Cây xanh có ý nghĩa quan trọng trong các trường học, vừa tạo bóng mát cho học sinh vui chơi vừa bảo đảm môi trường xanh-sạch-đẹp. Tuy nhiên, an toàn trường học luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn tỉnh thường xuyên đẩy mạnh việc chăm sóc, quản lý cây xanh, nhất là trong thời điểm mùa mưa bão bắt đầu.

Một trong những ngôi trường có nhiều cây xanh nhất tỉnh - Trường THPT Yên Lạc, huyện Yên Lạc có gần 5.000m2 diện tích sân vườn đã được phủ xanh bởi nhiều loại cây bóng mát. Tổng số gần 100 cây các loại chủ yếu là xà cừ, bằng lăng, phượng vĩ, cọ cảnh, cau vua và nhiều cây cảnh khác. Theo thầy Trần Mạnh Cường, Hiệu phó nhà trường: Trường THPT Yên Lạc được xây dựng cách đây gần 60 năm nên nhiều cây xà cừ có tuổi thọ gần 50 tuổi. Cây xanh trong trường có vai trò quan trọng tạo bóng mát cho học sinh vui chơi trong giờ giải lao, các hoạt động ngoại khóa tại sân trường và các giờ học thể dục thể chất. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn trường học, công tác quản lý và chăm sóc, gia cố cây xanh phải luôn được đặt lên hàng đầu. Hằng năm, nhà trường luôn chú trọng khâu chăm sóc, rà soát; thường xuyên kiểm tra những cây có triệu chứng mối, mọt hoặc có dấu hiệu gãy đổ, gây nguy hiểm để có hướng xử lý phù hợp.


Theo thầy Cường, nếu phải tập trung học sinh toàn trường vào tầm 10 giờ trưa,
hệ thống cây xanh nhà trường vẫn bảo đảm đủ bóng mát cho các em học sinh

Còn với Trường Tiểu học và THCS Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, từ nhiều năm nay, hệ thống cây xanh, bồn hoa, cây cảnh được trường bố trí hợp lý, tạo cảnh quan môi trường luôn xanh, sạch, đẹp. Riêng cây bóng mát, toàn trường có gần 50 cây gồm: Xà cừ, bàng, hoa sữa, sấu, cau vua. Cây to nhất có đường kính 80cm, cao khoảng 13m. Công tác quản lý cây xanh được bảo đảm chặt chẽ, trường thành lập Ban quản lý, chăm sóc hệ thống cây xanh, cây bóng mát. Ban quản lý có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, phát hiện những cây sâu, mục, cây nghiêng, đổ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường trong việc cắt tỉa, đốn hạ, bảo đảm an toàn trong khuôn viên trường học. Thầy Nguyễn Quang Đạo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước mùa mưa bão hằng năm, thường đầu tháng 5, nhà trường có tờ trình gửi UBND xã xin chủ trương phối hợp để cắt tỉa những cành cây tán rộng hay khô, mục để bảo đảm an toàn.

Chủ động kiểm tra, kịp thời chỉnh đốn, cắt tỉa cây xanh là việc làm thường xuyên
của Trường Tiểu học & THCS Tam Phúc

Trường THPT Trần Phú, thành phố Vĩnh Yên cũng là một trong những ngôi trường có số lượng cây bóng mát lớn, trong đó có nhiều cây cổ thụ. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, mặc dù đây đều là các cây trồng lâu năm, có bộ rễ dài, bám chắc nhưng nhà trường không chủ quan trong công tác quản lý. Hằng năm, trường chủ động kiểm tra, cắt tỉa những cành cây khô, mục, tán rộng; thường xuyên đánh giá tình trạng hệ thống cây xanh để kịp thời xử lý các trường hợp có nguy cơ gãy, đổ.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, diện tích bóng mát của các cây xanh trong trường học trên địa bàn tỉnh khá lớn; hầu hết các trường đều có hệ thống cây xanh phát triển tốt, diện tích bao phủ của bóng mát đạt tới 70%- 80%. Năm 2018, trên cơ sở các văn bản, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn. Văn bản quy định chi tiết các khái niệm, hướng dẫn, yêu cầu chi tiết về việc bảo đảm các điều kiện an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích học đường, trong đó có việc quản lý cây xanh.

Trồng cây xanh trong trường học góp phần tạo môi trường xanh, sạch,
đẹp nhưng phải bảo đảm an toàn 

Mới đây, sau vụ tai nạn tại Trường THCS Bạch Đằng, thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 666 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong trường học. Trong đó, đôn đốc các nhà trường tiếp tục thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn, đồng thời, khẩn trương rà soát, kiểm tra lại hệ thống cây xanh; chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ quan chuyên môn rà soát toàn bộ cây xanh trong khuôn viên nhà trường; xử lý ngay những cây bị nghiêng, có hiện tượng mối mọt; với những cây lâu năm thì cắt tỉa cành, cắt bỏ những nhánh mục, hư hỏng, tránh tình trạng cây gãy, đổ. Trường hợp phát hiện cây có nguy cơ gãy, đổ nhưng chưa kịp xử lý, nhà trường phải có cảnh báo nguy hiểm và liên hệ ngay với cơ quan chuyên môn để xử lý trong thời gian sớm nhất. Ngoài bảo đảm an toàn cây xanh, các nhà trường cũng cần rà soát các nguy cơ tiềm ẩn nguy hiểm khác như hệ thống dây điện, tường, mái, nền nhà, sân trường…

Hồng Yến