóa, doanh thu sản xuất, kinh doanh hàng năm tăng từ 25 - 30%, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 700 lao động. Có được thành công này là do Công ty đã đổi mới công nghệ sản xuất; ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, công nghệ mới, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Hiện công ty đang sử dụng các dây chuyền sản xuất hiện đại, tiên tiến của khu vực và trên thế giới: dây chuyền sản xuất thuốc tiêm bột đông khô, thuốc tiêm dung dịch, thuốc viên đạt tiêu chuẩn GMP –WHO; phòng kiểm nghiệm thuốc theo tiêu chuẩn GLP – WHO; kho bảo quản thuốc theo tiêu chuẩn GSP-WHO và chuỗi các Nhà thuốc theo tiêu chuẩn GPP. Đặc biệt, Công ty đã xây dựng trung tâm phân phối dược phẩm và hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001, 2000 và 9001, 2008 tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.
Cơ hội để sàng lọc
Theo thống kê của Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh, hết năm 2013, Vĩnh Phúc đã tiến hành sắp xếp, đổi mới 48 doanh nghiệp, đơn vị. Trong đó, cổ phần hóa 37 đơn vị, doanh nghiệp, chuyển thành công ty TNHH 8 đơn vị và giải thể 3 đơn vị. Nhìn chung, công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp cơ bản hoàn thành theo đúng phương án phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. 91% doanh nghiệp sau chuyển đổi có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, có 4 công ty hoạt động không hiệu quả sau cổ phần hóa gồm: Công ty cổ phần may Hương Canh, Công ty cổ phần công trình giao thông Vĩnh Phúc, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Phúc và Công ty cổ phần xây lắp điện và hạ tầng Vĩnh Phúc.
Ông Trần Kim Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tư vấn và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân khiến 4 doanh nghiệp trên làm ăn không hiệu quả là do tổ chức bộ máy quản lý và hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp chưa được đổi mới; phương thức quản trị, điều hành chậm thay đổi, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao.
Theo Phương án sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2011-2015, Vĩnh Phúc sẽ duy trì hoạt động của 6 doanh nghiệp Nhà nước gồm: Công ty TNHH một thành viên xổ sổ kiến thiết Vĩnh Phúc, Công ty TNHH một thành viên Nông công nghiệp Tam Đảo và các công ty TNHH một thành viên thủy lợi: Liễn Sơn, Lập Thạch, Phúc Yên, Tam Đảo. Đồng thời chuyển Công ty TNHH hai thành viên thẩm định giá và dịch vụ tài chính thành Công ty cổ phần thẩm định giá và dịch vụ tài chính Vĩnh Phúc; cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Thương mại tổng hợp Vĩnh Phúc.
Thực hiện Nghị quyết số 15 của Chính phủ và Chương trình hành động số 43 của Tỉnh ủy về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, ngày 24/4/2014, UBND tỉnh đã có Thông báo số 55, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn thành cổ phần hóa Công ty Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Vĩnh Phúc và Công ty TNHH một thành viên Thương mại tổng hợp Vĩnh Phúc trong năm 2014; tham mưu với UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2012 – 2015. Sở Tài chính tiến hành kiểm toán, xác định giá trị của các doanh nghiệp chuyển đổi. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết chế độ chính sách cho người lao động theo quy định tại Nghị định 91 của Chính phủ. Cục Thuế tỉnh rà soát việc chấp hành chính sách thuế, phí, lệ phí đối với hoạt động của các trung tâm, đơn vị sự nghiệp có thu; tổng hợp tình hình nợ ngân sách của các doanh nghiệp Nhà nước trước, trong và sau chuyển đổi. "Dù việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước là chuyện không dễ làm, tuy nhiên, với những bước đi cụ thể, đặc biệt là sự chủ động và cùng vào cuộc của các cấp, các ngành và chính các doanh nghiệp, Vĩnh Phúc sẽ sớm hoàn thành việc cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong năm 2014"- ông Hải khẳng định.
Thanh Nga
Thanh Nga